#3 Giải Pháp Hiệu Quả Cho Tình Trạng Bé Chán Ăn Cháo
Trẻ bắt đầu ăn cháo từ lúc 8 – 9 tháng tuổi và duy trì tới 20 tháng trước khi bắt đầu ăn cơm. Trong 1 năm ăn cháo liên tục này, chắc chắn sẽ có lúc bé phản đối hoặc từ chối ăn. Phải làm sao khi bé chán ăn cháo đây? Bố mẹ hãy bỏ túi 3 bí quyết dưới đây của SKV để bình tĩnh và xử lý nhanh gọn tình huống này nhé!
Xem thêm: Hình ảnh trẻ biếng ăn
1. Thay đổi công thức chế biến giúp trẻ hết lười ăn cháo
Mỗi loại thịt, cá, rau củ có hàm lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Cà rốt, bí đỏ nhiều vitamin A, nấm, trứng chứa nhiều vitamin D, cá thu, cá hồi giàu omega-3, trong khi đó thịt bò và súp lơ lại có nhiều sắt. Liên tục thay đổi công thức nấu cháo vừa giúp trẻ tiếp nhận đủ các vi chất dinh dưỡng vừa cải thiện cảm giác ngon miệng.
SKV mời bạn tham khảo 5 món cháo ngon cho trẻ biếng ăn, mới lạ lại kích thích cảm giác thèm ăn cho bé cực kỳ đơn giản sau đây:
Cháo cá hồi
Cá hồi là loại cá giàu omega-3, rất tốt cho sự phát triển thị giác và não bộ của trẻ. Cá hồi rất thích hợp cho trẻ nhỏ vì dễ ăn và không có xương dăm. Ngoài ra, món cháo này còn có súp lơ, khoai tây cung cấp đủ đầy vitamin C và sắt.
Nguyên liệu: súp lơ trắng, khoai tây, yến mạch hoặc cơm, cá hồi, táo hoặc lê, dầu ăn.
Cách chế biến: bạn rửa sạch các loại nguyên liệu rồi thái miếng nhỏ. Cho súp lơ, khoai tây, cá hồi vào nồi cùng một chút nước, đun chín. Sau đó thêm cơm hoặc yến mạch và đun thêm vài phút. Khi cháo đã nguội bớt, bạn cho táo hoặc lê vào và dùng máy xay xay nhỏ. Cuối cùng, trộn đều cháo cùng một chút dầu ăn là món ăn đã hoàn thành.
Cháo sữa lê
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng thật ra món cháo sữa lê này cực kỳ dễ nấu, dễ ăn và rất bổ dưỡng. Canxi, sắt, vitamin B1, B6, chất xơ và các acid béo không bão hòa đều có đủ trong món ăn này. Bạn có thể sử dụng món cháo này làm bữa chính hoặc bữa phụ cho bé biếng ăn cháo.
Nguyên liệu đơn giản chỉ gồm 3 thành phần: sữa, yến mạch hoặc cơm, trái lê.
Cách chế biến: trước tiên, bạn cho sữa và yến mạch hoặc cơm vào nồi đun trong khoảng 3 – 5 phút. Sau đó cho lê vào đun cùng. Đợi cháo nguội thì dùng máy xay xay nhỏ. Bạn có thể cho trẻ từ 6 tháng tuổi tập ăn dặm bằng món cháo này. Với trẻ 8 – 9 tháng, bạn không cần xay nhỏ lê, chỉ cần mài nhỏ hoặc xay rối để trẻ tập nhai tốt hơn.
Cháo bí đỏ thịt băm
Bí đỏ rất giàu vitamin A lại có vị ngọt tự nhiên. Các loại thịt là nguồn cung cấp đạm và sắt rất tốt. Hơn nữa, nước táo sẽ giúp trẻ hấp thu sắt từ thịt tối ưu.
Nguyên liệu: bí đỏ, yến mạch hoặc cơm, thịt thăn lợn hoặc thịt gà, thịt bò, dầu ăn, nước táo.
Cách chế biến: bạn rửa sạch, thái lát bí đỏ và băm nhỏ thịt. Cho vào nồi bí đỏ, thịt và chút nước, đun chín. Tiếp đó cho thêm yến mạch hoặc cơm. Dùng thìa nghiền nát bí đỏ hoặc có thể dùng máy xay. Đợi cháo nguội bớt rồi thêm nước hoa quả và dầu ăn.
Cháo thịt lợn súp lơ xanh
Nếu bạn muốn bổ sung sắt cho trẻ, đừng bỏ qua món cháo bổ dưỡng này.
Nguyên liệu: đậu Hà Lan, súp lơ xanh, khoai tây, thịt lợn thăn, dầu ăn, nước táo ép.
Cách chế biến: sau khi rửa sạch và thái nhỏ nguyên liệu, bạn cho đậu Hà Lan, khoai tây, thịt lợn vào nồi và ninh cùng chút nước. Sau khi chín mềm, bạn xay nhỏ để thành hỗn hợp cháo. Khoai tây trong cháo sẽ cung cấp tinh bột cho trẻ nên bạn không cần dùng cơm. Trẻ trên 9 tháng thường thích nhai, vì vậy bạn không cần xay quá kỹ.
Cháo thịt bò khoai lang
Thêm một món cháo bổ sung vitamin C, kali cho trẻ lại rất thơm ngon và dễ nấu.
Nguyên liệu: bí ngòi, khoai lang, thịt bò xay, lê, dầu ăn.
Cách chế biến: đầu tiên, bạn cho thịt bò vào đun cùng chút nước, sau đó lần lượt cho khoai lang và bí ngòi vào. Khi đã gần chín, bạn bỏ lê vào đun cùng. Xay nhỏ cháo và thêm chút dầu ăn là món ăn đã sẵn sàng cho bé thưởng thức.
2. Giúp trẻ biếng ăn cháo hứng thú ăn cháo hơn
Không để trẻ vừa ăn vừa xem tivi
Rất nhiều bố mẹ có thói quen cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi. Cách này nghe có vẻ hiệu quả với trẻ biếng ăn cháo vì sẽ phân tán được sự chú ý của trẻ, từ đó bố mẹ có thể tranh thủ đút thìa cháo vào miệng. Tuy nhiên, trên phương diện khoa học, hành động này không có lợi cho sức khỏe của trẻ. Trẻ không tập trung ăn sẽ không cảm nhận được vị ngon của bát cháo cũng như không nhận biết được tín hiệu no bụng của dạ dày. Dần dần, thói quen này sẽ khiến trẻ phụ thuộc vào tivi, điện thoại, không yêu thích đồ ăn, biếng ăn cháo, thậm chí dẫn tới hành vi ăn uống không kiểm soát sau này.
Cho trẻ tự ăn
Một trong những cách rèn luyện thói quen độc lập ăn uống cho trẻ đồng thời giúp trẻ yêu thích bữa ăn hơn là cho trẻ tự khám phá đồ ăn. Với trẻ nhỏ, bạn hãy thoải mái cho trẻ chạm tay và tự liếm mút bát cháo của mình. Mặc dù cách này khiến bàn ăn giống như một bãi chiến trường nhưng lại là cơ hội tốt để trẻ tự cảm nhận mùi vị và phát triển xúc giác.
Khi trẻ khoảng 1 tuổi, bạn có thể cho trẻ cầm thìa để tự xúc ăn. Đừng lo sợ trẻ không đút chính xác cháo vào miệng vì chắc chắn trẻ không thể làm được điều này ngay. Nhưng qua nhiều lần thực hiện, trẻ sẽ biết cách cử động thuần thục, chuẩn xác hơn. Bé cũng cảm thấy bản thân được làm chủ bữa ăn nên hứng thú với đồ ăn hơn và chấm dứt tình trạng lười ăn cháo.
3. Các món ăn thay thế để trẻ không còn chán ăn cháo
Cho dù bạn liên tục thay đổi cách chế biến nhưng sự thật đó vẫn là cháo và trẻ thực sự có thể chán ngấy món ăn này rồi. Lúc này, bạn hãy “đổi gió” thực đơn bằng mì, miến, bún, phở hoặc ngũ cốc. Cách này không chỉ giúp trẻ hết lười ăn cháo mà còn cho trẻ cơ hội nếm thử nhiều loại thức ăn khác nhau. Bên cạnh đó, cơ nhai của trẻ cũng được phát triển tốt hơn.
Ngũ cốc là món ăn nhiều chất xơ và chất béo bổ dưỡng. Trộn ngũ cốc cùng sữa sẽ là bữa phụ tuyệt vời cho trẻ. Mì, miến, bún phở nấu cùng nước xương vừa mềm, vừa có nước lại có vị ngọt chắc chắn là món ăn yêu thích của nhiều trẻ em.
Không chỉ giúp trẻ hết lười ăn cháo, những lời khuyên hữu ích của SKV chắc chắn sẽ khiến bé yêu thích món ăn cần thiết này nhiều hơn. Ăn uống vừa đem lại nguồn dinh dưỡng cho cơ thể vừa là hành trình để trẻ tìm hiểu cuộc sống và phát triển các giác quan cũng như não bộ. Đây là điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần ghi nhớ để tránh xa và xóa bỏ tình trạng chán ăn cháo của trẻ.