Trang chủ

Mẹ & Bé

Trẻ Biếng Ăn Có Phải Do Kém Hấp Thu Dinh Dưỡng Không?

Tham vấn y khoa:
Nguyễn Tiến Dũng
1/12/2022
Mẹ & Bé
trẻ biếng ăn và kém hấp thu dinh dưỡng

Biếng ăn và kém hấp thu là hai vấn đề sức khỏe phổ biến thường bị nhầm lẫn ở trẻ em. Biếng ăn là tình trạng trẻ ăn rất ít và không chịu ăn. Trong khi đó, hội chứng kém hấp thu liên quan tới sự tiêu hóa thức ăn tại ruột. Hôm nay, bạn hãy cùng Appetito tìm hiểu kỹ hơn về kém hấp thu dinh dưỡng cũng như mối quan hệ với biếng ăn ở trẻ nhé!

Biểu hiện của trẻ kém hấp thu dinh dưỡng

Kém hấp thu là tình trạng hệ tiêu hóa của trẻ không thể hấp thu hoàn toàn hoặc một phần chất dinh dưỡng từ thức ăn. Đó có thể là chất béo, protein, đường hoặc vitamin, khoáng chất. Bố mẹ có thể phát hiện trẻ bị kém hấp thu dinh dưỡng bằng các dấu hiệu sau đây.

Đi ngoài phân lỏng, sống, lổn nhổn, có mùi chua và tanh

Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết trẻ kém hấp thu dinh dưỡng. Lượng thức ăn sót lại mà cơ thể trẻ không thể hấp thu là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho hệ vi sinh đường ruột. Các vi khuẩn này sẽ lên men thức ăn, đặc biệt là đường từ sữa, bột, cháo, cơm, từ đó tạo nên mùi chua và tanh của phân. Sự lổn nhổn trong phân của trẻ kém hấp thu chính là các hạt tinh bột, sợi protein hoặc giọt mỡ thừa không được hấp thu và đào thải ra ngoài.

Đi ngoài phân lỏng, sống, có mùi chua là dấu hiệu quan trọng ở trẻ biếng ăn kém hấp thu
Đi ngoài phân lỏng, sống, có mùi chua là dấu hiệu quan trọng ở trẻ biếng ăn kém hấp thu

Biếng ăn, ăn không ngon miệng

Trẻ mắc hội chứng kém hấp thu thường biếng ăn, ăn không ngon miệng, giảm cảm giác thèm ăn vì hệ tiêu hóa hoạt động không tốt. Tuy nhiên, một số trẻ lại ăn ngon miệng, thậm chí ăn rất nhiều. Sở dĩ như vậy vì khi thiếu hụt năng lượng và chất dinh dưỡng, cơ thể sẽ phát tín hiệu kích thích trẻ ăn nhiều hơn.

Ậm ạch, sôi bụng hoặc chướng bụng

Vi khuẩn trong đường ruột lên men thức ăn thừa, tạo ra nhiều hơi, khiến trẻ có cảm giác ậm ạch, sôi bụng và khó chịu. Do đó, trẻ mắc hội chứng kém hấp thu thường không muốn ăn và ăn rất ít.

Chậm phát triển thể lực và thiếu hụt nhiều vi chất

Khi tình trạng kém hấp thu kéo dài, trẻ sẽ có biểu hiện của thiếu hụt năng lượng và vi chất. Cụ thể là trẻ chậm lên cân, gầy còm và thấp bé hơn bạn bè. Trẻ thường xuyên mệt mỏi, uể oải, kém tập trung và giảm sút kết quả học tập do thiếu sắt. Nếu trẻ thiếu canxi, tay chân của trẻ hay đau mỏi và bị chuột rút. Thiếu vitamin B dẫn đến rụng tóc, viêm loét niêm mạc. Trẻ thiếu vitamin C có sức đề kháng suy giảm, thường xuyên ốm vặt kèm theo dễ bầm tím tay chân và chảy máu chân răng.

Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thường thấp bé, nhẹ cân
Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thường thấp bé, nhẹ cân

Nguyên nhân trẻ biếng ăn và kém hấp thu

Dưới đây là 5 nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng biếng ăn và kém hấp thu dinh dưỡng ở trẻ.

Biếng ăn

Biếng ăn là biểu hiện của trẻ kém hấp thu khi hệ tiêu hóa không khỏe mạnh. Nhưng biếng ăn đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến hội chứng kém hấp thu dinh dưỡng ở trẻ em. Vì sao lại như vậy? 

Trẻ ăn rất ít hoặc không chịu ăn sẽ không có đủ năng lượng và các vi chất cần thiết như kẽm, selen, magie.. để tái tạo và sản sinh các tế bào nhung mao đường ruột. Đây là những tế bào cực kỳ quan trọng, giúp hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn. Khi các tế bào này bị tổn thương hoặc già yếu, quá trình hấp thu dinh dưỡng sẽ giảm sút.

Biếng ăn vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của hội chứng kém hấp thu
Biếng ăn vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của hội chứng kém hấp thu

Ăn dặm quá sớm

Nhiều gia đình thường cho con ăn dặm từ 4 – 5 tháng tuổi để mẹ kịp thời gian đi làm trở lại. Một vài bố mẹ lại muốn trẻ ăn bột sớm vì sợ sữa mẹ không đủ cung cấp năng lượng cho trẻ. Tuy nhiên, đây là quan điểm không chính xác. Ăn dặm sớm không những không giúp trẻ có thêm năng lượng và chất dinh dưỡng mà còn gây ra tình trạng kém hấp thu.

Sau khi ra đời, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa hoàn thiện. Trẻ cần 6 tháng đầu để phát triển đầy đủ hệ thống enzym tiêu hóa. Lúc này, trẻ mới sẵn sàng tiếp nhận thức ăn ngoài sữa mẹ. Khi cho trẻ ăn dặm quá sớm, bột, cháo không được các loại enzyme cắt nhỏ và tiêu hóa sẽ gây tổn thương tế bào nhung mao của ruột.

Chế độ ăn không hợp lý

Trẻ có thể mắc hội chứng kém hấp thu sau khi ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc thực phẩm chiên rán, đặc biệt trong giai đoạn trẻ bị tiêu chảy hoặc mới khỏi ốm. Lý do là bởi thực phẩm chứa nhiều đường và dầu mỡ khiến trẻ có cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Không những vậy, món ăn này cũng cản trở sự phục hồi của nhung mao ruột vốn đã bị tổn thương trong bệnh lý tiêu chảy.

Loạn khuẩn đường ruột

Đường ruột của trẻ chứa nhiều vi khuẩn như Lactobacilli, Bifidobacteria, Bacillus clausii… Đây là những vi khuẩn có lợi, giúp trẻ hấp thu vitamin B, K, tham gia hàng rào miễn dịch tiêu hóa và giảm thiểu các bệnh dị ứng.

Khi trẻ bị ốm và phải uống kháng sinh, các loại thuốc này sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn gây bệnh và hệ thống lợi khuẩn đường tiêu hóa. Do đó, trẻ có nguy cơ cao bị loạn khuẩn đường ruột và giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng.

Rối loạn hệ vi sinh đường ruột là một nguyên nhân của hội chứng kém hấp thu
Rối loạn hệ vi sinh đường ruột là một nguyên nhân của hội chứng kém hấp thu

Mắc các bệnh lý tiêu hóa

Viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột và các bệnh lý của tuyến tụy, gan mật cũng ảnh hưởng xấu tới cảm giác thèm ăn, ngon miệng và quá trình hấp thu dinh dưỡng của trẻ.

Xem thêm:
Trẻ 4-5 tuổi biếng ăn chậm lớn
Mách Mẹ 10 Cách Trị Biếng Ăn Hiệu Quả Cho Trẻ 2-3 Tuổi

Chăm sóc trẻ biếng ăn kém hấp thu

Để phòng tránh và cải thiện hội chứng kém hấp thu ở trẻ, bố mẹ cần ghi nhớ thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm là 6 tháng tuổi. Nhất định không được cho trẻ tập làm quen với bột, cháo trước dấu mốc này. 

Bạn nên xây dựng và duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng và đa dạng. Trẻ em cần được bổ sung tinh bột (cơm, cháo, bún, phở, bánh mỳ), protein (thịt, cá, trứng), chất béo (dầu, bơ), rau xanh và trái cây hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn đừng bỏ qua sữa chua. Đây là món ăn vừa bổ sung nhiều lợi khuẩn vừa là bữa phụ lành mạnh mà chắc chắn trẻ rất yêu thích.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh

Tuy nhiên, bạn có thể cần đến sự tư vấn và trợ giúp của bác sĩ khi tình trạng đi ngoài phân sống, mùi chua kéo dài mặc dù đã điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Hoặc nếu trẻ sụt cân, thấp bé cũng như có những dấu hiệu thiếu vi chất, bạn cũng nên đưa trẻ đi khám.

Tình trạng biếng ăn và kém hấp thu dinh dưỡng ở trẻ em có mối quan hệ khăng khít với nhau. Biếng ăn có thể là biểu hiện của hội chứng kém hấp thu và ngược lại, trẻ kém hấp thu có thể do biếng ăn. Với trẻ biếng ăn và kém hấp thu, điều quan trọng nhất là bạn cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học cũng như nhờ sự tư vấn của bác sĩ khi cần thiết.

Chủ đề:
Mẹ MunMẹ Mun
Mẹ Mun tốt nghiệp Cử nhân Văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã đang làm việc tại một nơi có rất rất nhiều sách kết hợp bán online một số dòng mỹ phẩm cũng như thực phẩm chức năng. Mẹ Mun mong muốn được chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của bản thân.

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form