Hướng dẫn cách nuôi đông trùng hạ thảo tại nhà từ A -> Z
Đông trùng Hạ Thảo là một loại dược liệu cực kỳ quý hiếm trong tự nhiên và có giá trị kinh tế rất cao. Cùng khám phá cách nuôi đông trùng hạ thảo ngay tại nhà trong bài viết sau nhé.
Đã từ lâu, đông trùng hạ thảo được giới y học thế giới săn đón như một loại “thần dược” với rất nhiều công dụng với sức khỏe con người. Tuy nhiên, loại thảo dược này trước đây chỉ có thể tìm thấy trong tự nhiên và trên những vùng núi cao ở Trung Quốc và Tây Tạng, vì vậy, giá của đông trùng hạ thảo cũng cực kỳ cao.
Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công cách nuôi đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo. Phương pháp này đã được phát triển và triển khai thành công tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Phương pháp nuôi đông trùng hạ thảo chuẩn như thế nào?
Đông trùng hạ thảo có tên khoa học là Cordyceps sinensis, là kết quả của sự cộng sinh của môt loại nấm trên thân ấu trùng thuộc chi Hepialus. Trong tự nhiên thì đông trùng hạ thảo chỉ được tìm thấy ở các cao nguyên có độ cao hơn mặt nước biển 4000m.
Cách nuôi trồng đông trùng hạ thảo nhân tạo cũng khá công phu, để loại thảo dược này có thể phát triển thì đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng về phòng nuôi, nguyên vật liệu, nguồn giống.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của Đông Trùng Hạ Thảo
Nhiệt độ môi trường
Để thành công trong việc nuôi cấy thì trước tiên chúng ta phải có một môi trường thật phù hợp. Đây là yếu tố quan trọng tiên quyết đến kết quả cuối cùng của việc trồng đông trùng. Tốt nhất, chúng ta nên đầu tư một hệ thống phòng nuôi chuyên biệt với các trang thiết bị hiện đại để có thể dễ dàng kiểm soát các yếu tố môi trường.
Chất lượng giống
Cũng giống như việc trồng cây, để có những lô đông trùng hạ thảo đạt chất lượng cao thì việc đầu tiên phải tìm và lựa chọn những giống mạnh khỏe, có sức sống để sử dụng vào việc nuôi trồng.
Kỹ thuật nuôi cấy.
Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng, để thành công trong việc tự nuôi cấy thì bạn cần phải có sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và có tay nghề nhất định. Nếu không muốn rủi ro quá cao, bạn nên đi tham khảo những khóa học dạy cách nuôi đông trùng hạ thảo.
Chăm sóc tốt
Trong quá trình nuôi trồng, bạn cần phải tỉ mỉ và kiên trì theo dõi sự phát triển của đông trùng hạ thảo từng ngày để kịp thời loại bỏ những cây giống kém chất lượng, tránh lây lan dịch bệnh.
Chuẩn bị phòng nuôi
Để tạo điều kiện cho Đông Trùng Hạ Thảo phát triển thì bạn cần chuẩn bị một hệ thống phòng nuôi đảm bảo đầy đủ từ ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm phù hợp:
- Phòng nuôi phải đảm bảo vô trùng, cân bằng đủ độ thoáng tự nhiên và ánh sáng.
- Phải được trang bị hệ thống phun sương để duy trì độ ẩm cần thiết từ 70-85%
- Được trang bị hệ thống làm lạnh để giữ cho nhiệt độ ổn định 18-20 độ C
- Có hệ thống giàn giá để đặt bình nuôi, lọ cơ chất.
- Hệ thống đèn chiếu sáng, sưởi ấm.
Chuẩn bị giá thể
Đây là bước quan trọng nhất, giá thể nuôi trồng đông trùng hạ thảo là một hỗn hợp dung dịch từ các nguyên liệu nước dừa, nhộng tằm và gạo lứt được xay nhuyễn theo tỷ lệ 1.5:1.2:5 và được thêm một số vi chất.
Sau đó, giá thể sẽ được đưa vào các lọ cơ chất rồi tiến hành hấp diệt trùng trong khoảng 2 tiếng. Sau đó, giá thể được chuyển vào phòng lạnh, để nguội và bắt đầu nuôi cấy giống.
Quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo
Kỹ thuật này được chia làm 4 giai đoạn gồm: nuôi sợ, tạo quả thể, nuôi quả thể và thu hoach.
Giai đoạn 1: Nuôi sợi
Bước đầu tiên các lọ cơ chất sẽ được cấy giống vào, sau đó chuyển đến phòng tối với điều kiện môi trường: nhiệt độ từ 18-20 độ C, độ ẩm 75-80%, ủ kín.
Sau khoảng 10 ngày, các sợi nấm sẽ ăn kín toàn bộ bề mặt của môi trường sinh khối thì sẽ đưa toàn bộ lọ cơ chất sang giai đoạn tạo quả thể.
Giai đoạn 2: Tạo quả thể.
Các lọ cơ chất sau khi thực hiện xong giai đoạn 1 sẽ được đưa tới phòng chiếu sáng để kích thích tạo quả thể với điều kiện môi trường nhiệt độ khoảng 18-20 độ C, độ ẩm 75-80%, chiếu sáng 12 tiếng mỗi ngày với cường độ 1000 Lux.
Chú ý cần mở cửa phòng 2 lần mỗi ngày, vào lúc sáng sớm và chiều tối mỗi lần 30 phút để đảm bảo không khí được lưu thông. Sau khoảng 15 ngày, các sợi nấm sẽ bắt đầu xuất hiện trên bề mặt môi trường sinh khối, có thể chuyển sang giai đoạn 3.
Giai đoạn 3: Nuôi quả thể
Thay đổi điều kiện lưu trữ các lọ cơ chất như sau: giữ nguyên nhiệt độ, tăng độ ẩm lên 80-85%, vẫn chiếu sáng 12 tiếng/ngày nhưng giảm cường độ xuống còn 700 Lux.
Vẫn phải mở cửa phòng 2 lần để đảm bảo lưu thông không khí. Ở giai đoạn này cần theo dõi thường xuyên hơn để có thể phân loại và loại bỏ các lọ cơ chất bị hỏng mốc, tránh lây lan. Sau khoảng 2 tháng, thì ngọn nấm sẽ mọc dài ra và xuất hiện bào tử nấm.
Giai đoạn 4: Thu hoạch
Khi các ngọn nấm bắt đầu chuyển sang màu vàng đậm hơn so với phần thân thì đông trùng hạ thảo có thể thu hoạch được.
Đông trùng hạ thảo nuôi cấy có tốt bằng đông trùng hạ thảo trong tự nhiên không?
Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc rằng những sản phẩm đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trong điều kiện nhân tạo liệu có đảm bảo chất lượng và mang lại với những công dụng giống như đông trùng thảo dược mọc trong thiên nhiên hay không.
Khác với việc sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên, đông trùng hạ thảo nhân tạo được hình thành bằng cách cấy nấm Cordyceps lên các loại công trùng như nhộng tằm, sau đó nuôi dinh dưỡng bằng bột gạo lứt, bột nhộng tằm trong phòng thí nghiệm, không được tiếp xúc nhiều với các yếu tố tự nhiên như đông trùng bên ngoài. Đông trùng hạ thảo tự nhiên phát triển ở độ cao 4000-5000m ở các cao nguyên, quanh năm được tiếp xúc với nhiều lớp bùn,cát, nước khoáng tinh khiết chảy ra từ các nùi hàn băng xung quanh.
Vì vậy, hàm lượng các dưỡng chất hữu cơ, các khoáng chất thiên nhiên trong đông trùng hạ thảo thiên nhiên sẽ cao hơn hẳn so với được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, cách nuôi Đông Trùng Hạ Thảo trong phòng thí nghiệm giúp giữ lại được lượng lớn các hoạt chất có lợi như Cordycepin hỗ trợ điều trị ung thư, kìm hãm sự phát triển của tế bào khối, Adenosin giúp bảo vệ tim mạch, điều hòa huyết áp ổn định hơn.
Đông trùng hạ thảo tự nhiên thì đều có thể sử dụng được cả phần thân và phần đầu vì cả hai phần này đều có khả năng chứa lượng khoáng chất và dinh dưỡng lớn. còn đối với đông trùng hạ thảo nuôi cấy thì chỉ có thể sử dụng phần đầu nấm.
Ưu điểm lớn nhất của đông trùng hạ thảo nhân tạo đó chính là giá. Thay vì phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để săn đón những lô đông trùng hạ thảo được vận chuyển từ Tây Tạng xa xôi về thì với số tiền nhỏ hơn, chúng ta đã có thể sử dụng các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo để bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực.
Qua những thông tin trên ta có thể thấy được rằng việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo có rất nhiều tiềm năng về kinh tế. Mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo đã được áp dụng thành công ở rất nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Nếu bạn có đang chuẩn bị đầu tư xây dựng một hệ thống nuôi trồng đông trùng hạ thảo thì hãy dành thời gian nghiên cứu thêm về đặc tính, kỹ thuật trồng để nâng cao hiệu quả và cho ra những lô đông trùng hạ thảo chất lượng nhất nhé.