BPA là gì? BPA free là gì? Tác hại đáng sợ của BPA
Một giáo sư sinh vật tại Mỹ nhận định rằng, cho trẻ bú bình sữa bằng nhựa chứa BPA cũng giống như cho uống thuốc tránh thai. Vậy BPA là gì? Và nó độc hại ra sao? Cùng Sức khỏe vàng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
BPA là gì? Bisphenol A là gì?
BPA là từ viết tắt của Bisphenol-A - một hóa chất nhân tạo dùng để sản xuất các sản phẩm như hộp đựng thức ăn trong tủ lạnh, bình nước, bình sữa trẻ em, đồ chơi, núm vú giả...
BPA còn tồn tại chủ yếu trong sơn epoxy. Đây là loại sơn bảo quản dùng để tráng bên trong các sản phẩm bằng nhựa và đồ hộp kim loại. Ngoài đồ gia dụng, bisphenol-A còn rất phổ biến trong các loại sơn tổng hợp. Đặc biệt là những loại dùng để sơn cửa, bàn ghế, tường nhà…
BPA Free là gì?
Bên cạnh BPA, chúng ta thường bắt gặp thuật ngữ BPA Free. Vậy BPA Free là gì? BPA Free là một thuật ngữ dùng để chỉ những sản phẩm không chứa BPA. Đây là những sản phẩm nhựa an toàn cho sức khỏe. Khi chọn mua các sản phẩm nhựa để đựng thức ăn, đồ uống, nên chọn sản phẩm có ghi chú BPA Free.
Tình trạng sử dụng BPA tại Việt Nam
Ở Việt Nam, BPA có mặt rất nhiều trong các loại đồ chơi trẻ em và đồ gia dụng làm từ nhựa như bát đĩa, cốc, cặp lồng, hộp, chai, lọ, thùng đựng đồ uống như sữa, bia, rượu…
Phần lớn đồ hộp bằng kim loại cũng được tráng sơn epoxy để bảo quản thức ăn. Ngoài đồ gia dụng, chất BPA được dùng rất phổ biến trong các loại sơn tổng hợp, đặc biệt là những loại dùng để sơn cửa, bàn ghế, tường nhà…
Hiện nay, BPA dùng tại Việt Nam được nhập khẩu từ nhiều nguồn và có chất lượng khác nhau. BPA càng rẻ tiền thì càng nhiều tạp chất và độc tính càng cao.
Vì vậy, để hạn chế rủi ro, người dùng nên lựa chọn những mặt hàng có tên tuổi và chất lượng. Không nên vì rẻ mà dùng những đồ không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường. Các trường học, mẫu giáo cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng nhựa khi mua sắm bát, đĩa, cốc nhựa và đồ chơi cho trẻ.
Các sản phẩm phổ biến tại Việt Nam chứa BPA bao gồm:
- Các sản phẩm đóng gói trong hộp nhựa.
- Bình sữa, núm ti, đồ chơi trẻ em...
- Đồ ăn đóng hộp
- Đồ gia dụng
- Sản phẩm vệ sinh dành cho phụ nữ
- Biên lai máy in nhiệt
- Đĩa CD và DVD
- Các đồ dùng điện tử
- Kính mắt
- Các thiết bị thể thao
- Chất dùng để trám răng.
Những tác hại đáng sợ của BPA
Tác động tiêu cực của BPA đối với trẻ nhỏ
- BPA là một chất cực độc với bộ phận sinh dục của bé. Nó khiến bộ phận sinh dục của bé sơ sinh phát triển không bình thường. BPA gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ của trẻ sơ sinh.
- Mẹ tiếp xúc nhiều với BPA sinh ra con nhẹ cân hơn bình thường.
- Trẻ nhỏ được sinh ra từ các bà mẹ có nồng độ BPA cao thường dễ bị kích động, lo âu hoặc trầm cảm.
- Tiếp xúc với BPA nhiều những năm đầu đời ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt và sự phát triển của các mô tuyến vú. Do đó, có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có tổ chức nào đưa ra con số cụ thể về việc dùng bao nhiêu BPA sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới cơ thể của trẻ.
BPA có thể gây vô sinh ở phụ nữ và nam giới
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, những phụ nữ thường xuyên bị sảy thai có lượng BPA trong máu cao gấp 3 lần so với những phụ nữ mang thai và sinh nở an toàn. Một nghiên cứu khác cho thấy, những phụ nữ có lượng BPA cao sẽ sản xuất ra ít trứng hơn và khó mang thai hơn gấp 2 lần.
Một nghiên cứu tiến hành trên các cặp vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm cho thấy, nam giới có lượng BPA cao sản xuất ra phôi chất lượng thấp hơn khoảng 30-46%. Ngoài ra, nam giới có lượng BPA cao sẽ có ít tinh trùng và chất lượng tinh trùng kém hơn từ 3-4 lần.
Công nhân nam làm việc trong các công ty sản xuất BPA ở Trung Quốc báo cáo lại rằng, họ khó xuất tinh hơn 4,5 lần và ít cảm thấy thỏa mãn trong đời sống tình dục hơn những nam giới khác.
Một số tác hại khác của BPA
- Béo phì: Những người có lượng BPA cao có nguy cơ béo phì cao hơn khoảng 50-85%.
- Đa nang buồng trứng: Lượng BPA ở những phụ nữ có buồng trứng đa nang thường cao hơn 46% so với những phụ nữ khỏe mạnh.
- Mang thai và sinh nở: Phụ nữ mang thai có lượng BPA cao thường nguy cơ sinh sớm cao hơn 91%.
- Hen suyễn: Mẹ tiếp xúc với BPA trước sinh, đặc biệt là ở tuần thứ 16 sẽ có nguy cơ sinh con bị hen suyễn tăng lên 130%. Trẻ tiếp xúc với BPA nhiều trong những năm đầu đời cũng là nguyên nhân dẫn đến thở khò khè sau này.
Tuy nhiên, tác hại của BPA vẫn còn nhiều tranh cãi. Các nhà nghiên cứu nhận định, cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để chứng minh rõ hơn những tác hại của BPA đối với cơ thể người.
Các biện pháp hữu hiệu phòng tránh tác hại của BPA
- Nói không với những sản phẩm nhựa như bình sữa, vật dụng đựng thức ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Tuyệt đối không dùng các sản phẩm nhựa đã bị mờ đục hoặc trầy xước bề mặt. Vì khi đó, chúng giải phóng nhiều chất BPA hơn so với các sản phẩm khác.
- Nên vệ sinh sản phẩm nhựa bằng tay thay vì dùng máy rửa bát. Đặc biệt, không được sử dụng các loại cọ để chà rửa bề mặt của sản phẩm. Việc làm nóng quá mức hoặc chà rửa mạnh sẽ gây trầy xước bề mặt bên trong của nhựa, làm rò rỉ một lượng lớn BPA.
- Chỉ tiệt trùng đồ nhựa khi thật sự cần thiết.
- Không cho các hộp nhựa chứa chất polycarbonate vào lò vi sóng. Theo thời gian, nó có thể bị phá vỡ cấu trúc khi sử dụng ở nhiệt độ cao, khiến BPA ngấm vào thức ăn.
- Lựa chọn những sản phẩm nhựa không chứa BPA. Nên dùng các sản phẩm nhựa được dán nhãn BPA free như nhựa PP (polypropylene) mềm, nhựa PES, PPSU. Các loại nhựa này rất an toàn với người sử dụng và cách nhiệt tốt.
- Nên dùng các chất liệu thay thế an toàn như thủy tinh hoặc thép không gỉ để đựng thực phẩm.
- Tránh sử dụng các sản phẩm đóng hộp, đặc biệt là hộp nhựa vì hầu hết các sản phẩm này đều được lót bằng nhựa có chứa BPA.
Không thể loại bỏ hoàn toàn BPA trong sản xuất đồ dùng nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế bằng cách sử dụng đồ nhựa ít hơn. Đặc biệt, khi lựa chọn bình sữa, núm ti hay đồ chơi cho con, mẹ nên lựa chọn các sản phẩm BPA Free để tránh những tác động xấu đến sức khỏe của trẻ.