Trang chủ

Mẹ & Bé

Trẻ Không Ăn Sáng Có Đáng Lo Không? Mẹ Phải Làm Sao?

Tham vấn y khoa:
Nguyễn Tiến Dũng
12/5/2023
Mẹ & Bé
bé không chịu ăn sáng

Bữa sáng rất quan trọng với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, khoảng 20 – 30% trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng bỏ qua bữa ăn cần thiết này. Con bạn có thuộc nhóm này không? Nếu có, bạn đừng bỏ lỡ bài viết này nhé! SKV sẽ chỉ cho bạn giải pháp đối phó với tình trạng trẻ không chịu ăn sáng.

Vai trò của bữa sáng với trẻ em

Bữa sáng cung cấp năng lượng cần thiết cho tất cả hoạt động buổi sáng của trẻ. Năng lượng từ bữa tối hôm trước đã được trẻ tiêu thụ gần hết. Nếu không được bổ sung thêm năng lượng từ bữa sáng, cơ thể trẻ sẽ mệt mỏi, uể oải và không đủ sức học tập và vui chơi.

Khi ăn đầy đủ bữa sáng, trẻ sẽ học tập tốt hơn vì không bị phân tâm bởi cơn đói. Tinh thần trẻ cũng vui vẻ và sảng khoái hơn. Bên cạnh đó, ăn sáng còn giúp trẻ duy trì cân nặng hợp lý. Bởi lẽ trẻ không có cảm giác thèm ăn và gấp gáp tìm kiếm các thực phẩm nhiều đường, không lành mạnh.

Nguyên nhân bé không chịu ăn sáng

Bữa sáng cần thiết như vậy nhưng tại sao trẻ không chịu ăn sáng? Có 3 lý do chính. Cùng xem con bạn đang vướng phải nguyên nhân nào nhé!

Trẻ ngủ không đủ giấc

Nếu đêm hôm trước trẻ ngủ muộn hoặc ngủ không ngon giấc, sáng hôm sau trẻ sẽ thức dậy trong tâm thế mệt mỏi, uể oải hoặc cáu gắt vì ngái ngủ. Lúc này, trẻ chỉ mong được ngủ thêm chứ không muốn dành thời gian cho bữa sáng. Với trẻ lớn, con có thể bỏ qua bữa sáng vì dậy muộn và sợ trễ giờ học.

Ngủ không đủ giấc khiến trẻ mệt mỏi, không chịu ăn sáng
Ngủ không đủ giấc khiến trẻ mệt mỏi, không chịu ăn sáng

Ăn tối quá muộn

Nếu bố mẹ cho trẻ ăn tối sau 9h thì sáng hôm sau, trẻ vẫn còn đủ năng lượng nên không có cảm giác đói. Ăn bữa đêm quá no cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Sự giục giã và ép buộc từ bố mẹ

Bé không chịu ăn sáng khiến bạn lo lắng, cáu giận hoặc trẻ không tập trung, tốc độ ăn quá chậm, khiến bữa sáng kéo dài miên man. Hậu quả là bạn muộn làm còn trẻ muộn học. Vì thế, bạn quát mắng, giục giã trẻ phải ăn nhanh và hết sạch phần ăn. Chính những ép buộc, thúc giục này khiến trẻ căng thẳng và phản ứng lại bằng cách bỏ bữa hoặc càng ăn chậm hơn.

Bố mẹ cần làm gì khi bé không chịu ăn sáng?

Xây dựng thói quen ăn sáng cho cả gia đình

Bố mẹ là tấm gương để con trẻ học tập. Cả gia đình hãy cùng thức dậy và ăn sáng hàng ngày. Cách này giúp trẻ làm quen và hiểu được bữa sáng cần thiết đối với sức khỏe, giống như bữa trưa và bữa tối.

Xây dựng thói quen ăn sáng cho cả gia đình
Xây dựng thói quen ăn sáng cho cả gia đình

Trò chuyện và giải thích cho trẻ lợi ích của bữa sáng

Trẻ trên 3 tuổi đã có kiến thức và khả năng tư duy nhất định. Vì vậy, bạn có thể kiên nhẫn trò chuyện và giải thích đơn giản để trẻ hiểu lợi ích của bữa sáng. Ví dụ: “Bữa sáng giúp con khỏe mạnh như nhân vật siêu nhân trong phim hoạt hình. Nếu không ăn sáng, con sẽ bị đói bụng. Mà khi đói bụng, con sẽ không chơi đá bóng với bạn Hùng được, cũng không thể đọc truyện cùng bạn Nga. Như vậy sẽ rất buồn đấy”.

Quy định thời gian biểu hợp lý

Ăn tối quá muộn, thức khuya hoặc ngủ không đủ giấc là những nguyên nhân khiến bé không chịu ăn sáng. Do đó, bố mẹ cần thiết lập giờ giấc sinh hoạt hợp lý cho trẻ. Nên ăn tối trước 19h. Nếu có bữa khuya, không nên ăn quá no. Một cốc sữa hoặc một đĩa hoa quả là đủ. Hãy quy định giờ đi ngủ, thức dậy hàng ngày của trẻ và đảm bảo trẻ ngủ đủ 9 – 12h mỗi ngày.

Để con chủ động lựa chọn món ăn yêu thích

Thay vì ép buộc con phải ăn cháo hay bánh mỳ, bố mẹ hãy để con tự lựa chọn món ăn con muốn. Bạn có thể hỏi sáng mai con muốn ăn gì từ tối hôm trước. Cách này giúp trẻ cảm thấy được bố mẹ quan tâm và tôn trọng đồng thời bạn cũng tiết kiệm thời gian suy nghĩ và chế biến món ăn.

Đừng biến bữa ăn trở thành cuộc chiến

Bố mẹ không nên thúc ép con phải ăn nhanh, ăn hết bữa sáng. Thay vào đó, hãy bình tĩnh ngồi ăn cùng con. Nếu trẻ bị phân tâm bởi tivi và điện thoại, bố mẹ hãy tắt chúng đi. Nếu trễ giờ, bố mẹ hãy nhẹ nhàng nhắc nhở và hôm sau gọi con dậy sớm hơn. Những suất ăn nhanh gọn, thuận tiện cho trẻ mang đến trường cũng rất hữu ích.

Xem thêm:

10 công thức bữa sáng ngon khỏe và nhanh gọn cho trẻ

Những món ăn ngon miệng chắc chắn trẻ không thể chối từ
Những món ăn ngon miệng chắc chắn trẻ không thể chối từ
  1. Bánh mì trứng: trứng là nguyên liệu sẵn có trong tủ lạnh của mọi gia đình lại rất giàu protein, vitamin A, D và canxi. Bạn chỉ cần rán một quả trứng rồi cho trẻ ăn cùng dưa chuột và bánh mì là đã có ngay 1 bữa sáng nhanh gọn, đầy đủ dinh dưỡng.
  2. Bánh mì nướng: vẫn là bánh mì nhưng bạn hãy sử dụng bánh mỳ gối, phết ít bơ rồi áp chảo cho vàng giòn 2 mặt. Sau đó, cho trẻ ăn cùng pate, bơ đậu phộng hoặc các loại mứt.
  3. Bánh ngọt tự làm: thay vì mua sẵn các loại bánh ngọt ngoài siêu thị, bạn có thể tự làm muffin, bánh chuối nướng hoặc waffle cho trẻ. Lợi ích của việc này là bạn có thể giảm bớt lượng đường, thay thế bột mì thông thường bằng bột yến mạch hoặc bột hạnh nhân để tăng cường chất dinh dưỡng.
  4. Ngũ cốc và sữa: đây là món ăn vô cùng nhanh gọn và bổ dưỡng cho trẻ. Bạn có thể tự làm hoặc mua sẵn các loại ngũ cốc, sau đó đổ sữa vào là xong. Ngũ cốc có yến mạch, các loại hạt và hoa quả sấy vừa đầy đủ tinh bột, protein, chất xơ mà lại có mùi vị thơm ngon hấp dẫn trẻ.
  5. Cháo yến mạch: nấu cháo yến mạch rất nhanh. Chỉ cần đun yến mạch cùng nước sôi trong 3 – 4 phút là hoàn thành bữa sáng. Bạn có thể chuẩn bị thịt băm, ruốc hoặc thịt gà xé sợi để cho vào cháo.
  6. Súp gà nấm: món ăn này gồm thịt gà, nấm và ngô ngọt. Tuy hơi cầu kỳ nhưng bạn có thể nấu sẵn từ tối hôm trước. Sáng hôm sau chỉ cần hâm nóng lại là ăn được luôn.
  7. Cơm rang: thêm một món ăn quen thuộc trong bữa sáng của các gia đình Việt Nam. Cơm cùng trứng, giò, cà rốt, đậu cô ve không chỉ ngon miệng, bổ dưỡng mà còn nhiều màu sắc hấp dẫn trẻ.
  8. Cơm cuộn: nếu e ngại cơm rang nhiều dầu mỡ, bạn có thể làm cơm cuộn cho con. Món này vừa ngon miệng vừa tiện lợi cho trẻ ăn trên đường tới trường. Bạn hãy cuộn cơm cùng trứng, dưa chuột, cà rốt, xúc xích và rong biển nhé!
  9. Bún, miến, mì, phở: những món ăn này vừa dễ nhai, dễ tiêu hóa vừa ấm bụng. Bạn có thể chuẩn bị thịt, nước sốt hoặc nước dùng từ tối hôm trước để tiết kiệm thời gian nấu nướng buổi sáng.
  10. Sinh tố hoa quả: nếu thời gian buổi sáng của bạn và trẻ quá đỗi eo hẹp, hãy thử món ăn nhanh gọn mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng này. Chỉ cần xay nhuyễn các loại hoa quả (xoài, chuối, dâu tây, bơ…) cùng với sữa chua hoặc sữa là bữa sáng đã sẵn sàng.

Người lớn chúng ta đều hiểu sự quan trọng và cần thiết của bữa sáng. Bữa sáng không chỉ cung cấp năng lượng sau một đêm ngủ dài mà còn giúp trẻ học tập, phát triển thể chất tốt hơn. Tuy vậy, rất nhiều bé không chịu ăn sáng và thường xuyên bỏ lỡ bữa ăn này. Nhưng bố mẹ đừng quá lo lắng. Với những lời khuyên của SKV trên đây, chắc chắn trẻ sẽ vui vẻ ăn sáng mỗi ngày.

Chủ đề:
Mẹ MunMẹ Mun
Mẹ Mun tốt nghiệp Cử nhân Văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã đang làm việc tại một nơi có rất rất nhiều sách kết hợp bán online một số dòng mỹ phẩm cũng như thực phẩm chức năng. Mẹ Mun mong muốn được chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của bản thân.

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form