Trẻ Bị Rối Loạn Tiêu Hóa Biếng Ăn Mẹ Phải Làm Sao?
“Bé nhà mình ăn rất ít. Cứ mỗi khi tới bữa ăn là bé lại nôn ọe hoặc phản đối không chịu ăn. Mỗi bữa ăn đều kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ và như một trận chiến vậy. Bé cũng thường xuyên bị tiêu chảy và đi ngoài phân sống nữa”. Đó là chia sẻ của một bà mẹ với Mẹ Mun. Đây cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều bậc phụ huynh. Vì vậy, hôm nay, bạn hãy cùng chúng mình tìm hiểu về chủ đề phổ biến mang tên trẻ bị rối loạn tiêu hóa và biếng ăn nhé!
Thế nào là rối loạn tiêu hóa và biếng ăn?
Rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là hiện tượng cơ thể trẻ gặp vấn đề trong quá trình tiêu hóa thức ăn, biểu hiện bằng triệu chứng nôn trớ, tiêu chảy hoặc táo bón và đi ngoài phân sống. Ở trẻ lớn, có thể kèm theo dấu hiệu đau bụng.
Biếng ăn là gì?
Biếng ăn là tình trạng rất hay gặp ở trẻ em trong mọi lứa tuổi. Trẻ biếng ăn có biểu hiện ăn rất ít, không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối tất cả món ăn. Trẻ thường ngậm thức ăn trong miệng rất lâu, không chịu nhai và nuốt. Trẻ cũng có thể sợ hãi và chống đối việc ăn uống bằng cách ném, gạt đổ thức ăn hoặc chạy trốn, gào khóc khi tới bữa ăn. Một số trẻ còn có biểu hiện buồn nôn, nôn ọe mỗi khi nhìn thấy thức ăn.
Nguyên nhân khiến trẻ rối loạn tiêu hóa bị biếng ăn?
Có rất nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa biếng ăn. Vì sao lại như vậy? Liệu rối loạn tiêu hóa và biếng ăn có liên quan gì đến nhau không? Câu trả lời là có. Rối loạn tiêu hóa có thể dẫn tới biếng ăn và ngược lại biếng ăn làm nặng thêm tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ.
Trẻ em thường bị rối loạn tiêu hóa do hệ miễn dịch phát triển chưa hoàn thiện, sức đề kháng với vi sinh vật gây bệnh còn kém. Thêm nữa, trẻ chưa có khả năng giữ gìn vệ sinh cá nhân. Trẻ nhỏ hay bị nôn và tiêu chảy khi mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp. Ngược lại, nguyên nhân rối loạn tiêu hóa ở trẻ trên 6 tháng tuổi lại thường do thay đổi chế độ bú mẹ sang ăn dặm và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, nhung mao của ruột bị tổn thương, nhu động dạ dày cũng bị rối loạn. Các enzym tiêu hóa thức ăn từ tuyến nước bọt, dạ dày, tụy, gan, túi mật đều bị ảnh hưởng. Do đó, quá trình tiếp nhận, chuyển hóa và hấp thu chất dinh dưỡng đều gặp trục trặc. Khi đó, trẻ có biểu hiện mệt mỏi, chướng bụng, khó tiêu dẫn đến không muốn ăn và ăn không ngon miệng.
Khi xuất hiện tình trạng biếng ăn, nguồn chất dinh dưỡng trẻ hấp thu sẽ bị giảm đi hoặc không cân bằng giữa các nhóm chất. Các món ăn không tốt như đồ ngọt, thực phẩm chiên rán… thậm chí có thể làm tổn thương các vi nhung mao ở ruột nhiều hơn. Chính điều này đã khiến trẻ rơi vào vòng xoáy rối loạn tiêu hóa và biếng ăn nặng nề hơn.
Xem thêm:
Bé uống vitamin D3 bị lười ăn
Trẻ Biếng Ăn Có Phải Do Kém Hấp Thu Dinh Dưỡng Không?
Bố mẹ cần làm gì để trẻ hết bị rối loạn tiêu hóa và biếng ăn?
Không cho trẻ ăn dặm quá sớm
Các chuyên gia Nhi khoa khuyến cáo nên cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Sở dĩ như vậy vì đây là thời điểm bộ máy tiêu hóa của trẻ hoàn thiện và sẵn sàng xử lý thức ăn. Nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm thì cơ thể trẻ chưa có đủ enzym tiêu hóa, dẫn đến tổn thương đường ruột và xuất hiện tình trạng biếng ăn. Vì vậy, bố mẹ hãy cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó mới bắt đầu hành trình ăn dặm.
Xây dựng chế độ ăn hợp lý
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, bạn hãy hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm nhiều đường và dầu mỡ. Hai món ăn này vừa khiến trẻ đầy bụng, biếng ăn vừa gây tổn thương nặng thêm các vi nhung mao của ruột. Thay vào đó, bố mẹ hãy bổ sung rau xanh, hoa quả và các loại ngũ cốc vào chế độ ăn của trẻ. Đảm bảo nguồn thực phẩm tươi ngon, xanh sạch và an toàn cũng rất cần thiết.
Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được uống đủ nước. Uống nước không chỉ bù lại lượng nước mất đi qua phân và chất nôn mà còn giúp thức ăn dễ di chuyển trong đường ruột và hạn chế táo bón.
Đa dạng hóa thực đơn
Ăn phong phú nhiều loại thức ăn giúp trẻ làm quen, chấp nhận và yêu thích nhiều thực phẩm khác nhau. Bên cạnh đó, trẻ cũng được tiếp nhận nguồn dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ. Các giác quan của trẻ cũng phát triển tốt hơn khi được nếm và ngửi nhiều mùi vị khác nhau.
Hay vì chỉ ăn thịt bò vì nhiều protein và sắt, bạn hãy cho trẻ ăn đan xen thịt lợn, thịt gà, cá, hải sản. Thay vì chỉ ăn cháo thịt, bạn hãy cho trẻ ăn cả bún, phở hoặc bánh mì mềm. Để trẻ không bị ngán và ăn ngon miệng hơn, bạn hãy luân phiên thay đổi thành phần nguyên liệu và phương pháp chế biến nhé!
Rèn luyện thói quen ăn uống khoa học
Thay vì ăn liên tục nhiều bữa nhỏ trong ngày, bố mẹ hãy cho trẻ ăn theo giờ và cố định thời gian biểu. Cách này giúp các enzym của hệ tiêu hóa tự động bài tiết theo giờ cố định, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Trẻ cũng không bị quá no hay quá đói dẫn đến từ chối ăn hoặc ăn vặt nhiều đồ ngọt không có lợi cho sức khỏe.
Bố mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen tập trung ăn uống. Không xem vừa xem tivi, nghịch điện thoại hoặc đọc sách truyện trong khi ăn. Khi sự tập trung bị phân tán, trẻ không chú ý tới thức ăn và không cảm nhận được mùi vị của món ăn.
Với trẻ lớn, bạn cần nhắc nhở trẻ nhai kỹ. Nhai kỹ giúp nghiền thức ăn thành nhiều mảnh nhỏ và hòa trộn chúng với enzym trong nước bọt. Cách này giúp trẻ ăn ngon hơn đồng thời giảm bớt gánh nặng cho dạ dày.
Rối loạn tiêu hóa và biếng ăn là hai vấn đề sức khỏe không thể tránh khỏi ở trẻ em và là niềm trăn trở của mọi bậc phụ huynh. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa và biếng ăn không nhận đủ những chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần, dẫn đến thấp bé, nhẹ cân và suy giảm miễn dịch. Do đó, bạn cần xây dựng chế độ ăn hợp lý và thiết lập thói quen ăn uống khoa học để giải quyết dứt điểm tình trạng này.