Trẻ Biếng Bú Bình Phải Làm Sao? 10 Cách Khắc Phục Nhanh
Con bạn đã được 4 tháng và bạn sắp sửa phải quay lại công ty làm việc. Vấn đề là bé nhất quyết không chịu bú bình mà chỉ đồng ý bú mẹ. Phải làm sao để trẻ hết biếng bú bình bây giờ? Đừng lo, bạn không hề đơn độc, rất nhiều bà mẹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng này. Dưới đây, Suckhoevang sẽ chỉ cho bạn 10 cách hiệu quả để giúp trẻ không còn cáu gắt khi bú bình.
Nguyên nhân trẻ lười bú bình
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy khó chịu và từ chối bú bình. Đây là những lý do phổ biến nhất.
Núm vú nhân tạo quá cứng
Sau nhiều tháng quen thuộc với bầu sữa mẹ mềm mại, ấm áp, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu khi phải ngậm mút núm vú bằng nhựa thô cứng. Đó là lý do trẻ hay nhè, đẩy đầu ti nhựa ra ngoài. Bạn có thể kiểm tra đầu ti bình bằng cách dùng 2 ngón tay ấn bóp để cảm nhận độ mềm cứng và khả năng đàn hồi. Đầu ti càng mềm mại, đàn hồi và không có mùi nhựa nồng nặc, trẻ càng dễ làm quen và chấp nhận bú bình.
Dòng sữa chảy quá nhanh và mạnh
Khi bú mẹ, trẻ phải mút một vài hơi thì sữa mẹ mới bắt đầu xuống nhiều. Bú bình không giống như vậy, sữa sẽ chảy vào miệng trẻ rất nhiều và nhanh ngay sau khi trẻ mút. Trong những lần đầu tiên, trẻ có thể giật mình, hoảng sợ và vừa bú bình vừa khóc. Sau đó, trẻ hình thành cảm giác sợ hãi và không chịu bú bình nữa.
Nhiệt độ sữa từ bình quá lạnh hoặc quá nóng
Nếu trẻ ăn sữa công thức, bạn cần pha sữa với nước nóng. Nếu bạn vắt sữa mẹ ra bình rồi cho trẻ bú, bạn cần trữ lạnh rồi hâm nóng lại trước khi cho ăn. Hành động trữ lạnh và hâm nóng hoặc pha sữa với nước nóng nếu sơ ý có thể khiến sữa trong bình không đủ ấm hoặc quá nóng. Trẻ ăn sữa không có nhiệt độ phù hợp sẽ cáu gắt và không chịu bú bình.
Trẻ quen hơi mẹ
Khi bú mẹ trực tiếp, trẻ được mẹ ôm hoặc bế trong vòng tay. Nhiều trẻ thích cảm giác gần gũi, da kề da với mẹ như vậy. Một số trẻ lại quen mùi hương của mẹ. Khi bú bình, bé không cảm nhận được những điều này nên thường có cảm giác bất an, xa lạ, từ đó lười bú bình.
Trẻ bỏ bú bình khi mọc răng
Khi bước vào giai đoạn mọc răng, một số trẻ thường bỏ bú bình vài ngày. Đây là hiện tượng bình thường khi vùng lợi của trẻ sưng đau. Trẻ có thể sốt nhẹ, khó chịu, quấy khóc và không chịu ăn.
Giải pháp khắc phục bé lười bú bình
Phải làm sao để trẻ hết biếng bú bình? Làm thế nào để trẻ không còn cáu gắt và khóc khi bú bình nữa. Suckhoevang sẽ chỉ cho bạn 10 cách vô cùng hiệu quả sau đây.
1. Thử các loại bình khác nhau
Mỗi loại bình sữa có chất liệu, kích thước núm vú cũng như tốc độ dòng chảy khác nhau. Bạn hãy thử nghiệm vài loại bình để tìm ra chiếc phù hợp với trẻ nhất. Lưu ý nên chọn loại bình có phần núm vú mềm mại, đàn hồi, kích thước vừa vặn với miệng trẻ và không có mùi nhựa nồng nặc.
2. Nhờ người khác cho trẻ bú bình
Để khắc phục hiện tượng trẻ quen hơi mẹ, bạn có thể nhờ chồng hoặc bố mẹ cho trẻ bú bình. Khi không cảm nhận được mùi hương và da thịt của mẹ, trẻ có thể dễ dàng chấp nhận bú bình hơn. Cách này cũng giúp trẻ nhanh chóng thích nghi khi bạn sắp đi làm trở lại.
3. Hâm ấm sữa vừa đủ
Nhiệt độ của sữa rất quan trọng khi cho trẻ bú bình. Sau khi pha sữa hoặc hâm ấm sữa cho trẻ xong, bạn có thể nhỏ vài giọt lên mu bàn tay để đánh giá nhiệt độ của sữa. Nếu bạn cảm thấy ấm thì nhiệt độ sữa đã phù hợp.
4. Bóp thử bình sữa trước khi cho trẻ bú
Bạn có thể dốc ngược, lắc hoặc bóp nhẹ bình sữa để kiểm tra tốc độ dòng chảy có quá nhanh hoặc mạnh với trẻ hay không. Đây là biện pháp cực kỳ quan trọng để trẻ không cáu gắt và sợ hãi khi bú bình.
5. Cho trẻ bú bình trong không gian yên tĩnh
Địa điểm yên tĩnh khiến trẻ thư giãn, thoải mái và tập trung bú sữa là câu trả lời tuyệt vời cho thắc mắc “bé lười bú bình phải làm sao?”. Bạn cũng có thể đung đưa, lắc lư nhẹ nhàng để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
6. Đánh lạc hướng khi cho trẻ bú bình
Ngược lại với bí quyết trên, bạn có thể bế trẻ ra ngoài, nơi có nhiều tiếng động và nhiều người để đánh lạc hướng và phân tán sự chú ý của trẻ. Cách này đặc biệt hiệu quả khi trẻ cáu khóc và phản ứng dữ dội với bình sữa.
7. Tư thế thuận lợi cho trẻ bú bình
Bạn thường cho trẻ bú bình trong tư thế bế thẳng đứng, nằm nghiêng trên giường, nằm ngửa trên xe nôi hay trong vòng tay của mẹ? Bạn có thể thử nghiệm tất cả những tư thế này để tìm ra tư thế khiến trẻ thoải mái và yêu thích nhất. Tư thế thuận lợi hỗ trợ trẻ mút và nuốt sữa dễ dàng, trẻ không tốn nhiều sức dẫn đến bú bình lắt nhắt, ít một. Đồng thời tư thế thoải mái còn giúp trẻ không bị sặc sữa.
8. Thời điểm phù hợp
Nhiều bà mẹ thường cho trẻ bú bình lúc trẻ đói với hy vọng trẻ dễ dàng chấp nhận hơn. Tuy nhiên, cách này không thực sự hiệu quả. Đói là tình trạng cấp bách nên nếu không vừa ý, trẻ sẽ càng cáu khóc và từ chối gay gắt hơn. Thay vào đó, bạn có thể thử cho trẻ ti bình lúc trẻ bắt đầu vào giấc ngủ hoặc vẫn đang ngái ngủ. Trạng thái “ti trong mơ” này sẽ đánh lừa được trẻ và giúp bạn thuận lợi đưa núm vú vào miệng trẻ hơn.
9. Tạo những khoảng nghỉ trong bữa ăn
Khi bú mẹ trực tiếp, dòng sữa chảy theo lực mút mạnh yếu của trẻ. Điều này khác với bú bình là dòng sữa chảy liên tục. Vì thế, thay vì để trẻ mút gấp gáp không ngừng, bạn có thể tạo ra những khoảng nghỉ trong bữa ăn để trẻ có thời gian nuốt sữa và hít thở.
10. Đưa núm vú vào miệng trẻ đúng cách
Bạn đừng cố gắng đẩy bình sữa vào miệng trẻ bằng được. Hãy thử kích thích trẻ há miệng và ngậm núm vú bằng cách sau. Đưa núm vú lên gần mũi trẻ rồi chạm nhẹ vào phần môi trên, vị trí gần nhân trung. Sau đó, vuốt nhẹ núm vú sang hai bên khóe miệng. Bạn sẽ nhận thấy trẻ nhanh chóng há miệng và quay đầu tìm kiếm núm vú.
Xem thêm:
Cho trẻ bú bình đúng cách
3 bước đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn tập cho trẻ bú bình hiệu quả:
- Đầu tiên, bạn hãy cho trẻ làm quen với riêng núm vú. Bạn không cần đổ sữa hay nước vào bình, chỉ cần cho trẻ ngậm và nhai núm vú để trẻ làm quen, tự khám phá.
- Khi trẻ đã quen, bạn có thể nhúng núm vú vào một chút sữa rồi cho trẻ nếm và mút thử.
- Những ngày tiếp theo, hãy đổ một chút sữa vào bình rồi cho trẻ tập bú, sau đó tăng dần lượng sữa.
Suckhoevang hiểu tâm lý lo lắng, cáu gắt và sốt ruột của các bậc phụ huynh khi bé lười bú bình. Tuy nhiên, bạn cần chấp nhận rằng đây là tình huống phổ biến và sẽ dần dần được khắc phục. Đừng quá lo lắng trẻ sẽ bị đói, đừng tạo gánh nặng tâm lý rồi ép trẻ bú bằng được. Bạn nên bình tĩnh và kiên nhẫn để trẻ làm quen, thích nghi và dần dần chấp nhận bú bình.