Trang chủ

Mẹ & Bé

Trẻ 3 tuổi biếng ăn suy dinh dưỡng – Mẹ phải làm sao?

Tham vấn y khoa:
Nguyễn Tiến Dũng
19/12/2022
Mẹ & Bé
trẻ 3 tuổi biếng ăn suy dinh dưỡng

“Trẻ nhà mình 3 tuổi mà biếng ăn, suy dinh dưỡng quá, mãi chưa được 10 kg. Hơn một năm nay, bé không tăng được lạng nào, cho dù mình liên tục mua thịt bò, hải sản và sữa nhập khẩu cho bé. Mình lo quá, không biết làm sao!”. Đó là tâm sự của một bà mẹ mới gửi về cho SKV. Nếu bạn cũng có chung tâm sự như vậy thì bài viết này chắc chắn sẽ có ích với bạn.

Thế nào là trẻ 3 tuổi biếng ăn suy dinh dưỡng?

Trước tiên, bố mẹ cần hiểu rõ thế nào là suy dinh dưỡng và con bạn có đúng là bị suy dinh dưỡng hay không. Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng, các chất đa lượng và vi lượng để đảm bảo tốc độ phát triển bình thường.

Bạn có thể nhận biết dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ em bằng các triệu chứng sau đây.

  • Trẻ không tăng cân, thậm chí còn sụt cân.
  • Vùng bắp tay gầy còm, không có lớp mỡ dưới da, sờ vào thấy nhẽo.
  • Vùng bụng lép xẹp, mất hết lớp mỡ dưới da bụng.
  • Các xương lồng ngực lộ rõ trên da.
  • Sắc mặt trẻ xanh xao, môi nhợt nhạt.
  • Tóc trẻ thưa, rụng nhiều
  • Trẻ ăn kém, không thích thú khi nhìn thấy đồ ăn và ăn không ngon miệng.
  • Trẻ thường xuyên bị tiêu chảy, đi ngoài phân sống.

Ngoài ra, bố mẹ có thể xác định chính xác trẻ có bị suy dinh dưỡng không bằng cách so sánh cân nặng của trẻ theo lứa tuổi. Cách làm rất đơn giản.

  • Bước 1: Bạn xác định tháng tuổi của trẻ. Ví dụ: trẻ sinh ngày 30/7/2018 thì tính tới nay, trẻ được 36 tháng.
  • Bước 2: Cân trẻ, tính theo đơn vị kilogram. Nên cân trẻ vào buổi sáng, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn sáng.
  • Bước 3: Tìm đúng bảng theo giới tính của trẻ. Trẻ nam có bảng riêng và trẻ nữ có bảng riêng.
  • Bước 4: Xác định vị trí tháng tuổi của trẻ ở cột ngang và cân nặng của trẻ ở cột dọc trong bảng.
  • Bước 5: Sử dụng đường gióng vuông góc từ vị trí tháng tuổi và cân nặng. Xác định điểm giao nhau giữa hai đường gióng. 

Sau khi xác định được giao điểm, bạn sẽ đọc hiểu kết quả theo hướng dẫn dưới đây:

  • Giao điểm nằm trong vùng màu xanh (từ 2 tới – 2): trẻ có cân nặng bình thường.
  • Giao điểm nằm trong vùng màu cam (từ -2 tới -3): trẻ bị suy dinh dưỡng vừa.
  • Giao điểm nằm trong vùng màu hồng (dưới mốc -3): trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.
Bảng đánh giá cân nặng theo tuổi ở trẻ trai
Bảng đánh giá cân nặng theo tuổi ở trẻ trai
Bảng đánh giá cân nặng theo tuổi ở trẻ gái
Bảng đánh giá cân nặng theo tuổi ở trẻ gái

Chăm sóc trẻ 3 tuổi biếng ăn suy dinh dưỡng

Chế độ ăn hợp lý cho trẻ 3 tuổi biếng ăn suy dinh dưỡng

Trẻ 3 tuổi khỏe mạnh đã có thể ăn cơm và thức ăn thành thạo cùng các thành viên trong gia đình. Trung bình, ở lứa tuổi này, trẻ sẽ ăn 3 bữa chính và 1 – 2 bữa phụ mỗi ngày. Tuy nhiên, trẻ 3 tuổi biếng ăn suy dinh dưỡng nên được ăn nhiều bữa hơn. Lý do là bởi hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động chưa tốt và trẻ thường ăn rất ít trong mỗi bữa. Do đó, thay vì ép trẻ ăn thật nhiều, bạn hãy chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày.

Bữa ăn cho trẻ 3 tuổi biếng ăn, suy dinh dưỡng cần có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, bao gồm: tinh bột (gạo, ngũ cốc), chất đạm (thịt, cá, trứng, hải sản…), chất béo (dầu, mỡ), vitamin, vi chất và chất xơ (hoa quả, rau xanh). Khi bắt đầu, bố mẹ có thể cho trẻ ăn cháo xen lẫn với cơm để đảm bảo có đủ chất dinh dưỡng cũng như hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ tốt hơn. Sau này, khi khả năng nhai nuốt của trẻ đã tốt, bạn có thể cho trẻ ăn cơm cùng thức ăn chung với gia đình.

Bạn cũng nên kết hợp cả sữa bột cao năng lượng cho trẻ. Sữa vừa cung cấp canxi, vitamin D và năng lượng vừa là thực phẩm dễ uống. Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung thêm vitamin và vi chất cho trẻ bằng hoa quả, rau xanh, sữa chua hoặc các chế phẩm đường uống.

Bữa ăn của trẻ 3 tuổi biếng ăn, suy dinh dưỡng cần cung cấp đầy đủ các nhóm chất đa lượng và vi lượng
Bữa ăn của trẻ 3 tuổi biếng ăn, suy dinh dưỡng cần cung cấp đầy đủ các nhóm chất đa lượng và vi lượng

Sau đây, SKV sẽ gợi ý cho bố mẹ một thực đơn mẫu phù hợp với trẻ 3 tuổi biếng ăn, suy dinh dưỡng theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

  • 7h: uống 200ml sữa bột cao năng lượng.
  • 9h: ăn hoa quả hoặc sữa chua theo nhu cầu của trẻ.
  • 11h: ăn 2 lưng bát cơm nát + 1 món mặn (50 g thịt hoặc 1 quả trứng hoặc cá, tôm…) + 100 g rau luộc hoặc xào + 1 món canh. Lưu ý, nên sử dụng tổng cộng 5g dầu hoặc mỡ khi chế biến các món ăn. 
  • 14h: ăn 200ml cháo. Nguyên liệu của cháo gồm: 30g gạo tẻ (khoảng 1 nắm tay) + 50g thịt/ cá/ tôm/ cua hoặc 1 quả trứng + 10ml dầu ăn (khoảng 2 thìa cà phê) + 20g rau xanh (khoảng 2 thìa cà phê).
  • 17h: ăn cơm giống bữa 11h.
  • 20h: 200ml cháo hoặc 1 bát con súp. Nguyên liệu của súp gồm: 100g khoai tây (khoảng 1 củ to) + 50g thịt gà/ lợn/ bò + 50g bắp cải + 5ml dầu ăn hoặc mỡ (khoảng 1 thìa cà phê).

Theo dõi sự phát triển của trẻ

Song song với việc điều chỉnh chế độ ăn, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ. Trung bình 1 tháng 1 lần, bạn hãy cân trẻ. Sau đó, ghi số liệu vào một cuốn sổ hoặc đánh dấu trên bảng theo dõi. Đường nối 2 điểm liên tiếp trong bảng theo dõi đi lên tức là có tiến triển tốt. Ngược lại, nếu đi thẳng hoặc đi xuống tức là trẻ vẫn chưa thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng.

Theo dõi cân nặng của trẻ 1 tháng/ lần
Theo dõi cân nặng của trẻ 1 tháng/ lần

Đưa trẻ đi khám

Bạn nên đưa trẻ 3 tuổi biếng ăn, suy dinh dưỡng đi khám trong 2 trường hợp. Thứ nhất, khi phát hiện trẻ suy dinh dưỡng nặng, tức là điểm giao giữa cân nặng và tuổi nằm trong vùng màu hồng (dưới mức -3). Đây là tình trạng suy dinh dưỡng nặng, có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nên cần được thăm khám và điều trị tại bệnh viện. 

Thứ hai, bạn nên đưa trẻ đi khám khi đã điều chỉnh chế độ ăn mà trẻ vẫn không tăng cân hoặc trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài (hơn 3 tháng liên tiếp). Lúc này, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ có thể do nguyên nhân bệnh lý. Do đó, bạn nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân cũng như tư vấn chế độ ăn phù hợp.

Trẻ 3 tuổi biếng ăn, suy dinh dưỡng là vấn đề sức khỏe thường gặp và khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ cần xây dựng và kiên nhẫn duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Ưu tiên cho trẻ ăn cháo, cơm, nhiều loại thức ăn kèm theo bổ sung vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, bố mẹ nên theo dõi cân nặng và đưa trẻ đi khám kịp thời với những trường hợp suy dinh dưỡng nặng hoặc kéo dài.

Chủ đề:
Mẹ MunMẹ Mun
Mẹ Mun tốt nghiệp Cử nhân Văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã đang làm việc tại một nơi có rất rất nhiều sách kết hợp bán online một số dòng mỹ phẩm cũng như thực phẩm chức năng. Mẹ Mun mong muốn được chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của bản thân.

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form