Trang chủ

Mẹ & Bé

Bé Bú Bình Bỏ Bú Mẹ Phải Làm Sao?

Tham vấn y khoa:
Nguyễn Tiến Dũng
9/11/2022
Mẹ & Bé
bé bú bình bỏ bú mẹ phải làm sao

Trẻ quen bú bình và bỏ bú mẹ có thể xảy ra trong 2 trường hợp. Thứ nhất, sau khi sinh, sữa của bạn chưa xuống ngay nên bạn cho trẻ bú bình trước nhưng sau đó trẻ nhất quyết không chịu bú mẹ. Hoặc trẻ đã bú mẹ rất tốt trong nhiều tháng, nhưng bạn bị ốm, phải dùng thuốc điều trị hoặc phải xa con vài hôm nên quyết định cho con tạm thời ăn sữa bình. Tuy nhiên, điều đau đầu là kể từ đó trẻ bỏ bú mẹ, chỉ bú bình. Do đâu lại như vậy? Phải làm sao để xử lý tình huống này?

Vì sao bé thích bú bình và bỏ bú mẹ?

Trẻ sơ sinh lười bú mẹ chỉ thích bú mẹ có thể do một số nguyên nhân sau đây:

Trẻ quen với tốc độ sữa khi bú bình

Sự khác biệt của bú bình và bú mẹ là ở tốc độ xuống sữa. Khi bú bình, trẻ có thể mút sữa nhanh và mạnh ngay sau khi ngậm núm vú. Nhưng bú mẹ thì không như vậy. Thông thường, trẻ cần mút vài hơi, sữa mẹ mới bắt đầu xuống nhiều. Đây chính là lý do nhiều trẻ thường cáu gắt và bỏ bú mẹ sau khi đã quen bú bình, đặc biệt trong lúc trẻ đói.

Nguồn sữa của mẹ ít

Sau khi sinh, có thể mất vài ngày để sữa về. Chính sự chậm trễ này khiến trẻ cảm thấy bực bội và quấy khóc khi bú mẹ. Nếu bạn cho trẻ bú bình, trẻ sẽ rất hào hứng và không còn nhung nhớ bầu sữa mẹ nữa. Mặt khác, trong 6 tháng đầu nuôi con, lượng sữa của bạn có thể ít đi nếu bạn không cho con bú hoặc vắt sữa thường xuyên. Căng thẳng tâm lý ở các bà mẹ sau sinh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới số lượng sữa.

Nguồn sữa của mẹ ít
Trẻ thường cáu gắt và bỏ bú mẹ khi lượng sữa mẹ ít đi hoặc có mùi vị khác lạ

Thay đổi mùi hương của mẹ và mùi vị của sữa

Khi bạn thay đổi sữa tắm, nước hoa hoặc kem dưỡng… mùi hương trên cơ thể bạn cũng thay đổi. Trẻ em có thể nhận ra sự khác biệt này và nếu mùi hương khó chịu, trẻ sẽ không còn hứng thú bú mẹ nữa. Bên cạnh đó, mùi vị khác lạ của sữa mẹ do thuốc, thức ăn cũng góp phần khiến trẻ bỏ bú mẹ.

Bạn bị tụt núm vú

Núm vú tụt khiến trẻ khó ngậm bắt vú chính xác và mút được đủ lượng sữa. Vì vậy, trẻ thường yêu thích bú bình hơn là bú mẹ.

Trẻ bỏ bú mẹ chỉ bú bình có được không?

Rất nhiều bà mẹ thích cho trẻ bú bình vì lý do thẩm mỹ hoặc lịch sự nơi đông người. Tuy nhiên, khi trẻ quen bú bình và bỏ bú mẹ, trẻ rất dễ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn. Cho dù bạn đã rửa xà phòng và tráng nước sôi bình, cốc, thìa cũng không thể đảm bảo loại bỏ 100% vi khuẩn bám dính ở các dụng cụ này, đặc biệt trong các khe, rãnh. 

Mặt khác, bú mẹ trực tiếp lợi thế hơn bú bình vì có thể kết nối tình cảm mẹ con. Bên cạnh đó, bú mẹ trực tiếp cũng rất đơn giản, không cần vất vả vắt sữa, trữ lạnh rồi hâm nóng. Bạn không cần chuẩn bị nhiều dụng cụ và tiến hành nhiều công đoạn khi cho trẻ bú mẹ trực tiếp.

Trẻ bỏ bú mẹ chỉ bú bình có được không?

Bú mẹ trực tiếp là phương thức nuôi dưỡng con trẻ đơn giản, dễ thực hiện và có nhiều ưu điểm. Nhưng nếu trẻ đã quen bú bình rồi thì sao? Có cách nào để trẻ hào hứng và quay trở lại yêu thích bầu sữa mẹ không? Dưới đây là 10 cách cực hữu ích dành cho bạn.

Xem thêm:

10 cách xử lý trẻ quen bú bình bỏ bú mẹ

1. Kiên nhẫn cho trẻ tập bú mẹ

Trước tiên, bạn cần xác định rằng không dễ dàng để thuyết phục và uốn nắn trẻ quay lại bú mẹ khi đã quen bú bình. Đừng thấy trẻ quấy khóc, bú ít đi vài hôm mà vội vàng từ bỏ. Bạn cần cho trẻ thời gian để thay đổi và làm quen. Những ngày đầu, khi đến cữ ăn, bạn hãy cho trẻ bú mẹ trước, sau đó mới cho trẻ bú bình. Dần dần, trẻ sẽ bú mẹ được nhiều hơn và không cần đến bình sữa nữa.

2. Cho con bú đúng kỹ thuật

Bạn hãy đặt trẻ ở tư thế mà đầu và thân trẻ nằm trên cùng một đường thẳng. Cổ quá gập hoặc quá ngửa đều khiến trẻ không bú mút được hiệu quả. Bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ, mặt trẻ hướng vào bầu vú của mẹ. Miệng trẻ há to, ngậm hết quầng nâu của vú, môi dưới hướng ra ngoài và cằm tì vào bầu vú. Khi cho trẻ bú đúng kỹ thuật, trẻ sẽ bú được đủ lượng sữa, không cáu gắt, tăng cân tốt và bạn cũng ít bị nứt đầu vú hoặc tắc tia sữa.

Kỹ thuật cho trẻ ngậm bắt vú và bú chính xác, hiệu quả
Kỹ thuật cho trẻ ngậm bắt vú và bú chính xác, hiệu quả

3. Cho trẻ bú mẹ sau khi tắm

Sau khi tắm là thời điểm thích hợp để bạn cho con bú mẹ. Vì trẻ thường cảm thấy sảng khoái, dễ chịu, buồn ngủ nên dễ dàng chấp nhận bú mẹ.

4. Cho trẻ bú ở nơi yên tĩnh

Địa điểm yên tĩnh giúp trẻ tập trung bú mẹ và bạn cũng thoải mái hơn. Bạn có thể hát cho trẻ nghe hoặc bật nhạc không lời nhẹ nhàng. Những âm thanh dễ chịu này sẽ khiến cả hai mẹ con thư giãn hơn.

5. Thay đổi tư thế cho con bú

Bạn có thể ôm con trong vòng tay hoặc nằm nghiêng và cho con bú trên giường. Hãy thử những tư thế khác nhau để tìm ra tư thế khiến con dễ dàng bú mút và cảm thấy thoải mái nhất. Nếu trẻ đang bị nghẹt mũi, bạn có thể hút mũi cho trẻ trước khi cho bú để trẻ dễ dàng mút sữa.

Thay đổi tư thế cho con bú

6. Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới sữa mẹ

Bạn có đang bị căng thẳng tâm lý, bị đau vết mổ khiến sữa xuống ít hơn không? Bạn có mới thay đổi sữa tắm hay kem dưỡng có mùi nồng nặc, khó chịu không? Hoặc bạn có đang uống thuốc, ăn thức ăn nhiều gia vị, nặng mùi không? Hãy loại bỏ tất cả những yếu tố ảnh hưởng tới số lượng, mùi vị của sữa mẹ và khiến trẻ bỏ bú mẹ chỉ bú bình nhé!

7. Tiếp xúc da kề da

Phương pháp da kề da không chỉ giúp trẻ cảm thấy ấm áp, an toàn mà còn gia tăng tình cảm mẹ con. Bạn cởi áo của mình và con, sau đó ôm con trong vòng tay để da thịt của hai mẹ con tiếp xúc trực tiếp với nhau. Bạn nên đóng kín cửa sổ và cuốn một chiếc khăn, chăn mỏng bên ngoài để trẻ không bị lạnh. Tiếp đó, bạn vừa bế con vừa cho con bú nhé!

Phương pháp da kề da giúp trẻ cảm thấy ấm áp, dễ chịu và gia tăng tình cảm mẹ con
Phương pháp da kề da giúp trẻ cảm thấy ấm áp, dễ chịu và gia tăng tình cảm mẹ con

8. Chườm mát hoặc cù vào núm vú trước khi cho trẻ bú

Bạn có thể dùng khăn lạnh lau đầu vú hoặc cù vào quầng vú trước khi cho trẻ bú. Cách này giúp núm vú của bạn cứng hơn để trẻ dễ dàng ngậm bắt và bú mút.

9. Vắt sữa hàng ngày để duy trì nguồn sữa

Nếu bạn mới sinh xong hoặc bạn không thể cho con bú trực tiếp trong một vài ngày, hãy tiếp tục vắt sữa để duy trì nguồn sữa của bạn. Bởi nếu trẻ không bú hoặc bạn không vắt sữa ra ngoài, cơ thể bạn sẽ ngừng sản xuất sữa.

Nếu bạn phải tạm thời ngưng cho trẻ bú, hãy vắt sữa hàng ngày để duy trì nguồn sữa mẹ dồi dào
Nếu bạn phải tạm thời ngưng cho trẻ bú, hãy vắt sữa hàng ngày để duy trì nguồn sữa mẹ dồi dào

10. Vắt một ít sữa vào miệng trẻ trước khi cho trẻ bú

Nếu trẻ không chịu há miệng để ngậm bắt vú thì đây sẽ có biện pháp hữu ích dành cho bạn. Thay vì cố gắng nhét đầu vú vào miệng trẻ, bạn hãy bóp nhẹ bầu ngực để vắt một ít sữa vào khóe miệng của trẻ. Bạn cũng có thể miết nhẹ đầu vú lên môi trẻ. Trẻ sẽ cảm nhận được vị ngọt của sữa, sự mềm mại của đầu vú và tự động há miệng.

Nuôi con bằng sữa mẹ và cho con bú trực tiếp là trải nghiệm đáng nhớ với mẹ cũng như là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời dành cho trẻ. Tuy nhiên, sự thật là không phải trẻ nào cũng dễ dàng hợp tác. Có những trẻ gặp vấn đề trong việc ngậm bắt vú. Một số trẻ khác lại quen bú bình bỏ bú mẹ. Khi gặp phải tình huống này, bạn cần bình tĩnh xác định nguyên nhân và kiên nhẫn áp dụng 10 biện pháp mà SKV đã gợi ý cho bạn ở trên nhé!

Chủ đề:
Mẹ MunMẹ Mun
Mẹ Mun tốt nghiệp Cử nhân Văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã đang làm việc tại một nơi có rất rất nhiều sách kết hợp bán online một số dòng mỹ phẩm cũng như thực phẩm chức năng. Mẹ Mun mong muốn được chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của bản thân.

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form