Trang chủ

Thuốc và Thảo dược

Bạc Hà: "Khắc tinh" của Ho Cảm, "Thần dược" trong Làm Đẹp

tác dụng của bạc hà

Từ lâu, bạc hà đã được sử dụng như một vị thuốc để chữa bệnh, cải thiện sức khỏe, nhưng ít ai biết đến tác dụng của bạc hà trong làm đẹp, đặc biệt là chăm sóc tóc.

Mô tả cây bạc hà

hình ảnh Bạc hà
Bạc hà tươi
  • Tên gọi: bạc hà (mint).
  • Tên khoa học: Mentha arvensis L.
  • Họ: Hoa môi Lamiaceae (Labiatae)
  • Đặc điểm: cây bạc hà là một loại cỏ sống lâu năm, toàn thân tỏa ra mùi thơm, có chiều cao từ 10 đến 60-70cm, có cây cao tới 1m. Thân vuông mọc đứng hay hơi bò, ít phân nhánh, có nhiều lông bao phủ toàn thân. Lá mọc đối, cuống dài từ 2-10mm, phiến lá hình trứng hay thon dài, rộng khoảng 2-3cm, dài khoảng 3-7cm, mép có răng cưa, mặt trên và mặt dưới đều có lông che chở và lông bài tiết. Hoa mọc vòng ở kẽ lá, cánh hoa hình môi màu tím hay hồng nhạt có khi màu trắng. Ít khi thấy có quả và hạt.
  • Phân bố: Cây bạc hà mọc hoang từ châu Âu sang châu Á có khí hậu ôn đới và dễ dàng nuôi trồng tại nhiều nơi trên thế giới.
  • Bộ phận dùng: Toàn bộ phận trên trên mặt đất đều có thể sử dụng. Bạc hà diệp (Folium Mentbae) là phần lá của cây bạc hà. Tinh dầu bạc hà (Oleum Menthae) là dầu cất từ cây bạc hà. Chất đặc trắng chiết từ tinh dầu bạc hà ra gọi là Mentol hay bạc hà não (Mentol-Menthol).
  • Thành phần hóa học: hoạt chất chủ yếu trong bạc hà là tinh dầu bạc hà. Ngoài ra, trong cây bạc hà còn có các flavonozit.
  • Thu hái - sơ chế: Sau 3-4 tháng có thể thu hoạch đợt đầu, thường một năm có thể cắt cây 3-4 lần. Lần 1 và tháng 6-7, sau đó cần xới và bón phân, sau 2 tháng lại hái lần nữa vào lúc cây đang ra hoa nhiều. Nếu hái 4 lần thì có thể hái lứa đầu vào tháng 6-7, lứa 2 vào tháng 8-9, lứa 3 vào tháng 10-11, lứa 4 vào tháng 2-3. Hái về cần phơi cho khô rồi bó lại từng bó, bảo quản nơi thoáng mát. Nếu cất tinh dầu thì cần cất ngay hoặc để hơi héo.

Cây bạc hà có tác dụng gì?

Bạc hà có tác dụng dược lý rất tốt nên được sử dụng nhiều trong cả Đông y và Tây y. Sau đây là một số tác dụng của lá bạc hà:

Bạc hà chữa bệnh gì?

Bạc hà là một vị thuốc thơm, dùng làm cho thuốc thơm dễ uống, giúp cho sự tiêu hóa, chữa kém ăn, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài, còn làm ra mồ hôi, hạ sốt dùng chữa cảm sốt, đầu nhức, mũi ngạt, cảm mạo.

Tác dụng của bạc hà với sức khỏe
Tác dụng của bạc hà với sức khỏe

Trị ho

Bạc hà có tác dụng sát khuẩn, kháng khuẩn, giúp dịu họng và làm thông họng. Nên bạc hà hay được sử dụng để chữa bệnh ho. Người bệnh có thể làm theo cách sau đây:

Hãm lá bạc hà với trà và uống trong 3-4 ngày. Hoặc giã nhuyễn 10g lá bạc hà tươi vắt lấy nước uống trong ngày.

Tiêu chảy

Bạc hà có khả năng kháng khuẩn, tiêu diệt một số loại vi khuẩn có hại cho đường tiêu hóa. Vì vậy, người bệnh sử dụng bạc hà để điều trị tiêu chảy rất hiệu quả bằng cách uống nước bạc hà đều hàng ngày.

Khó tiêu

Thức ăn có thể tiêu hóa nhanh chóng hơn nhờ các hạt chất trong bạc hà. Chúng có tác dụng làm tăng tốc độ lưu thông của dịch mật. Người bệnh có thể dùng một nắm lá bạc hà đem rửa sạch, vò nát hãm với khoảng 500ml nước sôi. Dùng nước này uống nhiều lần trong ngày.

Cảm lạnh, cảm cúm

Bạc hà có tác dụng làm màng trong mũi co lại, nhờ vậy các triệu chứng nghẹt mũi, khó thở do cảm lạnh và cảm cúm biến mất ngay lập tức. Đồng thời, methol giúp giảm ho ,kháng khuẩn và làm lỏng dịch nhầy ở phổi nên rất phù hợp với bệnh nhân bị cảm cúm, cảm lạnh.

Cách sử dụng bạc hà làm giảm những triệu chứng khó chịu của cảm cúm, cảm lạnh như sau:

  • Dùng tinh dầu bạc hà hít trực tiếp.
  • Đun nước xông hơi với các thành phần gồm: 20g bạc hà xông với lá bưởi, sả, lá tre, lá chanh, cúc tần, hương nhu mỗi thứ 30g.
  • Hãm bạc hà tươi giã nát với nước sôi rồi uống.

Sốt cao, nhức đầu, rối loạn tuyến mồ hôi

Dùng 20g lá Bạc hà với 40g Thạch cao sống đem tán bột. Mỗi lần hòa tan từ 2 - 4g với nước nóng, ngày uống 3 lần.

Tác dụng của lá bạc hà trong làm đẹp

Tác dụng của lá bạc hà trong làm đẹp
Tác dụng của lá bạc hà trong làm đẹp

Làm trắng và sáng da

Bạc hà có tác dụng sát khuẩn, tẩy tế bào chết nên khi sử dụng cho da mặt sẽ khiến da bạn sáng lên trông thấy từ đó làm trắng da.

Cách làm: bạn sẽ cần 1-2 lát dưa chuột, 10-12 lá bạc hà, ½ muỗng canh mật ong. Sau đó nghiền nát tất cả nguyên liệu với nhau để có được một hỗn hợp mịn. Thoa hỗn hợp này lên mặt và để đó trong 20 phút. Cuối cùng rửa sạch bằng nước mát và cảm nhận. Sử dụng 1-2 lần 1 tuần.

Trị mụn trứng cá, sẹo do mụn

Bạc hà có đặc tính kháng khuẩn mạnh và chứa axit salicylic - cả hai đều ngăn ngừa mụn trứng cá hiệu quả. Nó cũng chứa vitamin A, kiểm soát sự tiết dầu ở những người có làn da nhờn và mụn. Ứng dụng của thành phần này làm khô và loại bỏ mụn trứng cá đồng thời làm sạch lỗ chân lông của bạn.

Cách làm: Bạn sẽ cần 10-12 lá bạc hà, 1 muỗng nước cốt chanh. Nghiền lá bạc hà bằng cối và chày và thêm nước cốt chanh. Thoa hỗn hợp này lên mụn trứng cá, sẹo mụn và những vùng da dễ nổi mụn trên da. Để nguyên trong khoảng 15 phút. Sau đó rửa sạch bằng nước. Mỗi ngày nên sử dụng 1 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.

Ngăn ngừa lão hóa

Lá bạc hà có chứa chất chống ô xy hóa và các chất khác giúp sát khuẩn và loại bỏ tế bào chết. Giúp da luôn khỏe mạnh, từ đó ngăn ngừa da khỏi lão hóa.

Cách làm: Trộn lòng trắng trứng, sữa đông, mật ong và nước ép bạc hà với nhau để tạo ra một hỗn hợp mịn. Dùng hỗn hợp này đắp lên da mặt thành mặt nạ. Để nguyên trong khoảng 15 phút rồi rửa sạch bằng nước mát. Sử dụng mỗi tuần một lần để ngăn ngừa nếp nhăn.

Làm dịu vết muỗi đốt và ngứa do dị ứng

Các đặc tính chống viêm mạnh mẽ của thành phần này làm dịu sự kích ứng từ muỗi đốt và các vi khuẩn gây dị ứng da.

Cách làm: Giã nát lá bạc hà và thoa vào vùng da bị ảnh hưởng.

Ngăn ngừa rụng tóc và nhiễm trùng da đầu

Vì có tính năng chống ô xy hóa và sát khuẩn tốt nên lá bạc hà cũng được sử dụng trong chăm sóc tóc và da đầu.

Cách làm: Lấy một ít lá bạc hà và đun sôi để nguội. Thoa nước này lên tóc và da đầu và mát xa trong khoảng 10 phút rồi xả sạch bằng nước mát. Lưu ý đun sôi lá bạc hà trong ít nhất 20 phút, để tinh chất của lá được trích xuất hoàn toàn.

Se khít lỗ chân lông

Lá bạc hà khi sử dụng sẽ làm sạch sâu, thông thoáng lỗ chân lông, giảm nhờn bóng và kích thích lỗ chân lông đang giãn to ngày càng se khít lại, mang đến làn da mịn màng hơn.

Cách làm: Bạn chỉ cần nghiền nát 1 nắm lá bạc hà, trộn cùng mật ong và đắp lên mặt sau khi vệ sinh da sạch sẽ. Khoảng 15 phút thì gỡ xuống và dùng nước ấm xả sạch lại. Mỗi tuần áp dụng 2 - 3 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Vệ sinh răng miệng

Lá bạc hà là phương pháp chữa bệnh lâu đời để duy trì vệ sinh răng miệng. Loại lá này có thể được sử dụng như nước súc miệng.

Cách làm: Đun sôi một ít lá bạc hà và thêm một ít muối vào dung dịch. Sau khi dung dịch nguội, dùng nó như nước súc miệng, có thể dùng hai lần trong ngày.

Ngăn ngừa mùi hôi chân

Lá bạc hà có tính sát khuẩn mạnh nên đã được áp dụng để tiêu diệt các vi khuẩn gây hôi chân từ xa xưa.

Cách làm: đun sôi lá bạc hà trong nước, và sau đó dùng nước này để ngâm chân sẽ giúp chữa trị mùi hôi chân.

Tác dụng phụ của cây bạc hà

Bạc hà có thể sẽ trở thành con dao hai lưỡi nếu bạn quá lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách. Một số tác dụng phụ của bạc hà đã được giới y học ghi nhận như:

  • Co giật
  • Dị ứng da
  • Ợ nóng
  • Nổi phát ban trên da
  • Làm chậm nhịp tim
  • Ngộ độc do dùng quá liều
  • Hạ đường huyết

Sử dụng bạc hà cần lưu ý những gì?

Bạc hà có thể coi là viên thuốc đa năng đối với sức khỏe, nhưng sử dụng không đúng cách có thể gây ra những tác động tiêu cực. Vì vậy độc giả cần lưu ý những vấn đề sau đây trước khi sử dụng loại thảo dược này:

  • Không dùng quá liều, lượng tinh dầu tối đa được phép dùng một ngày là 0,4 ml.
  • Bạc hà có thể phản ứng với một số loại thuốc như: Thuốc kháng acid (Zantac, Pepcid...),thuốc hạ đường huyết, thuốc chống thải ghép Cyclosporine, Lansoprazole Omeprazole hay Carisoprodol… Vì vậy người bệnh không nên sử dụng bạc hà khi đang sử dụng thuốc.
  • Không nên sử dụng bạc hà cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị trào ngược dạ dày, người bị tiểu đường, bệnh nhân táo bón kéo dài, bệnh nhân huyết áp cao, người bị bệnh về tim mạch, người bị suy nhược…
  • Không bôi trực tiếp tinh dầu bạc hà nguyên chất lên da hoặc để dính vào mắt và các vết thương hở. Không hít hà tinh dầu bạc hà quá 3 - 4 lần trong ngày vì có thể làm khô niêm mạc đường thở, sung huyết da…
  • Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm được điều chế từ bạc hà.

Lời kết

Bạc hà có thể tác động đến sức khỏe của bạn theo nhiều cách. Cho dù bạn muốn loại bỏ mụn trứng cá hay chỉ đơn giản là duy trì sức khỏe của làn da, đó là một trong những dược thảo tốt nhất để thêm vào chế độ chăm sức khỏe của bạn. Bạn có cảm thấy hứng thú với các tác dụng của lá bạc hà trên đây không? Hãy để lại đánh giá cho chúng tôi ở phần dưới đây nhé!

Xem thêm:

Chủ đề:
No items found.
Uông Phương DungUông Phương Dung
TS.DS Uông Phương Dung tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành dược liệu & Dược cổ truyền trường ĐH Y Hà Nội. Dược sĩ đã có gần 20 năm công tác tại các phòng khám, bệnh viện lớn nhỏ và có nhiều công trình nghiên cứu về thuốc và thảo dược được chú ý. Dược sĩ mong muốn chia sẻ kiến thức về thuốc và thảo dược cho mọi người giúp chúng ta có kiến thức để sử dụng thuốc một cách hợp lý.

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form