Trang chủ

Mẹ & Bé

Trẻ Sơ Sinh Biếng Bú Chậm Tăng Cân Phải Làm Sao?

Tham vấn y khoa:
Nguyễn Tiến Dũng
7/11/2022
Mẹ & Bé
trẻ sơ sinh lười bú phải làm sao

Trẻ sơ sinh thường chỉ có hai hoạt động là ăn và ngủ, do đó chỉ cần bé lười bú, bỏ bú đã khiến cha mẹ hết sức lo lắng. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến cho bé chậm tăng cân, thiếu dinh dưỡng thậm chí là suy dinh dưỡng do đó cha mẹ cần có cách khắc phục sớm cho trẻ. Vậy trẻ sơ sinh biếng bú chậm tăng cân phải làm sao? Hãy cùng Sức Khỏe Vàng giải đáp vấn đề này.

Bé sơ sinh bú bao nhiêu là đủ? Khi nào được coi là bé lười bú?

Lần đầu làm mẹ với biết bao nhiêu bỡ ngỡ, chắc hẳn mẹ nào cũng sẽ thắc mắc bé 0-6 tháng bú bao nhiêu là đủ, bé mấy tiếng bú một lần hay bé bú đêm mấy lần?

Trẻ sơ sinh vừa mới chào đời có dạ dày còn rất nhỏ, mới đầu, bé chỉ cần bú mỗi lầ từ 5 đến 7ml là đã đủ. Sau đó lượng sữa mới tăng dần lên tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng bú của trẻ.

  • Trẻ sơ sinh đến 2 tháng: Trong tháng đầu tiên, bé cần ăn từ 8 đến 12 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau từ 2 đến 3 giờ. Nếu trẻ tự thức dậy để bú trong vài tuần đầu thì mẹ nên cho bé ăn đúng giờ, mỗi lần hãy cho bé bú khoảng từ 10 đến 20 phút, hoặc lâu hơn nếu bé thực sự bú và nuốt trong suốt thời gian đó. Sau khoảng 1 tháng, bé sẽ bú ít nhất 120ml cho mỗi lần ăn.
  • Trẻ sơ sinh 2-3 tháng: Bé có thể bú được từ 120ml đến 150ml sữa cho mỗi lần bú, mỗi lần cách nhau từ 3-4 giờ.
  • Trẻ sơ sinh 4-5 tháng: bé có thể bú tới 180ml mỗi lần. mỗi lần cách nhau từ 3-5 giờ.
  • Trẻ 6 tháng: Một số bé có thể bú tới 240ml sữa mẹ hoặc sữa công thức, mỗi lần cách nhau từ 4 – 5 giờ.

Khi em bé không bú đủ lượng sữa cần thiết, bé ngủ nhiều không quan tâm, đoái hoài đến sữa mẹ, hoặc khi bé chỉ ngậm ti mà không chịu bú thì đây là những dấu hiệu cho thấy bé đang lười bú. Ngoài ra trẻ bú kém cũng có những biểu hiện như thường xuyên quấy khóc, hay nôn trớ, ngủ không ngon giấc và tỉnh giấc giữa chừng. 

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh biếng bú chậm tăng cân

Bé sơ sinh lười bú mẹ

Em bé mới sinh có thể gặp khó khăn khi học cách bú sữa mẹ, dẫn tới lười bú chậm tăng cân. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bé lười bú mẹ:

Mẹ cho bé bú không đúng cách

Nhiều mẹ mới sinh con nên còn bỡ ngỡ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Khi mẹ không cho con bú đúng cách, bé sẽ không thể bú được sữa từ vú mẹ. Bé càng đói thì sẽ càng bực bội, dần dần bé sẽ khó bú hơn và bắt đầu lười bú hoặc hoàn toàn không chịu bú mẹ. Từ đó bé không nạp đủ lượng sữa cần thiết dẫn đến chậm tăng cân. 

Bé khó ngậm vú 

Hầu hết trẻ sơ sinh đều có thể bú mẹ tốt ngay từ khi mới sinh. Tuy nhiên trong một số trường hợp em bé khó ngậm vú. Nguyên nhân có thể do núm vụ của mẹ bị phẳng và ngược khiến bé không thể ngậm được vú. 

Sữa mẹ có mùi vị lạ

Sữa mẹ bị ảnh hưởng bởi thức ăn mà mẹ ăn. Nếu một số thực phẩm mẹ ăn có vị cay, đắng vô tình tạo nên vị lạ của sữa, điều này có thể khiến bé không quen và bỏ bú. 

Sữa mẹ lâu về

Đối với những bà mẹ lần đầu có con hoặc gặp một số tình trạng về sức khỏe có thể mất từ vài ngày đến hàng tuần để sữa mẹ về. Sự chậm trễ này có thể khiến cho cả cha mẹ và bé cảm thấy khó chịu. Khi bé cảm thấy bực bội, bé có thể từ chối bú mẹ. 

Mẹ ít cho bé bú 

Đôi khi vì lý do cá nhân hoặc do mẹ quá bận rộn không có đủ thời gian ở bên cạnh cho bé bú. Nếu tình trạng này kéo dài quá lâu thì sẽ khiến bé không có thói quen bú mẹ nữa, bé sẽ cảm thấy lạ lẫm, sợ hãi quấy khóc khi thấy ti mẹ.

Bé biếng bú sau giai đoạn mới sinh

Những trẻ lớn hơn đã bú sữa tốt nhưng đôi khi vẫn biếng bú do một số nguyên nhân sau: 

Bé bị mất tập trung

Khoảng 3 tháng tuổi, bé sẽ ngày càng chú ý đến môi trường xung quanh hơn, từ những đồ vật xung quanh đến những tiếng ồn phát ra từ tivi, điện thoại… mọi thứ đều quá đỗi mới mẻ và thú vị đối với bé. Với quá trình phát triển trí não đang diễn ra, dù là vật nhỏ nhất hay âm thanh nhỏ nhất cũng có thể khiến bé mất tập trung và bỏ bú. 

Bé đang trong tuần wonder week

Nếu bé đang ở trong tuần khủng hoảng, bé dễ bị biếng ăn sinh lý dẫn đến lười bú, chán ăn. Khi bé bắt đầu biết lẫy, biết lật, sự thay đổi này ở bản thân bé có thể khiến cho bé chưa kịp thích nghi và kết quả là bé lười bú, bỏ bú thậm chí hay quấy khóc, cáu gắt khó chịu hơn. 

Em bé đang mọc răng

Bắt đầu từ 4 đến 6 tháng tuổi, bé lười bú có thể là dấu hiệu của việc mọc răng. Thông thường, trẻ mọc răng có thể bị sốt nhẹ, kèm theo đau nướu. Điều này khiến bé cảm thấy đau đớn và không còn cảm giác muốn ăn nữa.

Xem thêm: Trẻ mọc răng biếng ăn phải làm sao?

Bé bị ốm

Khi bé bị ốm, bé sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, cơ thể không còn sức lực dẫn đến bé không muốn ăn và không chịu ăn. Việc liên tục nạp thiếu các chất dinh dưỡng sẽ khiến bé chậm tăng cân, chậm phát triển. Đặc biệt, khi bé có triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi thì việc bú mẹ và bú bình càng khó khăn hơn so với bình thường.

Sữa công thức không phù hợp

Một số bé phải dùng sữa công thức nhưng trẻ sơ sinh lười bú bình có thể do loại sữa công thức mẹ sử dụng không phù hợp với khẩu vị của bé. Hoặc nguyên nhân có thể do bình sữa không phù hợp, dòng chảy quá nhanh hoặc núm vú không vừa với miệng của trẻ. 

Bé biếng bú chậm tăng cân phải làm sao?

Nhiều cha mẹ stress vì trẻ sơ sinh tăng cân quá ít do bé lười bú. Để giải quyết được tình trang này, trước hết cha mẹ cần xác định được chính xác nguyên nhân rồi từ đó có những biện pháp khắc phục cho hiệu quả:

Với trẻ bú mẹ hoàn toàn

Với trẻ bú mẹ hoàn toàn thì chế độ dinh dưỡng của mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa cho bé, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Khi bé lười bú, mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình, tăng cường ăn các loại thực phẩm khác nhau, ăn thêm khẩu phần để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé.

Chế độ ăn cần cân bằng đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là chất béo, chất đạm, chất đường bột và vitamin, khoáng chất. Đồng thời mẹ cũng cần hạn chế ăn các loại đồ ăn có vị cay nồng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ để tránh cho sữa mẹ có “mùi vị lạ” và đảm bảo chất lượng sữa cho trẻ.

Tạo thói quen bú cho trẻ cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên chia nhỏ các cữ bú cho bé trong ngày, tùy vào độ tuổi mà các cữ bú sẽ cách nhau từ 2-3 tiếng hoặc 3-4 tiếng. Tốt hơn hết là để cho bé bú trực tiếp bằng ti mẹ. Không ép bé bú thêm khi bé đã có dấu hiệu no vì bé dễ nôn trớ, cũng như tránh để bé quá đói rồi mới để bé ti. 

Cho bé bú đúng cách, đúng tư thế. Cách cho bé bú cũng rất quan trọng và quyết định xem bé có bú được nhiều hay không. Mẹ cần cho bé bú đúng tư thế và luôn tạo cho bé một cảm giác thoải mái, ấm áp để bé có thể bú được nhiều hơn. 

Với những bé đang bị ốm, cần điều trị kịp thời cho bé. Khi thấy bé có những biểu hiện cáu gắt, khó chịu hoặc không thoải mái, cha mẹ cần theo dõi và xác định xem bé đang gặp phải tình trạng gì vì khi bé bị ốm hoặc bị bệnh thì phải điều trị dứt điểm mới có thể giúp bé bú tốt trở lại được. Với cảm lạnh thông thường, cha mẹ có thể tự điều trị cho bé tại nhà nhưng nếu nghi ngờ bé có các nhiễm khuẩn đường hô hấp thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm nhé. 

Với trẻ bú sữa công thức

Với những bé không có điều kiện ti trực tiếp sữa mẹ phải bú sữa công thức hoặc bú bình thì trẻ biếng bú bình phải làm sao?

Trước hết, mẹ phải xem xem có phải bé không thích loại sữa công thức mà mẹ đang cho bé uống hay không. Nếu thế mẹ cần lựa chọn loại sữa khác thích hợp hơn, mẹ có thể đổi sữa cho đến khi tìm được loại sữa mà bé yêu thích, nhưng vẫn phải đảm bảo loại sữa đó chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh trong những năm đầu đời.

Khi bé lười bú bình, mẹ cũng cần xem xét đến chất lượng của bình sữa. Lựa chọn những bình có chất liệu và núm vú phù hợp với miệng của trẻ, đảm bảo dòng chảy sữa phù hợp không quá nhanh hoặc quá chậm tránh làm trẻ bị sặc hoặc cảm thấy chán vì không bú được nhiều. 

Ngoài ra, để đảm bảo cho bé tăng cân đều đặn, cha mẹ cũng cần đảm bảo bé ngủ đủ giấc vì ăn và ngủ là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển của trẻ sơ sinh. Nếu bé lười bú thì cha mẹ vẫn phải đảm bảo cho bé ngủ đủ và ngủ sâu giấc vì trong khi ngủ hormone tăng trưởng của bé tăng gấp 4 lần so với khi bé thức.

Mẹo hay cải thiện cân nặng hiệu quả cho trẻ biếng bú

Đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc

Đối với trẻ sơ sinh, ngủ đủ giấc quan trọng tương tự như ăn đủ chất. Ăn đủ, ngủ đủ sẽ giúp con phát triển toàn diện và tăng cân đều. Vì thế, bên cạnh việc đảm bảo đủ lượng sữa cần thiết, mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ biếng ăn chậm tăng cân ngủ thật ngon và thật sâu, đặc biệt từ 10h đêm đến 2h sáng. Đây được coi là khung giờ vàng giúp trẻ phát triển chiều cao và tăng cân tốt. Lúc này, hormone tăng trưởng sẽ tăng gấp 4 lần so với các thời gian khác trong ngày.

Cho trẻ bú càng lâu càng tốt

Để trẻ tăng cân đều, mẹ nên giữ cho con bú càng lâu càng tốt. Hàm lượng chất béo trong sữa mẹ sẽ tăng lên đều đặn và gấp đôi so với sữa đầu.

Bú đúng cữ vào ban đêm

Mẹ không nên để trẻ ngủ liền một giấc đến sáng mà không ăn uống gì thêm. Nếu trẻ ngủ say, mẹ có thể đánh thức con dậy và cho trẻ bú đúng cữ. Lượng dinh dưỡng được nạp đủ sẽ giúp con cải thiện cân nặng tốt hơn.

Cải thiện chất lượng sữa mẹ

Chất lượng sữa mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến cân nặng của trẻ sơ sinh. Bởi ở giai đoạn này, thức ăn chính của trẻ là sữa mẹ. Mẹ cần ăn uống đủ chất, tăng cường protein. Các bữa ăn cần phải đáp ứng đủ nhu cầu về sắt, kẽm, magiê, vitamin D, vitamin E và acid folic.

Một số câu hỏi thường gặp khi trẻ sơ sinh lười bú

1. Bé quấy khóc bỏ bú có sao không?

Trẻ bỏ bú có thể do nhiều nguyên nhân: do sữa mẹ có mùi vị thay đổi, do mẹ cho bé bú quá nhiều sữa công thức, bé cảm thấy không thoải mái… Trẻ bỏ bú chỉ vài cữ có thể không quá đáng lo ngại nhưng nếu bé bỏ bú kèm theo quấy khóc thì cha mẹ cần xem xét xem có phải bé vừa mới đi tiêm phòng về không? Nếu tình trạng này kéo dài cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế vì rất có thể bé đang gặp phải vấn đề về sức khỏe.

2. Bé sơ sinh 0-6 tháng tuổi không bú đêm có bị đói?

Trẻ sơ sinh ở độ tuổi 0-6 tháng thường bú mẹ theo nhu cầu, trung bình trẻ mới sinh sẽ bú mẹ từ 2-3 giờ một lần, bé 2 tháng sẽ bú mẹ từ 3-4 giờ một lần, bé 4-6 tháng sẽ từ 4-5 giờ một lần. Tuy nhiên khoảng cách này có thể thay đổi. Nếu bé bú ít đi nhưng vẫn tăng cân tốt thì không có gì đáng lo ngại.

Ban ngày, nếu bé ngủ nhiều thì có thể đánh thức để cho bé bú, còn nếu vào ban đêm nếu bé ngủ ngon và không có nhu cầu đòi ăn thì không nhất thiết phải đánh thức trẻ. Quan trọng nhất là phải theo dõi cân nặng của bé, nếu trong 3 tháng đầu bé bú ít lần nhưng cân nặng vẫn tăng đều tầm 1kg/tháng là không có gì đáng lo. Bé bú đủ sẽ đi tiểu nhiều, không quấy khóc và tăng cân đều. 

3. Bé lười bú cần bổ sung thêm gì không?

Khi bé bú ít, mẹ cần tăng cường cữ bú của bé lên để có thể nạp đủ dinh dưỡng hàng ngày. Nếu bé từ chối sữa mẹ, hãy thử cho bé bú thêm sữa công thức xem sao nhé. Ngoài ra, bé bú ít nguyên nhân có thể do loạn khuẩn đường ruột, hãy thử cho bé sử dụng một số sản phẩm men vi sinh an toàn với trẻ. Ngoài ra hãy bổ sung cho bé đầy đủ vitamin D3 và canxi từ khi mới sinh để bé phát triển tối ưu và luôn khỏe mạnh. 

4. Bé ngủ nhiều bú ít có phải là bất thường?

Đôi khi cha mẹ sẽ thấy bé nhà mình ngủ nhiều hơn và bú ít đi. Nếu bé ngủ nhiều nhưng khi tỉnh bé vẫn tỉnh táo và chơi đùa bình thường, bé bú ít cữ hơn nhưng mỗi cữ bú bé vẫn bú đủ và bú ngoan, không quấy khóc thì chứng tỏ bé vẫn đang hoàn toàn bình thường. Mẹ cần quan sát thêm bé có tăng cân đều đặn không, nếu có thì không có gì đáng lo ngại. Ngược lại, nếu sau khi ngủ dậy bé lờ đờ, chậm chạp, mệt mỏi bất thường, bú ít và bú kém thì cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế vì rất có thể bé đang mắc tình trạng bệnh lý nào đó.

Lời kết

Trên đây là những nguyên nhân trẻ sơ sinh lười bú chậm tăng cân và cách giải quyết. Khi bé rơi vào tình trạng này, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh để có thể xác định đúng nguyên nhân để từ đó có cách giải quyết tốt nhất. Không nên quá vội vàng cũng như không để tình trạng bé lười bú kéo dài quá lâu vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé vì giai đoạn này là giai đoạn quan trọng bậc nhất giúp bé phát triển sau này.

Chủ đề:
Mẹ MunMẹ Mun
Mẹ Mun tốt nghiệp Cử nhân Văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã đang làm việc tại một nơi có rất rất nhiều sách kết hợp bán online một số dòng mỹ phẩm cũng như thực phẩm chức năng. Mẹ Mun mong muốn được chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của bản thân.

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form