#5 Sai Lầm Của Bố Mẹ Khiến Trẻ 12 - 16 Tháng Biếng Ăn
Bạn đã tham khảo nhiều sách, tìm hiểu rất nhiều thông tin về biếng ăn, nhưng chẳng hiểu sao trẻ vẫn rơi vào tình trạng biếng ăn. Câu trả lời có thể là do bạn vẫn chưa cho trẻ ăn đúng cách. Một vài phương pháp nuôi dưỡng tưởng vô hại nhưng lại là thủ phạm khiến tình trạng biếng ăn của trẻ bắt đầu và kéo dài, đặc biệt với lứa tuổi 12 – 16 tháng.
5 sai lầm của bố mẹ khiến trẻ 12 – 16 tháng biếng ăn
1. Cho trẻ xem tivi, nghịch điện thoại hoặc đồ chơi trong bữa ăn
Nhiều bố mẹ bật hoạt hình, quảng cáo cho trẻ xem trong lúc ăn. Một vài gia đình lại đồng ý để trẻ vừa ăn vừa nghịch ô tô, búp bê. Các bậc phụ huynh cho rằng phương pháp này rất có ích để phân tán sự chú ý của trẻ, từ đó dễ dàng đút thức ăn và trẻ cũng nhanh nuốt hơn.
Tuy nhiên, hành vi ăn uống này rất sai lầm. Bố mẹ không nên lợi dụng sự thiếu tập trung của trẻ để cho trẻ ăn. Khi trẻ chú ý đến màn hình, đồ chơi thay vì thức ăn, trẻ sẽ không nhận biết được mình đang ăn cháo hay bún, vị của món này ngọt hay chua, mềm hay cứng. Từ đó, vị giác và trí não của trẻ không có điều kiện phát triển. Trẻ cũng dần bị phụ thuộc vào đồ chơi và thiết bị điện tử. Nếu không có chúng, trẻ sẽ ăn vạ và không chịu ăn. Mặt khác, sự thiếu tập trung trong ăn uống khiến trẻ không cảm nhận được cảm giác no. Đây chính là nguồn cơn cho hành vi ăn uống không kiểm soát, dẫn đến thừa cân, béo phì sau này.
2. Cho trẻ ăn rong
Khung cảnh bố mẹ, ông bà dỗ trẻ ăn từ nhà ra đến đầu ngõ khá phổ biến ở nhiều gia đình. Trong đó, người thì gõ nồi, vỗ tay, người chỉ hoa, bày trò và người thì tranh thủ đút cháo lúc trẻ mất tập trung. Đây cũng là phương pháp phân tán sự tập trung để trẻ dễ dàng chấp nhận bữa ăn hơn. Tuy nhiên, giống như cho trẻ xem ti vi và chơi đồ chơi, phương pháp này sẽ càng khiến trẻ biếng ăn hơn.
3. Kéo dài thời gian bữa ăn
Có nhiều bậc phụ huynh thắc mắc với Suckhoevang rằng vì sao em không ép con ăn nhanh, ăn hết mà con vẫn bị biếng ăn. Đây chính là lời giải đáp và nguyên nhân phổ biến nhất. Thông thường bữa ăn của trẻ 12 – 16 tháng chỉ nên giới hạn trong 30 phút. Nếu bữa ăn kéo dài 40 – 60 phút, trẻ không còn hào hứng ăn. Mặt khác, giới hạn thời gian ăn sẽ giúp các enzym tiêu hóa của trẻ tiết ra dồi dào hơn, từ đó tăng cảm giác ngon miệng và quá trình hấp thu chất dinh dưỡng cũng hiệu quả hơn.
4. Nấu 1 nồi cháo cho 3 bữa trong ngày
Liên tục thay đổi công thức chế biến là biện pháp giúp trẻ không bị chán và biếng ăn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nấu sẵn một nồi cháo cho trẻ ăn nguyên ngày rồi hôm sau thay đổi thực đơn khác. Một ngày ăn 3 bữa cháo giống y xì nhau chắc chắn sẽ khiến trẻ phát chán và không chịu ăn.
Mặt khác, cháo nấu sẵn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt trong thời tiết nóng bức. Trẻ ăn phải cháo ôi thiu sẽ bị ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa rồi biếng ăn trầm trọng hơn. Cháo nấu sẵn và bảo quản trong tủ lạnh sau nhiều bữa cũng sẽ giảm bớt chất dinh dưỡng và độ thơm ngon.
5. Xay chung tất cả nguyên liệu thành cháo
Ăn dặm truyền thống là phương pháp được rất nhiều bậc phụ huynh yêu thích. Đơn giản chỉ cần lựa chọn một món đạm, một món rau rồi nấu chung với gạo và dầu ăn, sau đó xay nhỏ là xong. Tuy nhiên, lứa tuổi 12 – 16 tháng đã mọc răng, thường thích đồ ăn thô cứng. Nếu bạn nấu chung tất cả nguyên liệu và xay quá nhuyễn, trẻ sẽ không được tập nhai, từ đó gây khó khăn khi chuyển sang ăn cơm sau này.
Bên cạnh đó, việc trộn chung nguyên liệu sẽ kìm hãm trẻ 12 – 16 tháng làm quen với các loại thức ăn khác nhau. Trẻ không có cảm giác yêu thích, hứng thú với đồ ăn và càng biếng ăn nặng hơn.
Xem thêm:
Vì sao bé không tăng cân?
Trẻ Không Chịu Ăn Gì Cả Có Bất Thường Không?
Thực phẩm tốt nhất cho trẻ 12 – 16 tháng
Đây là 7 loại thực phẩm cần thiết cho trẻ 12 – 16 tháng, không chỉ giúp trẻ hết biếng ăn mà còn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng quan trọng cho trẻ.
Trái cây
Chuối, xoài, thanh long, dâu tây, kiwi, dưa hấu… là nguồn vitamin và chất xơ dồi dào. Trẻ rất thích những loại quả này vì chúng có vị ngọt, mềm và dễ ăn.
Ngũ cốc nguyên hạt
Thay vì cho trẻ ăn vặt bằng bánh kẹo, bạn hãy thử cho trẻ làm quen với các loại ngũ cốc. Trẻ 12 – 16 tháng rất thích nhai nên đây sẽ là món ăn yêu thích của trẻ đồng thời rất lành mạnh và bổ dưỡng.
Chất béo
Trẻ em cần chất béo để phát triển não bộ. Bạn đừng lo sợ dầu ăn sẽ khiến trẻ béo phì. Chỉ cần bạn sử dụng các loại dầu bổ dưỡng như dầu olive, dầu hướng dương, dầu đậu nành… với lượng vừa đủ là được.
Rau xanh
Có nhiều trẻ khi bắt đầu tập ăn cơm thì nhất quyết không chịu ăn rau. Nhưng rau lại là thực phẩm giàu chất xơ, khoáng chất và chắc chắn không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng của trẻ. Để hạn chế tình huống này xảy ra, bạn hãy tập cho trẻ ăn rau ngay từ giai đoạn 12 – 16 tháng. Bạn có thể xay rau cùng cháo hoặc luộc, hấp riêng để trẻ bốc ăn.
Thịt, hải sản, trứng
Đây là nguồn đạm dồi dào cho trẻ. Mặc dù nhiều loại rau củ chứa protein thực vật nhưng trẻ em vẫn rất cần nguồn đạm tiêu chuẩn từ động vật. Do đó, bạn đừng nên cắt giảm lượng thịt vì lo sợ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tương lai của trẻ.
Thực phẩm giàu sắt và vitamin C
Trẻ 12 – 16 tháng cần được bổ sung các thực phẩm giàu sắt để phòng chống thiếu máu dinh dưỡng. Kèm theo đó là các món ăn nhiều vitamin C để hỗ trợ cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Các loại rau xanh đậm, thịt đỏ, trái cây có vị chua nhẹ là sự kết hợp tuyệt vời dành cho trẻ.
Sữa
Sau 12 tháng, trẻ đã có thể cai sữa mẹ nhưng nếu bạn vẫn còn sữa thì nên duy trì cho trẻ bú. Bên cạnh đó, bạn có thể cho trẻ uống thêm sữa bột, ăn sữa chua và phô mai.
Cho trẻ ăn đúng cách để hết biếng ăn
Trẻ 12 – 16 tháng cần ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày. Bạn cần cho trẻ ăn đủ các nhóm chất để không bị thiếu dinh dưỡng. Mặc dù vậy, điều quan trọng nhất bạn cần ghi nhớ là không được ép trẻ ăn. Hãy cùng trẻ xây dựng thói quen ăn uống khoa học, không ăn vặt, ăn theo giờ, không sử dụng thiết bị điện tử và đồ chơi trong khi ăn. Tốt nhất bạn nên chế biến các món ăn khác nhau trong ngày để đảm bảo tươi ngon và dinh dưỡng.
Biếng ăn là vấn đề dinh dưỡng phổ biến ở trẻ 12 – 16 tháng. Đây là lứa tuổi đã bắt đầu ăn cháo và cần ăn thô dần để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn ăn cơm sau này. Vì thế, bố mẹ cần cho trẻ ăn đúng cách để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng biếng ăn. Hãy tránh xa 5 lầm tưởng về phương pháp nuôi dưỡng con ở trên để trẻ yêu thích và hợp tác ăn uống hơn nhé!