Trang chủ

Mẹ & Bé

10 Cách Chăm Sóc Trẻ Biếng Ăn Suy Dinh Dưỡng

Tham vấn y khoa:
Nguyễn Tiến Dũng
30/3/2023
Mẹ & Bé
10 cách chăm sóc trẻ biếng ăn

Nuôi dưỡng một đứa trẻ vốn đã bộn bề nhiều lo toan. Chăm sóc trẻ biếng ăn và suy dinh dưỡng lại càng gian nan hơn gấp bội. Nhưng bạn đừng lo, đã có SKV ở bên giúp bạn. 10 cách chăm sóc dưới đây chắc chắn sẽ giúp các bậc phụ huynh khắc phục được tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng ở con trẻ. Đừng bỏ lỡ nhé!

Hậu quả khi trẻ biếng ăn

Biếng ăn khiến trẻ không tiếp nhận đủ nguồn năng lượng cần thiết, dẫn đến gầy còm, suy dinh dưỡng. Trẻ không có đủ protein, canxi và vitamin D nên cũng không thể đạt được tốc độ tăng trưởng chiều cao tối ưu. Do đó, trẻ biếng ăn thường suy dinh dưỡng và thấp bé hơn bạn bè.

Trẻ biếng ăn thường thấp bé, nhẹ cân và kém nhanh nhẹn so với bạn bè
Trẻ biếng ăn thường thấp bé, nhẹ cân và kém nhanh nhẹn so với bạn bè

Không chỉ ảnh hưởng tới thể chất, biếng ăn còn tác động xấu tới trí tuệ của trẻ. Trẻ cần các loại axit amin, omega-3, DHA để thúc đẩy não bộ phát triển, từ đó trở nên thông minh và nhanh nhẹn hơn. Trẻ biếng ăn chắc chắn không thể thu nhận đủ những chất này từ thức ăn.

Bên cạnh đó, trẻ biếng ăn còn có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm do thiếu các vi chất quan trọng. Trẻ thiếu vitamin D bị còi xương, thiếu sắt bị thiếu máu dinh dưỡng. Thiếu vitamin B dẫn đến bệnh lý Beri-beri còn thiếu vitamin C là nguyên nhân của căn bệnh Scurvy.

Nguyên tắc khi chăm sóc trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng

Nguyên tắc quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng mà tất cả các bậc phụ huynh cần nhớ là phải cung cấp đầy đủ năng lượng, chất dinh dưỡng cho trẻ. Trẻ cần ăn đủ 4 nhóm chất: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Khẩu phần ăn cần phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và cường độ vận động của trẻ.

Chăm sóc trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, cần đảm bảo bữa ăn có đủ 4 nhóm chất
Chăm sóc trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, cần đảm bảo bữa ăn có đủ 4 nhóm chất

Ban đầu, bạn nên cho trẻ ăn ít một để hệ tiêu hóa không bị quá tải. Giai đoạn này giúp trẻ lấy lại cảm giác ngon miệng và cơ thể bắt đầu phục hồi. Sau đó, khi trẻ ăn tốt hơn, bạn nên tăng dần khẩu phần ăn hoặc số bữa ăn trong ngày. Có như vậy trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng mới bắt kịp tốc độ tăng trưởng theo đúng lứa tuổi.

Xem thêm:
Bé uống vitamin D3 bị lười ăn có đúng không?
Trẻ Biếng Ăn Nên Bổ Sung Vitamin Gì?

10 cách chăm sóc trẻ biếng ăn hiệu quả

Chăm sóc trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng không hề dễ dàng. Quá trình này đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn, đầu tư thời gian, công sức để quan sát, thấu hiểu trẻ và thử nghiệm nhiều món ăn khác nhau. Tuy nhiên, tin tốt là bạn hoàn toàn có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chỉ cần tuân theo 10 cách chăm sóc trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng mà SKV hướng dẫn cho bạn dưới đây.

1. Đừng ép buộc trẻ phải ăn

Bạn cần hiểu và chấp nhận rằng biếng ăn là vấn đề rất phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi trẻ em trên khắp thế giới. Trẻ có thể ăn rất ít hoặc không chịu chấp nhận một loại thức ăn nào đó như rau, cá, hoa quả. Không sao cả, bạn đừng nóng giận và quá lo lắng mà ép buộc trẻ phải ăn. Sự ép buộc sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi thức ăn, từ đó càng biếng ăn nặng nề hơn. Thay vào đó, bạn nên nhẹ nhàng trò chuyện và động viên trẻ ăn nhiều hơn. Hãy để trẻ cảm thấy trẻ được yêu thương, tôn trọng và có quyền làm chủ bữa ăn của mình.

Không ép buộc trẻ ăn là biện pháp đầu tiên cần ghi nhớ khi chăm sóc trẻ biếng ăn
Không ép buộc trẻ ăn là biện pháp đầu tiên cần ghi nhớ khi chăm sóc trẻ biếng ăn

2. Cho trẻ làm quen với nhiều hương vị thức ăn khác nhau

Nhiều trẻ chỉ thích ăn bí đỏ chứ không chịu ăn rau ngót hoặc con chỉ đồng ý ăn trứng mà không chịu ăn thịt bò. Sở dĩ trẻ thường phản ứng mạnh mẽ với các món ăn lạ lẫm hoặc có hương vị mạnh vì trẻ cảm thấy khó chịu và không an toàn. Mùi tỏi, gừng ướp cùng thịt bò khiến trẻ cảm thấy cay, vị nhạt hoặc đắng của rau không khiến trẻ cảm thấy ngon miệng. 

Tuy nhiên, nếu bạn thuận theo ý trẻ, trẻ sẽ không có cơ hội làm quen và yêu thích những món ăn này. Giống như hồi nhỏ trẻ không thích ăn canh có hành thì sau này trẻ cũng sẽ gạt hết hành ra khỏi bát phở. Điều đúng đắn bạn cần làm là chế biến món ăn thật khéo léo. Ví dụ, để trẻ làm quen với món gà hầm cà ri, hôm nay bạn nên nấu với một ít bột gia vị và nước cốt dừa để tạo mùi thơm. Vài hôm sau, bạn hãy tăng dần lượng bột cà ri cho vào món ăn.

3. Đừng cho trẻ uống quá nhiều sữa

Nhiều trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng rất thích uống sữa vì sữa dễ nuốt, không cần phải nhai. Và đa phần các bậc phụ huynh cũng thường bổ sung nhiều sữa cho trẻ biếng ăn. Tuy nhiên cách này không thực sự có ích. Sữa chỉ là thực phẩm bổ sung chứ không phải nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ từ 1 tuổi trở lên. Càng cho trẻ uống nhiều sữa, trẻ càng no bụng và không hứng thú với thức ăn. Mặt khác, uống nhiều sữa ngăn cản trẻ tập nhai và nuốt. Hậu quả là sau này trẻ khó ăn cơm và thức ăn thô.

Uống nhiều sữa cản trở trẻ biếng ăn tập nhai và nuốt
Uống nhiều sữa cản trở trẻ biếng ăn tập nhai và nuốt

4. Tránh xa bánh kẹo ngọt

Yêu thích đồ ngọt là bản chất của mọi đứa trẻ. Nhưng sự thật là những món ăn ngọt ngào này sẽ khiến tình trạng biếng ăn của trẻ tồi tệ hơn. Bánh kẹo ngọt làm đầy dạ dày nhanh chóng nên trẻ không còn cảm giác đói bụng. Đó là lý do trẻ thường ăn ít hơn hoặc không chịu ăn cơm nếu đã ăn bánh kẹo trước đó. Để chăm sóc trẻ biếng ăn đúng cách, bạn cần hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc với đồ ngọt.

5. Chú ý đến kết cấu của món ăn

Hầu hết trẻ biếng ăn có cơ nhai kém phát triển hơn bạn bè đồng trang lứa. Trẻ thường không ăn được những thức ăn thô cứng như cà rốt luộc, xôi, ngũ cốc… Vì vậy, bạn nên chế biến những món ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt cho trẻ. Sau đó, khi trẻ đã quen, bạn có thể tăng dần độ thô trong món ăn để kích thích răng và cơ nhai của trẻ hoạt động tốt hơn.

6. Hãy để trẻ ngồi nghiêm túc trên ghế ăn

Cho trẻ xem tivi, điện thoại, nghịch đồ chơi trong lúc ăn có thể giúp bạn nhanh chóng, thuận lợi đút thìa cơm vào miệng trẻ biếng ăn. Nhưng về lâu về dài, cách chăm sóc này sẽ phản tác dụng. Không tập trung vào bữa ăn khiến trẻ không cảm nhận được hương vị món ăn và không có cảm giác ngon miệng. Vì vậy, bạn nên cho trẻ ngồi ăn nghiêm túc trên bàn và tuyệt đối không sử dụng thiết bị điện tử hoặc đồ chơi trong giờ ăn.

Nên cho trẻ ngồi ăn trên ghế và không sử dụng thiết bị điện tử trong giờ ăn
Nên cho trẻ ngồi ăn trên ghế và không sử dụng thiết bị điện tử trong giờ ăn

7. Cho trẻ chơi đùa với thức ăn

Cho trẻ tự bốc, tự xúc thức ăn rồi bôi be bét lên mặt, quần áo, bàn ghế ư? Thật mất vệ sinh và tốn công dọn dẹp quá đi. Nhưng đây thực sự là một cách chăm sóc hiệu quả với trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng. Trẻ cần tự cảm nhận màu sắc, độ mềm và mùi vị của món ăn trước khi nếm thử chúng. Tự bốc thức ăn chính là cách trẻ dùng để khám phá đồ ăn. Bên cạnh đó, cho trẻ tự lựa chọn món ăn cũng là trao cho trẻ cơ hội làm chủ cảm giác no đói, ngon miệng và bữa ăn của chính mình. Đừng ngại bừa bộn và bẩn thỉu mà tước đi cơ hội quý giá này của trẻ, bạn nhé!

8. Màu sắc món ăn rất quan trọng

Trẻ em ăn bằng mắt, thật sự đấy. Thị giác, khứu giác và vị giác của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Vì vậy, trẻ rất hứng thú và yêu thích những món ăn nhiều màu sắc. Bạn có thể sử dụng các loại rau màu xanh đậm như rau cải, súp lơ xanh để tạo màu xanh cho món ăn. Khoai lang tím, bắp cải tím sẽ tạo được màu tím hấp dẫn trẻ. Cà rốt, bí đỏ là trợ thủ đắc lực để bạn chế biến được món ăn màu cam không chỉ đẹp mắt mà còn rất bổ dưỡng.

9. Theo dõi định kỳ tốc độ tăng trưởng thể chất của trẻ

Khi chăm sóc trẻ biếng ăn và đặc biệt là trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, bạn cần thường xuyên theo dõi tốc độ tăng trưởng của trẻ. Bạn nên đo chiều cao, cân nặng cho trẻ 1 tháng/ lần và ghi lại vào một cuốn sổ để tiện theo dõi. Cách này giúp bạn đánh giá chỉ số nhân trắc của trẻ đã đạt tiêu chuẩn bình thường theo tuổi hay chưa. Từ đó, bạn dễ dàng điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp với trẻ.

Đo chiều cao, cân nặng 1 tháng/lần để đánh giá sự tăng trưởng thể chất của trẻ
Đo chiều cao, cân nặng 1 tháng/lần để đánh giá sự tăng trưởng thể chất của trẻ

10. Đưa trẻ đi khám kịp thời

Khi bạn đã áp dụng các biện pháp kể trên mà trẻ vẫn biếng ăn hoặc cân nặng, chiều cao không cải thiện, bạn cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Hoặc nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường của tình trạng thiếu máu (da xanh xao, thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ), thiếu vitamin D (lồng ngực ức gà, gù vẹo, xương cẳng chân cong) hoặc thiếu vitamin C (dễ bầm tím tay chân, hay chảy máu cam, thường xuyên ốm vặt)… thì bạn cũng cần đưa trẻ tới bệnh viện. Đây là những trường hợp biếng ăn nặng đã dẫn đến suy dinh dưỡng và thiếu hụt vi chất trầm trọng. Do đó, trẻ cần được theo dõi và điều trị tại bệnh viện để các bác sĩ can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của trẻ.

Biếng ăn là vấn đề dinh dưỡng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và đối tượng trẻ em. Dù trẻ đang ở giai đoạn sơ sinh bú mẹ hay đã bắt đầu ăn cháo, ăn cơm thì con bạn vẫn có thể bất ngờ chán ăn và không chịu ăn. Biếng ăn càng kéo dài và trầm trọng thì hậu quả càng nặng nề. Trẻ có thể suy dinh dưỡng, thấp bé, kém thông minh và mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Để xử lý dứt điểm vấn đề này, bố mẹ hãy áp dụng 10 cách chăm sóc trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng mà SKV đã liệt kê ở phía trên nhé!

Chủ đề:
Mẹ MunMẹ Mun
Mẹ Mun tốt nghiệp Cử nhân Văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã đang làm việc tại một nơi có rất rất nhiều sách kết hợp bán online một số dòng mỹ phẩm cũng như thực phẩm chức năng. Mẹ Mun mong muốn được chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của bản thân.

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form