Trang chủ

Mẹ & Bé

#14 Nguyên Nhân Khiến Trẻ Biếng Ăn và Cách Khắc Phục

Tham vấn y khoa:
Nguyễn Tiến Dũng
9/2/2023
Mẹ & Bé
nguyên nhân trẻ biếng ăn

Những lý do khiến trẻ biếng ăn có thể khiến cha mẹ ngạc nhiên và không ngờ tới. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì cũng sẽ có biện pháp giải quyết phù hợp cho trẻ. Dưới đây là 14 nguyên nhân trẻ biếng ăn và những biện pháp khắc phục.

Bé biếng ăn có phải là bình thường?

Không có gì khó chịu và bực hội hơn bằng việc dành nhiều thời gian để chuẩn bị, nấu nướng và phục vụ cho trẻ những bữa ăn ngon miệng, đẹp mắt mà trẻ lại từ chối ăn, biếng ăn. 

Bản thân cha mẹ đều biết tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Vì thế trẻ biếng ăn là một điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, cách ăn uống của trẻ là hoàn toàn ngẫu nhiên, không thể dự đoán trước được. Trẻ có thể ăn ít vào hôm này nhưng sẽ ăn nhiều hơn vào hôm sau, trẻ có thể ăn ít khi ốm nhưng sẽ ăn uống bình thường khi khỏe mạnh trở lại…Do đó, việc trẻ biếng ăn, lười ăn là điều bình thường 100%. Chỉ cần cha mẹ xác định được tại sao trẻ biếng ăn thì có thể dễ dàng khắc phục cho trẻ. 

Nguyên nhân và biện pháp khắc phục trẻ biếng ăn

Để trả lời cho câu hỏi tại sao bé biếng ăn, nguyên nhân bé biếng ăn là gì?…cha mẹ cần quan sát tâm trạng, trạng thái của bé khi đến giờ ăn, xem xét tất cả lại những gì mẹ đã cho bé ăn trước và trong bữa ăn, xem lại cách chế biến đồ ăn và cả không khí của cả gia đình nữa.

Sau đây là một số nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, cha mẹ có thể tham khảo để xem bé nhà mình đang rơi vào nguyên nhân nào:

1. Bé cảm thấy áp lực

Nếu cha mẹ luôn khắt khe, khó chịu với bé trong giờ ăn, điều đó có thể gây áp lực cho bé và khiến bé bỏ ăn hoặc không ăn. Nếu cha mẹ tập trung quá nhiều vào việc trẻ ăn gì và ăn bao nhiêu trong bữa ăn thay vì để bé tự quyết định thì sẽ khiến bé lo lắng và có khả năng chống đối việc ăn uống. 

Một số hành động của cha mẹ gây áp lực cho bé trong khi ăn:

  • Đẩy thức ăn đến gần bé
  • Quan sát từng cử động của con trên bàn ăn
  • Liên tục bỏ thức ăn vào trong bát bé
  • Cằn nhằn, khó chịu về việc trẻ không ăn
  • Cố gắng đút cho bé ăn khi bé không tự ăn.

Cách khắc phục

Hãy để trẻ tự ăn và ăn theo tốc độ mong muốn của trẻ, việc của mẹ chỉ là cung cấp cho bé thật nhiều loại thực phẩm đa dạng trong các bữa ăn và để trẻ tự quyết định trẻ ăn như thế nào và ăn bao nhiêu. Đừng cố gắng lại gần trẻ để kiểm soát, hãy để mặc trẻ - dù điều đấy thật khó khăn khi bé gần như không chạm vào thức ăn của mình. 

Hãy để bé coi giờ ăn là “thời gian gắn kết cả gia đình” hơn là “giờ cho bé ăn”, bé sẽ không còn cảm thấy bị áp lực và sẽ cởi mở hơn với việc thử những món ăn mới hoặc đã bị từ chối trước đó.

2. Thức ăn quá nhàm chán

Thức ăn quá nhàm chán cũng là một nguyên nhân biếng ăn ở trẻ. Đôi khi, cha mẹ quá bận rộn không thể chuẩn bị cho bé những bữa ăn cầu kỳ, phong phú, vô tình cho bé ăn những món lặp đi lặp lại. Khi đó sự chán nản của bé ngày càng tăng dần lên và cuối cùng là trẻ sẽ biếng ăn. 

Cách khắc phục

Hãy thay đổi và đưa ra vài lựa chọn đồ ăn mới và khác nhau cho bé và cố gắng xoay vòng 3 hoặc 4 món để bé không thấy nhàm chán. Chúng ta đều chán khi ăn một thứ lâu dài và bé cũng vậy, lý do này rất dễ khắc phục.

Đồng thời hãy chuyển đổi phong cách phục vụ bữa ăn cho bé. Một điều gì đó đơn giản như thay đổi hình dạng hoặc kết cấu của thức ăn đã có thể tạo ra sự khác biệt đối với trẻ. Nếu súp lơ, cà rốt quá giòn, hãy hấp chúng. Trộn “đồng xu” dưa chuột với sốt bơ, hoặc thử “khoai tây chiên” thay vì khoai lang nướng, hoặc súp bí bơ thay vì bí nướng bơ! Hãy thử nghiệm thật nhiều để xem bé thích gì nhất nhé. 

3. Bé không đói

Tại sao trẻ lười ăn? Đơn giản là vì trẻ không đói. Khẩu vị của trẻ thường không thể đoán trước và thất thường bất cứ khi nào. Sau hai tuổi, tốc độ tăng trưởng của trẻ bắt đầu chậm lại và ổn định hơn, như thế trẻ sẽ không còn đói như trước nữa.

Trẻ em luôn có “một ngày đói” và “một ngày no”, điều đó có nghĩa là vào một ngày nào đó, bé có thể ăn hết mọi thứ trên bàn ăn nhưng một ngày khác bé lại có thể không ăn bất cứ thứ gì cả.

Cách khắc phục

Trong trường hợp này, hãy cố gắng chấp nhận câu trả lời “con không đói” và nhắc con bạn rằng mẹ sẽ dọn bàn ăn và sau đó bé sẽ không được ăn gì nữa.

4. Bé không tập trung khi ăn

Cho bé xem TV, ipad, điện thoại hoặc chơi đồ chơi trên bàn là một nguyên nhân trẻ lười ăn vì nó khiến bé mất tập trung vào bữa ăn. Khi một đứa trẻ đang xem video hoặc chơi trò chơi trong khi ăn, trẻ sẽ tập trung hoàn toàn vào trò chơi đó mà không còn sự chú ý nào để ăn bữa ăn nữa.

Trẻ nhỏ rất khó khăn để tập trung vào bữa ăn của mình mà không bị sao nhãng, huống chi là những video hấp dẫn hoặc trò chơi trong điện thoại. 

Cách khắc phục

Không để đồ chơi trên bàn và không được cho bé ăn trước TV (điều đó cũng áp dụng cho phụ huynh — không để điện thoại trên bàn!).

Nhiều bậc cha mẹ cố ý dùng điện thoại hoặc đồ chơi để đánh lạc hướng bé ăn thêm hai hoặc ba miếng nữa, nhưng điều này có thể gây phản tác dụng và làm cho vấn đề tồi tệ hơn, đồng thời tạo ra một thói quen khó bỏ. Màn hình điện thoại và những thứ gây xao nhãng khác cản trở khả năng sự thèm ăn của trẻ.

5. Quá nhiều đồ ăn

Một số trẻ không muốn ăn chỉ vì mẹ cho bé khẩu phần ăn quá lớn và quá sức của bé. Đôi khi mẹ sẽ thắc mắc tại sao bé biếng ăn cho đến khi mẹ nhận ra mẹ đã cho bé suất ăn quá nhiều. Như thế vừa lãng phí thức ăn và vừa khiến bé choáng ngợp với phần ăn mà mẹ đưa ra.

Cách khắc phục

Chỉ cần giảm bớt khẩu phần ăn của bé, bé sẽ bắt đầu ăn lại, đôi khi còn đòi ăn thêm. Tuy nhiên, dù giảm khẩu phần ăn nhưng mẹ vẫn đảm bảo rằng bé đang có một bữa ăn cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng. 

6. Bé bị ốm

Khi bé bị ốm, bé sẽ có xu hướng ăn ít hơn so với bình thường, nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị giảm cảm giác thèm ăn do cơ thể mệt mỏi, bé sẽ thấy “nhạt mồm, nhạt miệng” nên không muốn ăn nữa. 

Cách khắc phục

Trẻ bị biếng ăn do bị ốm thường không quá lo ngại. Chỉ cần cha mẹ điều trị cho bé, bé sẽ ăn ngon trở lại sau khi hết ốm. 

7. Bé uống quá nhiều sữa

Bé uống quá nhiều sữa cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ biếng ăn. Bé có thói quen uống sữa từ khi còn nhỏ nhưng việc uống sữa giữa các bữa ăn có thể khiến bé bị no. Sữa chứa nhiều protein cũng như chất béo, là hai loại chất dinh dưỡng tạo cơn no ở trẻ. Quá nhiều sữa cũng có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng khác, lấp đầy khoảng trống của dạ dày - nơi cần cho nhiều loại thực phẩm khác. Uống quá nhiều sữa và nước trái cây cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng của trẻ. 

Cách khắc phục

Trẻ từ 2 đến 5 tuổi nên được uống không quá 500mL (hai cốc) sữa mỗi ngày. Nước nên là chất lỏng duy nhất được bổ sung giữa các bữa ăn để cung cấp nước cho cơ thể.

Nước trái cây chứa calo và đường quá cao so với nhu cầu của trẻ. Nếu muốn cho bé uống nước trái cây, hãy giới hạn không quá 125 mL (1/2 cốc) mỗi ngày nhé. 

8. Bé ăn vặt quá nhiều

Một số trẻ có thói quen ăn vặt giữa các bữa ăn hoặc ăn vặt một cách ngẫu nhiên trong ngày, do đó đến bữa ăn bé thường cảm thấy quá no để có thể ăn hết bữa ăn của mình. 

Cách khắc phục

Cha mẹ nên đặt ra cho trẻ một giờ ăn nhẹ và chỉ cho bé ăn một hoặc hai loại thực phẩm mà cha mẹ lựa chọn (có thể là sữa chua, trái cây, phomai hoặc bánh quy giòn) thay vì ăn những đồ ăn không tốt cho sức khỏe.

9. Bé mọc răng

Mọc răng cũng là một trong các nguyên nhân vì sao bé biếng ăn. Khi bé mọc răng, những chiếc răng xinh xẻo sẽ nhú lên và chọc khỏi nướu bé khiến bé đau đớn và khó chịu, khi đó việc ăn bất cứ thứ gì cũng khiến bé đau đớn thêm, dẫn tới bé bỏ ăn, biếng ăn. 

Cách khắc phục

Trẻ biếng ăn khi mọc răng không có cách nào có thể đẩy nhanh tốc độ mọc răng của trẻ, tuy nhiên cha mẹ có thể làm giảm sự đau đớn cho bé bằng cách cho bé ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu, cho bé sử dụng đồ gặm nướu hoặc massage nướu cho trẻ…

10. Bé đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm

Khoảng 2 hoặc 3 tuổi, tốc độ tăng trưởng của trẻ sẽ bắt đầu chậm lại. Đó là quy luật tự nhiên trong sự phát triển bình thường của bé. Khi đó, sự thèm ăn của bé cũng bắt đầu giảm dần theo. Điều này giải thích tại sao trẻ lại biếng ăn trong độ tuổi này khá nhiều. 

Cách khắc phục

Đây là sự phát triển tự nhiên của trẻ, cha mẹ không thể tránh được. Chỉ cần duy trì cho bé một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất thì bé sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn này. 

11. Bé sợ thức ăn mới 

Sợ phải nếm thử các loại thức ăn mới cũng là nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ. Hãy thử tưởng tượng lần đầu tiên bé ăn một món ăn mà không biết mùi vị hay cảm giác trong miệng như thế nào. Đặc biệt, trẻ có vị giác nhạy cảm hơn với người lớn nên tất cả các loại thực ăn đều có hương vị mãnh liệt hơn.

Cách khắc phục

Hãy đặt những món ăn không quen thuộc, những món trẻ không thích ăn bên cạnh đĩa ăn hàng ngày của bé. Không cần thiết bắt trẻ phải ăn những thức ăn này nhưng trẻ có thể chạm vào chúng, ngửi, sờ, cầm nắm hoặc thậm chí là nếm. Đó là một cách an toàn và thú vị để khám phá những thực phẩm mà không cần trẻ phải ăn nó, đây cũng là cách để đưa trẻ gần hơn 1 bước để cuối cùng có thể chấp nhận những món ăn này. 

Thừa nhận sự dũng cảm của họ . Cha mẹ thường khen ngợi con cái sau khi bé thử một loại thức ăn mới hoặc ăn một lượng nhất định. Mặc dù điều đó không xấu, nhưng lạm dụng quá mức sẽ khiến trẻ hiểu sai thông điệp. Hãy để bé ăn uống theo trực giác và học cách yêu thích nhiều loại thực phẩm khác nhau theo sở thích của trẻ.

Thay vì khen ngợi, hãy để ý và ghi nhận sự dũng cảm của bé khi thử một điều gì đó mới bằng cách nói những câu như “Con thật dũng cảm khi ăn món bông cải xanh tối nay!” Nó sẽ thúc đẩy sự tự tin của bé và khuyến khích bé thử thách với các loại thực phẩm khác.

12. Bé ăn không thoải mái

Việc ăn uống có thể làm tổn thương đến bé. Có thể do dị ứng thực phẩm, trào ngược, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (vết ăn mòn đau đớn trong thực quản) hoặc táo bón kéo dài…

Cách khắc phục

Hạn chế cho bé ăn những thực phẩm mà bé dị ứng, đồng thời cần điều trị triệt để những bệnh lý có thể gây đau đớn cho bé khi ăn uống. 

13. Bé nhạy cảm với kết cấu

Trẻ em có thể nhạy cảm hơn với mùi vị, kết cấu, và thậm chí cả việc nhìn thức ăn so với người lớn. Đôi khi, bé đơn giản chỉ là không thể cảm nhận được thức ăn trong miệng hoặc bé chỉ cảm thấy thoải mái khi ăn những thức ăn có kết cấu đồng nhất (chỉ giòn hoặc chỉ mịn).

Cách khắc phục

Cung cấp cho bé những món ăn có kết cấu phù hợp với độ tuổi của bé. Hạn chế trường hợp bé đã có thể ăn thô nhưng lại chỉ cho bé ăn cháo xay nhuyễn mịn và ngược lại. Khi đó bé sẽ chán ăn và lười ăn.

14. Trẻ bị táo bón

Táo bón ở trẻ em có liên quan trực tiếp đến tình trạng biếng ăn ở trẻ. Trẻ biếng ăn hay táo bón và ngược lại. Có thể nói táo bón và biếng ăn như “gà và trứng”, không thể xác định rõ cái nào đến trước, cái nào đến sau. Trẻ biếng ăn không cung cấp đủ chất xơ và các chất cần thiết cho cơ thể dẫn đến táo bón. Ngược lại trẻ táo bón phân tích tụ lại trong trực tràng gây đầy bụng, khó tiêu… khiến bé không còn cảm giác đói và không có cảm giác thèm ăn nữa.

Cách khắc phục

Ngoài việc sử dụng các loại thuốc giúp làm mềm phân, thuốc nhuận tràng, cha mẹ cũng cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc và thay đổi chế độ ăn cho bé để bé có thể cải thiện táo bón biếng ăn một cách triệt để.

Xem thêm: Trẻ Táo Bón Biếng Ăn Phải Làm Sao

Những sai lầm thường gặp khi điều trị biếng ăn cho trẻ

Khi bắt đầu cảm thấy thất vọng và thất bại trước sự biếng ăn, lười ăn của trẻ, nhiều cha mẹ đã sử dụng các phương pháp như:

  • Hối lộ: "Nếu con ăn thêm ba miếng bông cải xanh, mẹ sẽ cho con một món đồ chơi"
  • So sánh: "Anh trai con luôn ăn rau của mình, vậy tại sao con lại không ăn?!"
  • Hình phạt: "Con sẽ không được xem TV tối nay vì con đã không ăn hết bữa tối của mình"
  • Ép buộc: "Con không thể ra khỏi bàn cho đến khi con ăn thêm hai miếng nữa"
  • Mất tập trung: "Con có thể xem chương trình yêu thích của mình trong khi ăn tối"

Đây có thể là những giải pháp khắc phục trẻ biếng ăn ngắn hạn, nhưng chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc ăn uống và dinh dưỡng của bé về lâu dài. Mặc dù những chiến thuật này cực kỳ hấp dẫn, đặc biệt là khi cha mẹ đã chứng kiến kết quả là em bé của mình cuối cùng cũng ăn được một phần kha khá trong bữa ăn của chúng, nhưng về lâu dài, nó sẽ khiến bé ỷ lại và ảnh hưởng không tốt đến quá trình ăn uống của trẻ.

Theo thời gian, trẻ không còn tin tưởng vào các dấu hiệu đói của mình và trở nên kém trực quan hơn, dựa nhiều hơn vào các dấu hiệu bên ngoài để cho chúng biết phải ăn gì và tình trạng biếng ăn càng trở nên tồi tệ hơn.

Do đó, cha mẹ/người chăm sóc có trách nhiệm:

  • Cho trẻ ăn những gì?
  • Khi nào đến giờ ăn?
  • Bé ăn ở nơi nào?

Còn trách nhiệm của trẻ là:

  • Trẻ sẽ ăn những gì?
  • Trẻ sẽ ăn bao nhiêu?

Lời kết

Bài viết trên đây đã giải đáp cho cha mẹ những nguyên nhân trẻ biếng ăn và phải làm sao để giải quyết tình trạng này ở trẻ. Bé nhà mình có đang biếng ăn không? Và bé biếng ăn vì nguyên nhân gì? Hãy bình luận cho SKV biết và cùng con vượt qua khó khăn này nhé.

Chủ đề:
Mẹ MunMẹ Mun
Mẹ Mun tốt nghiệp Cử nhân Văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã đang làm việc tại một nơi có rất rất nhiều sách kết hợp bán online một số dòng mỹ phẩm cũng như thực phẩm chức năng. Mẹ Mun mong muốn được chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của bản thân.

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form