Trang chủ

Mẹ & Bé

Vì sao bé không tăng cân? 10 nguyên nhân phổ biến nhất

Tham vấn y khoa:
Nguyễn Tiến Dũng
11/1/2023
Mẹ & Bé
Tại sao bé không tăng cân

Lười ăn mà gầy còm, thấp bé đã đành, đằng này, bé ăn tốt, ngủ tốt mà vẫn chậm tăng cân? Vì sao lại như vậy? Tại sai bé không tăng cân? Liệu có phải trẻ có vấn đề gì về sức khỏe không? Nếu em bé của bạn cũng đang ở trong tình trạng này, nếu bạn cũng có chung thắc mắc như vậy thì bài viết này dành riêng cho bạn. Dưới đây, suckhoevang sẽ giải thích cho bạn 10 nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé chậm tăng cân.

1. Bú mẹ sai cách

Tại sao bé bú mẹ chậm tăng cân? Nguyên nhân hàng đầu là do bú mẹ sai cách. Nhiều bà mẹ cho con bú 12 – 15 cữ một ngày mà cân nặng của trẻ vẫn không xê dịch chút nào. Hiện tượng này khiến nhiều bà mẹ nghĩ rằng sữa mẹ không tốt và vội vàng cho con chuyển sang ăn sữa công thức.

Tuy nhiên, nguyên nhân không nằm ở chất lượng sữa mẹ mà là vì bạn chưa cho trẻ bú đúng cách. Tư thế nằm không thoải mái hoặc trẻ không ngậm hết được quầng vú của mẹ khiến bé không thể bú thuận lợi. Ngoài ra, bú lặt vặt vài hơi rồi nhả ra cũng là sai lầm phổ biến của nhiều bà mẹ. Trong những nhát bú đầu tiên, trẻ chỉ nhận được sữa đầu với thành phần chủ yếu là đường đơn. Phải sau vài phút, sữa mẹ giàu protein và chất béo mới xuất hiện. Đây mới là nguồn sữa dồi dào năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Xem thêm: trẻ sơ sinh lười bú chậm tăng cân phải làm sao?

2. Trẻ sinh non

Trẻ sinh non là những trẻ có tuổi thai dưới 37 tuần. Cơ thể của trẻ sinh non chưa phát triển hoàn thiện. Khả năng bút mút kém, thể tích dạ dày nhỏ, các enzym tiêu hóa cũng chưa hoạt động tốt. Do đó, trẻ đẻ non thường tăng trưởng chậm hơn những bé đồng trang lứa.

Mặt khác, trẻ sinh non thường phải đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử… Những vấn đề này càng góp phần cản trở cân nặng của bé phát triển.

Trẻ dưới 37 tuần thai thường non yếu, tiêu hóa kém và chậm tăng cân
Trẻ dưới 37 tuần thai thường non yếu, tiêu hóa kém và chậm tăng cân

3. Trẻ có dị tật bẩm sinh

Vì sao trẻ sơ sinh chậm tăng cân? Có thể do bé có dị tật bẩm sinh như: Hội chứng Down, sứt môi hở hàm ếch, tim bẩm sinh… đều là những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở trẻ em. Những hội chứng này không chỉ ảnh hưởng tới tuổi thọ, sức khỏe lâu dài của trẻ mà còn khiến trẻ gặp nhiều vấn đề liên quan đến dinh dưỡng. Chẳng hạn, trẻ sứt môi hở hàm ếch thường ăn uống khó, dễ bị sặc. Trẻ mắc tim bẩm sinh thường mệt mỏi, hay bị viêm phổi và biếng ăn. Vì vậy, những trẻ này thường gầy còm và chậm tăng cân.

4. Trẻ bất dung nạp lactose

Một lý do khác để trả lời cho câu hỏi vì sao trẻ sơ sinh chậm tăng cân là tình trạng bất dung nạp lactose. Lactose là loại đường đặc trưng của các loại sữa, trong đó có sữa mẹ và sữa công thức. Thông thường, cơ thể trẻ có một enzym đảm nhiệm vai trò cắt nhỏ phân tử đường này. Tuy nhiên, một số trẻ không có enzym này nên không thể tiêu hóa và hấp thu lactose từ sữa. Tình trạng này được gọi là bất dung nạp lactose. Hậu quả là những bé này bị tiêu chảy kéo dài ngay từ giai đoạn sơ sinh và không tăng cân mặc dù trẻ bú rất tốt.

5. Bữa ăn không đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng

Trẻ ăn tốt nhưng nếu bữa ăn chỉ toàn cơm chan nước rau luộc thì cũng không thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng phù hợp theo lứa tuổi. Những trẻ kén ăn, không chịu ăn thịt sẽ không có đủ chất đạm để xây dựng khung xương và cơ bắp. Nếu bữa ăn không có đủ chất béo thì não bộ của trẻ cũng không thể phát triển và hoạt động tốt. Do đó, trẻ em cần được cung cấp đầy đủ cách nhóm chất dinh dưỡng. Có như vậy, cơ thể mới có thể tăng trưởng khỏe mạnh và bình thường.

Bữa ăn không đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng là nguyên nhân phổ biến khiến bé chậm tăng cân
Bữa ăn không đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng là nguyên nhân phổ biến khiến bé chậm tăng cân

6. Trẻ ăn vặt quá nhiều

Nếu trẻ ăn nhiều, ăn liên tục nhưng chỉ ăn quà vặt mà bỏ qua các bữa chính thì cũng không thể cải thiện được cân nặng. Đây là nguyên nhân vì sao bé chậm tăng cân mà nhiều bố mẹ thường bỏ sót.

Đồ ăn vặt như bim bim, bánh kẹo, nước ngọt chủ yếu chỉ chứa đường và muối. Những chất nhanh chóng lấp đầy dạ dày của trẻ và khiến trẻ nhanh no. Đó là lý do tại sao trẻ ăn quà vặt nhiều thường không chịu ăn cơm. Những trẻ này sẽ không có đủ các chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất nên cơ thể không thể phát triển tốt.

7. Trẻ bị ốm kéo dài

Nếu trẻ bị viêm tai giữa, viêm phổi nhiều lần liên tiếp hoặc mắc tiêu chảy kéo dài thì dù ăn tốt đến mấy, trẻ cũng không thể tăng cân được. Bởi lẽ, khi bị ốm, cơ thể tiêu hao rất nhiều năng lượng để kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, giúp trẻ chống chọi lại bệnh tật. Hơn nữa, trong thời gian bị ốm, hệ tiêu hóa của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Trẻ sẽ ăn ít đi, dạ dày và ruột kém hấp thu thức ăn hơn.

Bị ốm kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa và không tăng cân
Bị ốm kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa và không tăng cân
Xem thêm: Trẻ biếng ăn sau ốm phải làm sao?

8. Cơ thể thiếu vi chất

Hậu quả của tình trạng ăn vặt quá nhiều, bữa ăn không cân bằng dinh dưỡng hoặc trẻ bị ốm kéo dài là cơ thể thiếu hụt nhiều vi chất quan trọng. Ví dụ như sắt, kẽm, đồng, mangan, vitamin A, B, C, D… Những vi chất này tuy chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu hụt, trẻ không thể phát triển tốt được.

Cụ thể, niêm mạc ruột cần kẽm và vitamin B để tái tạo lớp tế bào mới, khỏe mạnh, từ đó hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng. Các vi chất cũng góp phần thúc đẩy cảm giác ngon miệng của bé. Ngoài ra, sắt, vitamin A, C, D còn đảm bảo trẻ có hệ miễn dịch tốt, tạo tiền đề thuận lợi để bé bắt kịp tốc độ tăng trưởng bình thường.

9. Không tẩy giun thường xuyên

Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm giun sán vì thói quen hay đưa tay, chân hoặc đồ chơi lên miệng. Ngoài ra, các bé cũng chưa chú ý và tuân thủ nghiêm túc vệ sinh tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Do đó, giun sán rất dễ xâm chiếm và gây hại cho đường ruột của trẻ.

Giun sán kí sinh tại ruột sẽ tranh cướp thức ăn, khiến trẻ không thu nhận đủ các chất dinh dưỡng mặc dù trẻ ăn rất nhiều. Mặt khác, các vi sinh vật gây hại này cũng làm tổn thương niêm mạc ruột, gây chảy máu âm ỉ, kéo dài. Từ đó, trẻ càng khiến trẻ dưỡng chất và không thể tăng cân.

Tại sao trẻ chậm tăng cân? Rất có thể vì bé đang nhiễm giun sán đường ruột
Tại sao trẻ chậm tăng cân? Rất có thể vì bé đang nhiễm giun sán đường ruột

10. Trẻ có vấn đề về tâm lý

Bên cạnh những nguyên nhân liên quan đến sức khỏe thể chất và sai lầm trong chế độ dinh dưỡng, các vấn đề về tâm lý cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em. Trẻ có thể cảm thấy buồn bã, tức giận khi có xích mích với bạn bè, anh chị em trong gia đình, kết quả học tập không tốt hoặc thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau.

Tâm trạng buồn chán, sợ hãi, thất vọng không chỉ khiến trẻ ăn không ngon miệng mà còn đẩy cơ thể trẻ vào trạng thái căng thẳng liên tục. Trong trạng thái ấy, nguồn năng lượng của trẻ luôn bị tiêu hao tối đa, dẫn tới không còn đủ các chất dinh dưỡng để thúc đẩy cơ thể phát triển nữa. Do đó, trẻ cứ mãi gầy còm, thấp bé và ốm yếu.

Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho câu hỏi “Tại sao bé không tăng cân?”. May mắn là chỉ có một số ít nguyên nhân không thể thay đổi được như trẻ sinh non, bé mắc các dị tật bẩm sinh. Còn lại, bố mẹ hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng chậm tăng cân ở trẻ bằng cách kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Ví dụ như thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp, cho trẻ ăn, bú đúng cách, bổ sung các vi chất cần thiết hoặc đưa trẻ đi khám để điều trị dứt điểm bệnh lý của trẻ…

Chủ đề:
Mẹ MunMẹ Mun
Mẹ Mun tốt nghiệp Cử nhân Văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã đang làm việc tại một nơi có rất rất nhiều sách kết hợp bán online một số dòng mỹ phẩm cũng như thực phẩm chức năng. Mẹ Mun mong muốn được chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của bản thân.

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form