Phương Pháp Thôi Miên Giúp Trẻ Ăn Ngon Thực Hư Ra Sao?
Biếng ăn ở trẻ em là vấn đề đau đầu của nhiều bậc phụ huynh. Các bố mẹ sẵn sàng mua men tiêu hóa, thay đổi thực đơn và thử mọi biện pháp để cải thiện tình hình ăn uống của trẻ. Dạo gần đây, một phương pháp mới nổi và được nhiều bố mẹ quan tâm chính là thôi miên giúp trẻ ăn ngon. Liệu phương pháp này có thực sự hiệu quả hay chỉ là chiêu cáo quảng cáo thu hút bố mẹ? Hãy cùng SKV “mổ xẻ” trong bài viết dưới đây.
Lời đồn về phương pháp thôi miên giúp trẻ ăn ngon
Phương pháp thôi miên được các bà mẹ truyền tai nhau là có khả năng cải thiện tình trạng kén ăn, giúp trẻ ăn ngoan và ngon miệng hơn. Nhiều bà mẹ lý luận phương pháp này dựa trên bộ môn khoa học lập trình ngôn ngữ và tư duy. Trong đó, các bậc phụ huynh sử dụng những câu nói chuẩn, giọng nói đúng để thay đổi tiềm thức và thói quen ăn uống của trẻ.
Phương pháp thôi miên có thực sự giúp trẻ ăn ngon?
Thôi miên hiệu quả với trẻ em nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được
Phương pháp thôi miên được chứng minh là có hiệu quả tốt với trẻ em bởi trẻ có sự tò mò và trí tưởng tượng tốt. Trẻ em dễ dàng chấp nhận, thậm chí yêu thích phương pháp này chứ không lo lắng, sợ hãi hay hoài nghi như người lớn. Thông thường, liệu pháp thôi miên được áp dụng với trẻ từ 4 tuổi trở lên. Đây là lứa tuổi đã biết lắng nghe, tuân thủ hướng dẫn cũng như có khả năng tập trung. Do đó, rất khó sử dụng phương pháp thôi miên để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ.
Để thực hiện phương pháp thôi miên, người dẫn dắt trẻ phải được đào tạo bài bản và có chứng chỉ quốc tế. Thôi miên là một phương pháp điều trị, giống như tư vấn tâm lý và dùng thuốc, tức là không phải ai cũng có thể thực hiện được. Vì vậy, thông tin bố mẹ có thể tự thực hiện thôi miên cho trẻ là hoàn toàn sai lầm và bóp méo sự thật về phương pháp hữu ích này.
Thôi miên cải thiện các rối loạn ăn uống nhưng không được thực hiện tại nhà
Phương pháp thôi miên đúng là được sử dụng để điều trị các rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần, hội chứng cuồng ăn… Tuy nhiên, liệu pháp này cần được thực hiện trong không gian riêng tư và yên tĩnh, thường là phòng khám tâm lý hoặc phòng trị liệu trong bệnh viện. Chắc chắn phương pháp này không thể thực hiện ngay trên bàn ăn trong chính ngôi nhà của bạn. Mỗi phiên thôi miên có thể kéo dài 50 – 80 phút chứ không phải vài phút ngắn ngủi trước mỗi bữa ăn.
Như vậy, rõ ràng lời quảng cáo thôi miên giúp trẻ ăn ngon miệng hoàn toàn sai lệch. Tự dẫn dắt trẻ bằng lời nói của bố mẹ không được gọi là thôi miên và cũng không được các chuyên gia y học công nhận là có khả năng cải thiện thói quen ăn uống của trẻ.
Hiểu đúng về liệu pháp thôi miên và biếng ăn ở trẻ em
Liệu pháp thôi miên ở trẻ em
Thông miên là phương pháp điều trị rất phổ biến tại các nước phát triển nhưng chưa được quan tâm tại Việt Nam. Liệu pháp thôi miên giúp trẻ tập trung cao độ vào bản thân để tự khám phá và thay đổi cảm xúc, suy nghĩ, hành vi cũng như các triệu chứng của cơ thể. Liệu pháp thôi miên giúp điều trị nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ như: lo âu, trầm cảm, các vấn đề về ăn uống, hành vi, rối loạn giấc ngủ, đái dầm…
Liệu pháp thôi miên được tiến hành bởi các bác sĩ hoặc nhà trị liệu có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản. Nhà thôi miên sẽ sử dụng câu chuyện, hình ảnh, các nhân vật quen thuộc hoặc trò chơi giả vờ để dẫn dắt trẻ. Một buổi thôi miên có thể diễn ra trong 50 - 80 phút. Thông thường, trẻ cần 4 – 12 tuần tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp này mới có hiệu quả.
Biếng ăn ở trẻ em
Biếng ăn ở trẻ em là tình trạng trẻ không chịu ăn hoặc ăn rất ít dẫn đến không có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ, bố mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân tại sao. Trẻ có thể biếng ăn do:
- Trẻ đang bị ốm hoặc vừa ốm dậy. Khi bị ốm, hệ tiêu hóa của trẻ thường bị ảnh hưởng, dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn.
- Trẻ bị căng thẳng và áp lực về tinh thần. Nguyên nhân này rất phổ biến ở trẻ lớn, khi trẻ gặp phải các vấn đề tâm lý liên quan đến gia đình, bạn bè và thầy cô.
- Trẻ bị ép ăn hoặc cho ăn liên tục. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ em. Bố mẹ thường sợ trẻ đói và thiếu chất dinh dưỡng nên liên tục thúc giục và ép buộc trẻ phải ăn nhiều, ăn hết khẩu phần. Lý do này khiến trẻ không được tự quyết định cảm giác no, đói cũng như hình thành hành vi chống đối ăn uống với bố mẹ.
Mọi đứa trẻ đều có thể biếng ăn ở các giai đoạn khác nhau trong những năm tháng đầu đời. Thay vì sốt sắng và hoảng sợ, bố mẹ hãy bình tĩnh đánh giá nguyên nhân, sau đó tìm cách khắc phục. Đừng lục sùng những bài thuốc quý, đừng tin vào phương pháp thôi miên giúp trẻ ăn ngon. Hãy là những ông bố, bà mẹ sáng suốt để con trẻ được sống khỏe mạnh và phát triển toàn diện nhé!