Trang chủ

Mẹ & Bé

Bệnh ho gà ở trẻ - không điều trị sớm có thể nguy hiểm tính mạng

Tham vấn y khoa:
Nguyễn Ngọc Hưng
3/10/2020
Mẹ & Bé

Nhiều người chủ quan cho rằng bệnh ho gà ở trẻ em giống như ho thông thường nên không đưa trẻ đi khám. Thực tế, ho gà có thể đe doạ tính mạng nếu để trở nặng. Nắm được những kiến thức về bệnh ho gà dưới đây sẽ giúp mẹ và bé phòng tránh cũng như điều trị ho gà tốt nhất.

Xem thêm: Cách điều trị trẻ bị ho khan kéo dài

Bệnh ho gà ở trẻ em là gì? 

Bệnh ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ. Ho gà lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh này có tính lây truyền rất cao, đặc biệt là trong không gian sinh hoạt khép kín như hộ gia đình, trường học...

Thời gian ủ bệnh ho gà là từ 7-10 ngày. Bệnh lúc khởi phát có thể sốt nhẹ hoặc không sốt, mệt mỏi, chán ăn, viêm đường hô hấp trên và ho.

Sở dĩ được gọi là bệnh ho gà bởi khi mắc bệnh, trẻ thường ho rũ rượi kéo dài, khó kìm hãm, kèm tiếng thở rít như tiếng gà gáy. Đến cuối cơn ho, bệnh nhân thường chảy đờm dãi trong suốt và nôn ói.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan và nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh ho gà ở trẻ sẽ trở nặng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp
Bệnh ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp

Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị mắc ho gà?

Trẻ em, mà đặc biệt là trẻ sơ sinh chính là đối tượng dễ bị mắc bệnh ho gà nhất bởi lúc này trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng ho gà. Theo thống kê, nhóm đối tượng mắc ho gà nhiều nhất là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm mà chưa đủ số mũi. Đặc biệt, những trẻ được sinh ra từ mẹ không có kháng thể phòng ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ được truyền kháng thể từ người mẹ.

Trẻ mắc bệnh ho gà càng nhỏ tuổi thì bệnh càng dễ trở nặng và càng có nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Bởi vậy, tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, nên cho trẻ 2 tháng tuổi tiêm vắc xin phòng ho gà. Bởi đây là thời điểm mẹ ngừng truyền kháng thể bệnh ho gà cho con. Việc tiêm vắc xin ho gà cho trẻ sớm từ 2 tháng tuổi sẽ giúp trẻ miễn dịch tốt, không mắc bệnh và tránh nguy cơ lây nhiễm bùng phát.

Trẻ em là đối tượng dễ bị mắc ho gà nhất

Bệnh ho gà lây lan như thế nào?

Bệnh ho gà lây qua đường nào?

Bệnh ho gà lây lan qua đường hô hấp. Dịch tiết của người bệnh chứa vi khuẩn gây bệnh ho gà. Người khoẻ tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi thì sẽ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, vi khuẩn này có thể tồn ngoài môi trường trong một thời gian ngắn. Nếu chạm phải dịch của người bệnh và đưa tay lên các cơ quan như mắt, mũi, miệng cũng sẽ bị lây bệnh.

Bệnh rất dễ lây lan trong các môi trường sinh hoạt gần gũi và khép kín như gia đình, trường học... Bởi vậy, trẻ sơ sinh và trẻ em rất dễ mắc bệnh do lây nhiễm từ những người thân như cha mẹ, anh chị.

Ho gà là bệnh rất dễ lây lan

Ho gà có thể xuất hiện vào bất cứ mùa năm trong năm nhưng phổ biến nhất là mùa hè và mùa thu. Vì thời tiết vào mùa này chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn Bordetella pertussis phát triển và lây lan.

Khi nào thì bệnh có khả năng lây nhiễm?

Bệnh ho gà lây nhiễm mạnh nhất là vào thời gian mới khởi phát, từ 1-2 tuần sau khi bị vi khuẩn xâm nhập. Khoảng thời gian này, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện giống cảm lạnh thông thường như hắt hơi, sổ mũi nên rất dễ lây lan sang những người xung quanh. Trong giai đoạn sau, khả năng lây nhiễm ho gà sẽ giảm xuống do vi khuẩn yếu dần đi.

Triệu chứng ho gà ở trẻ em 

Bệnh ho gà ở trẻ em được biểu hiện qua các giai đoạn như sau:

Giai đoạn đầu (trong khoảng 1-2 tuần đầu)

Ở giai đoạn đầu, biểu hiện ho gà ở trẻ em cũng như người lớn thường có các triệu chứng như:

  • Sốt nhẹ hoặc không sốt
  • Ho nhẹ hoặc hơi húng hắng ho
  • Chảy nước mũi, hắt xì hơi.

Riêng đối với trẻ sơ sinh, bệnh ho gà ở giai đoạn đầu thường ít biểu hiện hơn hoặc thậm chí là không có. Tuy nhiên, ở đối tượng này xuất hiện triệu chứng ho gà khá phổ biến đó là ngừng thở. Cha mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay nếu gặp phải tình trạng này.

Giai đoạn tiến triển (2 tuần sau)

Nếu chưa được phát hiện và chữa trị ngay trong giai đoạn đầu, đến giai đoạn 2, người bệnh sẽ bắt đầu ho nhiều hơn và trở nặng hơn. Cơn ho gà sẽ có những biểu hiện khá đặc trưng như trẻ ho liên tục không ngừng, ho dữ dội, không kìm được.

Dưới đây là những triệu chứng ho gà ở trẻ em trong giai đoạn bệnh tiến triển:

  • Ho từng liên tục từng cơn, ho rũ rượi kéo dài. Sau cơn ho, trẻ có thể tím tái hoặc ngừng thở.
  • Sau mỗi cơn ho thường thở rít giống tiếng gà gáy, nôn ra thức ăn và nước dãi trong.
  • Trẻ mệt bơ phờ, mồ hôi đầm đìa và thở gấp.

Giai đoạn phục hồi

Sau giai đoạn tiến triển, dù không được điều trị nhưng bệnh nhân vẫn có thể giảm dần cơn ho. Tuy nhiên, chỉ sau một vài tháng, bệnh ho gà sẽ tiếp tục tái diễn, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng đe doạ tính mạng.

Ho liên tục không ngừng, hắt hơi là biểu hiện của ho gà

Từ giai đoạn đầu đến tiến triển cho đến phục hồi, bệnh ho gà ở trẻ có diễn biến rất phức tạp, từ nhẹ đến nặng, giảm dần rồi âm thầm quay lại gây ra biến chứng. Chính điều này đã khiến các bệnh phụ huynh chủ quan không đưa trẻ đi thăm khám dẫn đến biến chứng và gây ra hậu quả đáng tiếc.

Bởi vậy, cha mẹ cần hết sức lưu ý các biểu hiện sớm của bệnh ho gà để điều trị cho trẻ càng sớm càng tốt.

Bệnh ho gà ở trẻ em có nguy hiểm không? 

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh ho gà có thể để lại những biến chứng vô cùng nghiêm trọng. Những trẻ chưa được tiêm phòng vắc xin ho gà rất dễ bị tái lại và có thể dẫn đến tử vong.

Các biến chứng ho gà ở trẻ thường gặp nhất đó là:

  • Viêm phổi, bít tắc tiểu phế quản
  • Co giật 
  • Khó thở hoặc ngừng thở
  • Mắc bệnh về não, thiếu oxy não
  • Tử vong do bị suy hô hấp

Không chỉ trẻ em mà thiếu niên hay người trưởng thành bị mắc bệnh ho gà cũng có thể để lại nhiều biến chứng như:

  • Bất tỉnh
  • Sụt cân
  • Ho nặng dẫn đến gãy xương sườn
  • Bàng quang bị mất kiểm soát.

Do vậy, dù là người lớn hay trẻ em thì cũng không nên chủ quan khi mắc bệnh ho gà.

Cách chữa bệnh ho gà ở trẻ em

Bệnh ho gà ở trẻ em có thể được điều trị khỏi bằng thuốc kháng sinh điều trị ho. Việc sử dụng thuốc kháng sinh điều trị ho gà sớm rất quan trọng. Nếu được điều trị ngay từ giai đoạn đầu, bệnh sẽ dễ được chữa khỏi và phòng tránh lây lan tốt hơn.

Tuy nhiên, không nên tự ý mua thuốc điều trị ho gà khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc có tác dụng giảm ho, loãng đờm, an thần, kháng histamin... vì chúng ko có hiệu quả trong điều trị ho gà. Đồng thời gây ra các tác dụng phụ rất nguy hiểm.

Ho gà có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ
Ho gà có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ

Đối với trẻ trên 1 tuổi

Mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, cho trẻ uống thuốc theo đơn và tự theo dõi tình trạng bệnh ở nhà. Nếu thấy bệnh trở nặng kèm những dấu hiệu sau, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để điều trị:

  • Trẻ ho nhiều thành từng cơn, khi ho mặt đỏ hoặc tím tái, mỗi cơn ho thường kéo dài
  • Trẻ ăn ít, nôn trớ nhiều
  • Ngủ kém
  • Khó thở

Đối với trẻ sơ sinh

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh, cần đưa con tới bệnh viện để khám và điều trị vì đây là đối tượng dễ bị biến chứng do ho gà gây ra nhất.

Một số bài thuốc dân gian chữa bệnh ho gà

Bên cạnh việc điều trị bệnh ho gà cho trẻ theo Tây y, mẹ có thể tham khảo và áp dụng một số bài thuốc Đông y được dân gian lưu truyền dưới đây. Tuy đây là những bài thuốc từ tự nhiên, mẹ vẫn cần lưu ý, để tránh bị tương tác thuốc, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng các bài thuốc này cho con.

Bài thuốc từ quả nho

Có thể mẹ sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng nho là loại quả có tác dụng trong điều trị ho gà ở trẻ em. Bài thuốc rất đơn giản. Mẹ chỉ cần ép nước nho rồi pha cùng một thìa mật ong và cho bé uống mỗi ngày 1 lần vào một khung giờ cố định. Ho sẽ giảm rõ rệt trong vòng từ 7-10 ngày. 

Không chỉ có tác dụng trị ho, nho còn là loại quả rất giàu vitamin, rất tốt cho cơ thể trẻ khi bị bệnh.

Bài thuốc từ củ cải

Cũng tương tự như nho, củ cải có tác dụng chữa ho gà rất hiệu quả, an toàn và lành tính. Mẹ chỉ cần lấy nước ép từ củ cải hoà cùng 1 thìa cafe mật ong, thêm một chút muối trắng rồi cho bé uống. Duy trì đều đặn mỗi ngày 2-3 lần, mẹ sẽ sớm thấy được hiệu quả trị ho cho trẻ từ củ cải.

Hoa đu đủ đực chữa ho gà rất tốt

Bài thuốc từ hoa đu đủ đực

Hoa đu đủ đực từ lâu được cho là được cho là dược liệu trị ho rất hiệu nghiệm. Cách chữa bệnh ho gà từ đu đủ đực cho trẻ được thực hiện như sau:

Nguyên liệu:
  • Hoa đu đủ đực khô: 20g
  • Trần bì: 20g
  • Vỏ rễ dâu: 20g
  • Bách bộ: 12g
  • Bạch phàn: 12g
Cách thực hiện: 

Sao vàng hoa đi đủ đực, rễ dâu đem tẩm mật rồi sao vàng. Các nguyên liệu còn lại sấy khô, tán bột, đóng từng gói 4g và cất trong hộp kín.

Cách dùng: 

Trẻ từ 1-5 tuổi: dùng 1/4 đến 1 gói một lần; trẻ 5-10 tuổi dùng 1-2 gói/lần. Mỗi ngày uống 3 lần.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị bệnh ho gà

Bên cạnh việc cho trẻ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, chế độ chăm sóc trẻ bị ho gà cũng rất quan trọng. Chăm sóc đúng cách cùng chế độ ăn hợp lý sẽ giúp trẻ mau chóng khỏi bệnh hơn.

Cách chăm sóc trẻ bị ho gà:

  • Không tự ý cho trẻ uống thuốc ho khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không khói bụi, hóa chất, đặc biệt là khói thuốc lá. Khói bụi, khói thuốc lá là những chất khơi dậy cơn ho.
  • Vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ, thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng.
  • Trẻ bị ho thường chán ăn do cơ thể mệt mỏi, cổ họng đau và có đờm. Khi ăn rất dễ bị nôn trớ. Vì thế, cha mẹ cần kiên trì hơn khi cho con ăn, chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, không ép buộc hay quát mắng trẻ.
  • Để trẻ đỡ bị nôn ói khi ăn do mắc đờm, trước khi ăn cháo hay bột, mẹ nên cho trẻ uống vài thìa nước canh không chứa dầu mỡ. Sau đó, cho trẻ nằm sấp xuống rồi vỗ nhẹ vào lưng. Việc này sẽ khiến cho đờm không còn mắc lại ở cổ họng trẻ.
Tham khảo thêm: Cách chữa ho có đờm cho trẻ dưới 1 tuổi đơn giản nhưng hiệu quả

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh ho gà

Trong chế độ dinh dưỡng của trẻ bị ho gà, mẹ nên lưu ý những điều sau:

  • Cho trẻ ăn những món ăn mềm và dễ tiêu hoá. Nấu thức ăn với độ vừa phải, không nên loãng quá. Vì khi bị ho gà, bé sẽ ăn ít hơn, thức ăn quá loãng sẽ khiến bé nạp được ít dinh dưỡng hơn.
  • Không ép trẻ ăn quá nhiều thức ăn một lúc. Nếu bình thường trẻ ăn 5 bữa/ ngày, thì khi bị ho, mẹ nên tăng lên khoảng 8 lần/ngày hoặc hơn. Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp trẻ hấp thu được nhiều dinh dưỡng hơn.

Một số thực phẩm tốt cho trẻ bị ho gà:

  • Món ăn mềm, dễ tiêu, nhiều nước: súp, cháo, sữa.
  • Nhóm các thực phẩm giàu kẽm và sắt như thịt bò, gà, trứng, các loại rau có màu xanh thẫm, đỏ.

Một số thực phẩm cần kiêng khi trẻ bị ho gà:

  • Đồ ăn ngọt, nhiều dầu mỡ: Đồ ăn ngọt, nhiều dầu mỡ sẽ khiến cơ thể sản sinh ra một lượng nhiệt lớn làm cho triệu chứng ho càng thêm nặng. Đồng thời, các thực  phẩm chiên rán sẽ khiến cho dạ dày thêm nặng nề, tiết dịch đờm nhiều hơn khiến trẻ càng thêm khó chịu. 
  • Đồ ăn lạnh: Mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ ăn thức ăn được bảo quản trong tủ lạnh mà chưa được làm nóng. Bởi đồ ăn lạnh sẽ khiến cơ thể nhiễm lạnh, gây tổn thương phổi dẫn đến ho nặng hơn. Sử dụng quá nhiều đồ lạnh cũng sẽ khiến tỳ vị bị tổn thương, suy giảm chức năng, giảm khả năng chống chọi với bệnh tật của cơ thể.

Trẻ bị ho có nên ăn trứng gà, thịt gà không?

Trẻ bị ho có ăn được trứng gà không, trẻ bị ho có ăn được thịt gà không là thắc mắc của rất nhiều người. Trong dân gian thường quan niệm, bị ho ăn thịt gà, trứng gà sẽ khiến ho nặng hơn, lâu khỏi. Nhưng thực tế, các bác sĩ khẳng định, thịt gà hay trứng gà không khiến ho trở nên trầm trọng. Quan niệm không ăn trứng gà, thịt gà khi bị ho là hoàn toàn sai lầm.

Trong thịt gà chứa rất nhiều protein và kẽm, trứng gà còn chứa một lượng sắt, canxi, vitamin và chất khoáng… dồi dào rất tốt cho cơ thể người bệnh. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ bị ho ăn trứng gà, thịt gà bình thường để đảm bảo dinh dưỡng.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể ăn trứng gà. Nếu trẻ bị ho và kèm theo một số dấu hiệu dưới đây thì mẹ không nên cho trẻ ăn trứng gà:

  • Trẻ bị tiêu chảy
  • Trẻ béo phì, thừa cân
  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi
  • Trẻ bị sốt, cảm lạnh
  • Trẻ bị tiểu đường.

Cách phòng tránh bệnh ho gà tốt nhất

Tiêm vắc xin phòng bệnh

Cách tốt nhất để phòng tránh ho gà cho trẻ em chính là tiêm vắc xin phòng bệnh. Trẻ sơ sinh nên được tiêm 3 mũi vào các thời điểm: 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi và 6 tháng tuổi. Sau đó, cần tiêm nhắc lại vào các thời điểm: 15 - 18 tháng tuổi, 4 - 6 tuổi và 11 tuổi.

Không chỉ trẻ em mới có nguy cơ mắc bệnh, vì thế bất kỳ ai cũng nên tiêm vắc xin phòng ngừa ho gà. Dưới đây là các trường hợp cần tiêm vắc xin ho gà:

  • Người chăm sóc trẻ 
  • Những người đang làm trong ngành chăm sóc sức khỏe.
  • Người trên tuổi 65.

Một số biện pháp khác giúp phòng tránh bệnh ho gà

  • Không tiếp xúc gần với người biểu hiện mắc bệnh ho gà.
  • Nếu phát hiện trong gia đình có người bị bệnh ho gà, cần đưa đi khám để được điều trị càng sớm càng tốt. Gia đình có trẻ em thì cần cách ly trẻ em với người bị bệnh. Khi tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang cũng như không tiếp xúc với đồ vật cá nhân của người đó.
  • Thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng để diệt vi khuẩn, tránh lây lan qua tiếp xúc vật dụng.
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, che miệng khi ho và hắt hơi.
Tiêm phòng cho trẻ là cách phòng ho gà tốt nhất
Tiêm phòng cho trẻ là cách phòng ho gà tốt nhất

Hy vọng những thông tin về bệnh ho gà trên đây đã giúp cha mẹ nắm được những kiến thức cơ bản về ho gà và cách chữa ho gà ở trẻ em. Ho gà là một bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị sớm. Đặc biệt, bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh rất khó nhận biết trong giai đoạn đầu nên cha mẹ cần hết sức lưu ý. 

Nắm vững các kiến thức về cơ chế lây lan, cách chữa trị và phòng tránh sẽ giúp ngăn ngừa ho gà cho trẻ em và những đối tượng khác một cách hiệu quả.

Chủ đề:
Nguyễn Tiến DũngNguyễn Tiến Dũng
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng là một trong những chuyên gia đầu ngành ở lĩnh vực Nhi khoa. Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai. Đến nay, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng đã có gần 40 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh lý, triệu chứng của trẻ nhỏ như: Bệnh hô hấp, bệnh tiêu hóa, sốt, co giật, ho, viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy…

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form