Làm Gì Khi Bé 7 Tháng Rưỡi Biếng Ăn, Không Chịu Ăn Dặm?
Giai đoạn chuyển đổi từ bú mẹ sang ăn dặm là một bước nhảy lớn đối với trẻ em. Có trẻ làm quen và thích nghi với thức ăn đặc rất nhanh. Nhưng cũng có bé 7 tháng rưỡi rồi mà vẫn không chịu ăn dặm và rất biếng ăn. Làm cách nào để xử lý tình huống này? SKV sẽ mách cho bạn những bí quyết hiệu quả trong bài viết hôm nay.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé 7 tháng rưỡi
Chế độ dinh dưỡng của trẻ 7 tháng rưỡi gồm có sữa mẹ, sữa công thức và thức ăn dặm. Trong đó, sữa mẹ hoặc sữa công thức là nguồn dinh dưỡng chính.
Sau 6 tháng tuổi, bạn nên cho trẻ bú mẹ 5 – 6 lần mỗi ngày. Nuôi con bằng sữa mẹ càng lâu, trẻ càng nhận được nhiều lợi ích. Nếu bạn đủ sữa, không cần cho trẻ ăn thêm sữa công thức. Nhưng nếu trẻ ăn sữa bột từ nhỏ hoặc bạn muốn cho con cai sữa mẹ để tiện đi làm thì có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức. Lượng sữa công thức phù hợp với trẻ 7 tháng rưỡi là 120 – 240 ml/ lần, ngày 4 – 5 lần.
Khi chế biến món ăn dặm cho trẻ, bạn lựa chọn các loại thịt tươi ngon như thịt bò, gà, lợn, cá. Trứng, đậu phụ, đậu Hà Lan, đậu lăng cũng là nguồn protein thực vật chứa rất nhiều sắt. Nên hạn chế các loại thịt đã chế biến sẵn như xúc xích, dăm bông, thịt nguội vì chúng chứa nhiều muối. Bên cạnh đó, bát bột ăn dặm cho trẻ 7 tháng rưỡi chắc chắn không thể thiếu rau xanh và các sản phẩm tinh bột như gạo, mỳ, yến mạch. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung cho trẻ hoa quả, sữa chua, phô mai trong các bữa phụ.
Cách giúp trẻ 7 tháng rưỡi làm quen với thức ăn đặc
Dấu hiệu trẻ đã sẵn sàng làm quen với thức ăn đặc
Chắc chắn bạn đã quen thuộc với lời khuyên nên cho trẻ ăn dặm lúc 6 tháng tuổi. Nhưng thực chất đó chỉ là mốc thời gian tương đối vì mỗi trẻ có tốc độ phát triển khác nhau. Bạn có thể cho trẻ ăn dặm sớm hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào sự trẻ sẵn sàng của trẻ. Thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm phù hợp sẽ giúp trẻ chấp nhận ăn dặm dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đồng thời, trẻ cũng hấp thu được đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất cần thiết.
Vậy làm cách nào để chắc chắn con của bạn đã sẵn sàng đón nhận và nuốt thức ăn đặc? Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn nhận biết:
- Trẻ có thể ngồi dựa hoặc ngồi vững
- Cổ của trẻ cứng cáp, có thể quay lắc dễ dàng
- Trẻ có thể tự há miệng khi bạn đưa thìa thức ăn tới gần.
Giúp trẻ làm quen với thức ăn đặc
Trước tiên, bạn hãy cho trẻ làm quen với thức ăn đặc 1 lần/ ngày. Nếu ăn xong trẻ vẫn còn dấu hiệu đói, bạn có thể cho trẻ ăn thêm. Trẻ 7 tháng rưỡi nên ăn ít nhất 1 – 2 muỗng canh bột mỗi ngày và nhiều nhất là 8 – 12 muỗng. Những tuần tiếp theo, bạn hãy tăng dần khẩu phần trong 1 bữa ăn cùng như số bữa ăn dặm trong ngày. Thông thường, ở lứa tuổi 7 tháng, trẻ có thể ăn 3 bữa bột mỗi ngày.
Xem thêm:
- Bé Bú Bình Bỏ Bú Mẹ Phải Làm Sao?
- Trẻ Biếng Ăn Có Phải Do Kém Hấp Thu Dinh Dưỡng Không?
- Trẻ lười ăn dặm phải làm sao?
Bí quyết đối phó với bé 7 tháng rưỡi biếng ăn, không chịu ăn dặm
Những tháng ăn dặm đầu tiên có thể rất vui vẻ, hào hứng nhưng cũng có thể rất vất vả, mệt mỏi, đặc biệt với những trẻ lười ăn. Những bí quyết dưới đây sẽ giúp xử lý nhanh gọn tình trạng biếng ăn, không chịu ăn dặm ở bé 7 tháng rưỡi.
Hãy kiên nhẫn và bình tĩnh
Bạn cần nhớ nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ 7 tháng rưỡi là sữa. Cho trẻ ăn dặm chỉ là cách giúp trẻ làm quen với thức ăn chứ không phải để nhồi nhét thật nhiều năng lượng. Hơn nữa, trẻ cần thời gian thích nghi và chấp nhận thức ăn. Vì vậy, bạn đừng quá căng thẳng và lo lắng. Hãy giảm bớt sự lo âu của bản thân để không o ép con trẻ phải ăn thật nhiều, thật no, khiến trẻ sợ hãi và càng không chịu ăn.
Thấu hiểu tín hiệu no – đói của trẻ
Thay vì ép trẻ ăn hết mỗi bữa 1 bát bột, bạn hãy cho trẻ ăn theo nhu cầu. Một đứa trẻ đói sẽ rất hào hứng ăn, còn khi đã no, tất nhiên trẻ sẽ không chịu ăn tiếp. Vậy bạn chỉ cần cho trẻ ăn đúng thời điểm trẻ đói và ngừng lại khi dạ dày của trẻ đã đầy. Bạn có thể xác định tín hiệu đói của trẻ dựa vào những biểu hiện sau:
- Nghiêng đầu và thân mình về phía trước
- Với lấy thức ăn
- Liếm mép, mút môi hoặc ngón tay
- Mở miệng khi bạn đưa thìa hoặc thức ăn tới gần trẻ.
Ngược lại, đừng ép trẻ ăn thêm nếu trẻ:
- Quay đầu hoặc lắc đầu
- Mím mông, ngậm miệng khi bạn đưa thức ăn lại gần trẻ
- Lấy tay che miệng
- Khóc thét.
Thiết lập thói quen ăn uống khoa học cho trẻ
Bạn nên thiết lập thời gian ăn uống cố định cho trẻ, đặc biệt với những bé 7 tháng rưỡi không chịu ăn dặm. Bữa sáng lúc 7h, ăn trưa lúc 11h, bữa phụ buổi chiều lúc 15h và ăn tối lúc 18h chẳng hạn. Bạn cũng nên giới hạn thời gian trẻ ăn bữa chính trong khoảng 20 – 30 phút và bữa phụ là 10 – 15 phút. Nên cho trẻ ngồi ăn trên ghế chứ không ăn rong hoặc lăn lộn trên giường. Không bật tivi, không xem điện thoại và nghịch đồ chơi trong lúc ăn. Những thói quen ăn uống nghiêm túc này giúp trẻ tập trung cảm nhận mùi vị món ăn cũng như hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Kết hợp vị ngọt tự nhiên vào món ăn
Bản năng tự nhiên của mọi đứa trẻ là thích vị ngọt. Đó là lý do trẻ thích ăn xoài chín, dưa hấu và các loại bánh kẹo, bim bim. Bạn hãy lợi dụng đặc điểm này để chế biến những bữa bột hấp dẫn trẻ. Nhưng bạn tuyệt đối không được thêm đường khi nấu ăn cho trẻ nhé! Thay vào đó, hãy sử dụng nước ép táo, lê hoặc khoai lang. Nước ép hoa quả vừa giúp trẻ hấp thu sắt tốt hơn vừa tạo vị ngọt dịu tự nhiên cho món ăn. Khoai lang là loại củ vừa có chất xơ vừa giàu tinh bột lại dễ nghiền, dễ ăn, rất phù hợp với trẻ nhỏ.
Cho trẻ nếm thử nhiều hương vị mới
Cho trẻ nếm thử nhiều hương vị mới giúp vị giác và khứu giác của trẻ 7 tháng rưỡi phát triển. Đồng thời, trẻ cũng nhận được nguồn dinh dưỡng đa dạng từ các loại thực phẩm khác nhau. Nhưng quá trình cho trẻ làm quen với thức ăn mới không đơn giản, đặc biệt với bé biếng ăn, không chịu ăn dặm. Trẻ có thể nhăn mặt, lắc đầu hoặc nôn ọe, phun thức ăn phì phì. Tuy nhiên, hành động đó không phải lúc nào cũng có nghĩa là trẻ không thích mùi vị món ăn mới. Đó đơn giản chỉ là phản ứng đề phòng, tự vệ của trẻ với những thứ lạ lầm.
Lúc này, bạn đừng nên tiếp tục ép trẻ ăn hoặc không bao giờ nấu lại món đó cho trẻ nữa. Điều bạn nên làm là hãy nấu lại món đấy nhiều lần rồi đặt lên bàn cho trẻ nhìn thấy. Có thể những lần đầu trẻ không động đến nhưng dần dần, khi đã quen mắt, trẻ sẽ tò mò tự nếm thử đấy.
Chấp nhận bữa ăn lộn xộn
Trẻ 7 tháng rưỡi rất thích chạm vào đồ ăn hoặc muốn tự xúc ăn. Đây là cách trẻ học hỏi và khám phá những món ăn mới. Bạn nên tạo cơ hội cho trẻ được quan sát, sờ mó và tự nếm thử bát bột của mình. Đừng sợ bày bừa, bẩn thỉu và mất vệ sinh. Chỉ cần bạn rửa tay cho trẻ với xà phòng trước khi ăn, đeo cho trẻ một chiếc yếm rộng và vệ sinh các vật dụng ăn uống thật sạch là được. Đây thực sự là biện pháp tuyệt vời để chấm dứt tình trạng biếng ăn, không chịu ăn dặm ở bé 7 tháng rưỡi.
Tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn
Không khí vui vẻ không chỉ khiến tâm trạng trẻ háo hức, dễ dàng chấp nhận bữa ăn mà còn giảm bớt nỗi sợ thức ăn của trẻ. Bạn có thể sử dụng những chiếc bát, đĩa, cốc, thìa có màu sắc, hình in sặc sỡ, bắt mắt. Đồng thời nên trao đổi ánh mắt, nói chuyện vui vẻ trong bữa ăn với trẻ.
Bước sang giai đoạn ăn dặm, trẻ phải từ bỏ sự thoải mái, dễ dàng khi bú mẹ để tiếp nhận nguồn thức ăn đặc hơn, khó nuốt hơn. Bên cạnh đó, trẻ cũng phải bước vào một thế giới mới với bàn ăn, yếm, thìa, bát lạ lẫm. Đó là lý do quá trình cho trẻ ăn dặm không hề dễ dàng và có những bé 7 tháng rưỡi vẫn biếng ăn, không chịu ăn dặm. Dẫu vậy, điều quan trọng nhất bạn cần làm là kiên nhẫn cho trẻ thời gian thích nghi và tạo điều kiện để trẻ yêu thích thức ăn hơn.