7 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ 1 tuổi biếng ăn
“Con mình 1 tuổi mà bé biếng ăn quá, không hiểu vì sao”. Đó là thắc mắc và nỗi lo của rất nhiều ông bố bà mẹ đang nuôi con trong giai đoạn ăn dặm. Nguyên nhân nào khiến trẻ 1 tuổi biếng ăn? Liệu biếng ăn ở lứa tuổi này là bình thường hay do sức khỏe có vấn đề? Dưới đây là 7 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ 1 tuổi không chịu ăn.
1. Cho trẻ ăn dặm quá sớm
Cho trẻ ăn dặm quá sớm là nguyên nhân khiến trẻ 1 tuổi bị rối loạn tiêu hóa và biếng ăn kéo dài. Thời điểm bố mẹ nên bắt đầu cho trẻ làm quen với thức ăn là 6 tháng tuổi. Nếu bạn cho trẻ ăn dặm trước độ tuổi này, hệ enzyme trong đường tiêu hóa của trẻ vẫn chưa sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Lúc này, trẻ chẳng những không thể thu nhận chất dinh dưỡng từ thức ăn mà thức ăn dư thừa trong lòng ruột còn gây hại cho sức khỏe của trẻ. Trẻ sẽ bị chướng hơi, đầy bụng và tiêu chảy kéo dài. Nếu bố mẹ cứ tiếp tục cho trẻ ăn dặm, trẻ sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng và biếng ăn cho tới tận sau này.
2. Trẻ bị thiếu vi chất
Trẻ 1 tuổi biếng ăn có thể do thiếu hụt những vi chất quan trọng như kẽm, sắt và các loại vitamin. Kẽm đảm nhiệm vai trò tái tạo và đổi mới các tế bào trong cơ thể, trong đó có tế bào của đường tiêu hóa. Khi cơ thể thiếu kẽm, niêm mạc miệng của trẻ sẽ bị tổn thương, dẫn tới cảm giác chán ăn, không muốn ăn. Hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng nên trẻ thường xuyên tiêu chảy kéo dài. Đó là lý do khiến trẻ bị biếng ăn và càng biếng ăn thì cơ thể trẻ lại càng thiếu hụt vi chất.
Bên cạnh đó, thiếu sắt cũng là nguyên nhân khiến trẻ ăn không ngon miệng. Trẻ thiếu sắt thường thiếu máu nên luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải. Vì thế, trẻ không muốn ăn và không hứng thú với đồ ăn nữa.
3. Trẻ đang mọc răng
Mọc răng cũng là nguyên nhân gây biếng ăn phổ biến ở trẻ 1 tuổi. Trẻ bắt đầu mọc răng từ lúc 6 tháng tuổi. Một số trẻ có thể mọc răng muộn hơn, nhưng thường trước thời điểm 12 tháng. Khi được 1 tuổi, trẻ đã mọc được 4 – 8 chiếc răng sữa.
Khi mọc răng, trẻ thường rất khó chịu. Vùng lợi ở vị trí răng mọc sẽ ngứa và đau. Trẻ cũng chảy dãi rất nhiều. Một số trẻ thậm chí còn sốt, quấy khóc và bỏ ăn. Chính vì sự khó chịu này nên trong thời điểm trẻ mọc răng, bố mẹ thường thấy trẻ biếng ăn hơn, thậm chí không thiết tha với cả những món ăn hàng ngày trẻ rất yêu thích.
Tuy nhiên, bố mẹ không cần quá lo lắng với tình huống này. Hiện tượng biếng ăn do mọc răng ở trẻ 1 tuổi thường chỉ kéo dài vài ngày rồi sẽ giảm dần và tự chấm dứt. Sau khi răng mọc xong, trẻ sẽ ăn uống bình thường trở lại.
4. Ép trẻ ăn quá nhiều
Biếng ăn tâm lý là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề dinh dưỡng ở trẻ em. Sở dĩ gọi là biếng ăn tâm lý vì vấn đề này xuất phát từ việc trẻ sợ thức ăn do những sai lầm trong nuôi dưỡng của bố mẹ. Những trẻ này thường có biểu hiện hoảng sợ, gào khóc, chạy trốn khi ngửi thấy mùi hoặc nhìn thấy thức ăn. Trẻ không chịu há miệng khi bố mẹ đút thức ăn cho. Thậm chí, có trẻ còn ném bỏ hoặc hất đổ thức ăn.
Nguyên nhân biếng ăn tâm lý ở trẻ em là do bố mẹ ép trẻ ăn quá nhiều. Khi trẻ mới bước sang giai đoạn ăn dặm, trẻ thường ăn ít cháo bột vì chưa quen với chế độ ăn mới. Tuy nhiên, tâm lý của bố mẹ thường sợ trẻ đói nên cố gắng ép trẻ ăn thật nhiều. Mặc dù trẻ đã no và từ chối ăn tiếp, bố mẹ vẫn cố gắng đút thêm một vài thìa nữa. Một vài gia đình còn quát mắng khi trẻ không chịu ăn. Chính điều này đã khiến trẻ hoảng sợ, chán ghét đồ ăn và dần dần trở nên biếng ăn nặng hơn.
5. Trẻ ham chơi, không tập trung ăn
Bạn đã bao giờ thấy trẻ “dán mắt” vào chương trình quảng cáo trên tivi, bộ phim hoạt hình nhiều màu sắc trên điện thoại hay chiếc ô tô đồ chơi yêu thích của trẻ mà không chịu ăn chưa? Khả năng tập trung của trẻ nhỏ rất kém. Trẻ dễ bị phân tán bởi hình ảnh, màu sắc, âm thanh, dẫn đến không tập trung vào bữa ăn. Lúc này, thay vì chú tâm cảm nhận mùi vị và kết cấu của món ăn, trẻ lại chỉ hứng thú với đồ chơi và tivi. Dần dần, trẻ sẽ không còn cảm thấy yêu thích thức ăn nữa. Trẻ cũng không chịu ăn nếu bố mẹ không bật tivi hoặc đưa đồ chơi cho trẻ.
6. Cháo bột không phù hợp với khẩu vị của trẻ
Nguyên nhân biếng ăn ở trẻ 1 tuổi có thể xuất phát từ bữa ăn không phù hợp với khẩu vị của trẻ. Mỗi đứa trẻ có một sở thích ăn uống khác nhau và khác với người lớn. Có trẻ thích ăn bột mịn, có bé lại thích nhai nên rất hứng thú với cháo lợn cợn, có lẫn thịt và rau. Có bé thích ăn nhạt và hơi ngọt, có trẻ lại thích mùi thơm đậm đà, nhiều gia vị. Đó là lý do bạn nếm thử bát cháo thấy rất vừa miệng và thơm ngon nhưng trẻ lại không chịu ăn.
Vì vậy, thay vì nấu nướng theo sở thích của người lớn, bố mẹ hãy chú ý quan sát và dò tìm đúng khẩu vị của con. Từ đó, chế biến những bát cháo, tô bột thơm ngon, hấp dẫn theo đúng tiêu chuẩn của con nhé!
7. Thực đơn nhàm chán
Trẻ em cũng giống người lớn, thức ăn ngon miệng, đẹp mắt sẽ khiến trẻ hứng thú hơn. Thử tưởng tượng, nếu bạn phải ăn 3 bát cháo thịt bò bí đỏ trong cùng 1 ngày thì sẽ thế nào? Liệu bạn có còn cảm thấy ngon miệng không hay sẽ chán ngấy và chẳng muốn ăn nữa? Con trẻ cũng giống như vậy.
Đa dạng món ăn không chỉ giúp bé được nếm thử nhiều mùi vị thức ăn khác nhau, tăng cảm giác ngon miệng, giảm thiểu biếng ăn mà còn giúp trẻ nhận đủ nguồn dinh dưỡng phong phú, dồi dào.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng biếng ăn ở trẻ 1 tuổi. Trẻ có thể lười ăn do có vấn đề sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, đang mọc răng hoặc thiếu vi chất. Biếng ăn cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân tâm lý khi bố mẹ ép trẻ ăn quá nhiều. Ngoài ra, bữa ăn nhàm chán, không hợp khẩu vị với bé hoặc trẻ bị phân tâm cũng là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến biếng ăn ở trẻ 1 tuổi.
Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ 1 tuổi biếng ăn