Bé Không Chịu Ăn Gì Sau Khi Ốm Dậy Mẹ Phải Làm Sao?
Sau một trận ốm, cơ thể trẻ thường suy nhược, hệ miễn dịch còn kém khiến trẻ thường xuyên mỏi mệt, vị giác bị ảnh hưởng dẫn đến trẻ thường biếng ăn. Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài mà không cải thiện có thể khiến trẻ thiếu hụt chất dinh dưỡng từ đó kém phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Vậy đâu là giải pháp cho trẻ biếng ăn sau ốm?
Xem thêm: Bé Lười Ăn Sau Khi Uống Kháng Sinh?
Vì sao trẻ thường biếng ăn sau khi ốm dậy?
Chưa kịp vui mừng vì bé nhà mình vừa khỏi ốm thì cha mẹ đã phải đối mặt với nguy cơ “phiền phức” không kém đó là tình trạng bé biếng ăn sau khi ốm dậy, thậm chí là ngay cả khi bé đang ốm. Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng trẻ ốm không chịu ăn?
Bé chưa khỏi bệnh
Nếu bé bị biếng ăn sau một đợt sốt, rất có khả năng đây là biểu hiện của việc bé vẫn chưa khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó, việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm là không phải khắc phục tình trạng biếng ăn của trẻ mà là đưa con đi khám tại các cơ sở y tế để chẩn đoán xem bé có còn bệnh hay không. Chỉ khi điều trị được các bệnh lý một cách triệt để thì con mới có thể ăn ngon trở lại.
Ảnh hưởng từ bệnh mà bé mắc phải
Khi bé đang ốm hoặc sau khi ốm dậy, cơ thể đã phải sử dụng rất nhiều năng lượng để giúp bé chống lại bệnh tật. Do đó, bé sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, từ đó không còn cảm giác muốn ăn nữa.
Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột
Trong quá trình điều trị bệnh, có thể các bác sĩ đã kê đơn cho bé các loại thuốc chữa bệnh, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh có thể giúp tiêu diệt những loại vi khuẩn có hại nhưng đồng thời cũng tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Từ đó gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ. Do đó, dẫn đến tình trạng bé ốm không chịu ăn.
Cách chăm sóc trẻ biếng ăn sau ốm
Trẻ bị ốm cơ thể đã tiêu hao quá nhiều năng lượng, nếu như cha mẹ để bé biếng ăn sau ốm trong một thời gian dài thì trẻ sẽ thiếu dinh dưỡng một cách trầm trọng, từ đó không thể phát triển một cách toàn diện được nữa. Khi trẻ biếng ăn hay ốm vặt sau ốm, cha mẹ hãy chăm sóc cho bé đúng cách để bé có thể mau chóng khỏi bệnh và không còn biếng ăn nữa:
Chế độ dinh dưỡng
Tăng cường bổ sung chất lỏng cho bé
Việc quan trọng nhất để giúp bé hồi phục sau ốm đó là cần tăng cường bổ sung chất lỏng cho bé để bù lại lượng nước đã mất khi bé bị sốt, tiêu chảy…v..v.. Với trẻ bú sữa hoàn toàn, hãy tăng cường lượng chất lỏng cho bé bằng cách cho bé bú nhiều hơn. Sữa chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cũng giúp bé bổ sung thêm dưỡng chất và nhanh hồi phục. Với trẻ nhỏ và trẻ lớn, ngoài nước lọc và sữa, cha mẹ cũng có thể cho bé uống thêm các loại nước ép trái cây để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nhưng lưu ý là mẹ nên hạn chế cho thêm quá nhiều đường vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh nhé.
Chia nhỏ bữa ăn
Thông thường, trẻ khỏe mạnh sẽ ăn 3 bữa chính kèm theo các bữa phụ. Tuy nhiên, với trẻ ốm biếng ăn thì mẹ nên chia nhỏ bữa ăn hàng ngày thành 4 đến 5 bữa. Lượng thức ăn mỗi bữa sẽ ít hơn nhưng thường xuyên hơn. Biện pháp này giúp bé có thể ăn hết khẩu phần và đỡ “sợ hãi” với mỗi bữa ăn, giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.
Cho bé ăn những thực phẩm dễ tiêu
Đây là nguyên tắc hàng đầu khi trẻ ốm dậy biếng ăn. Khi bé ốm, hệ tiêu hóa của bé không ổn định, bé cũng mất cảm giác thèm ăn, ăn không ngon miệng nên cha mẹ cần chuẩn bị cho bé những thức ăn dễ tiêu hóa, không nên cho bé ăn các thức ăn quá khó nuốt, quá cứng hay quá khô… Những món ăn như súp, cháo… giàu dinh dưỡng là những lựa chọn hàng đầu giúp bé dễ ăn, dễ tiêu, lại nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Tăng cường những thực phẩm giàu dinh dưỡng
Khi bé bị ốm, cần tăng cường cho bé ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng để bù đắp lại những dưỡng chất đã hao hụt. Khi đó mẹ nên bổ sung vào chế độ ăn của bé những thức ăn giàu đạm, giàu dinh dưỡng như thịt, cá, hải sản, trứng…cùng các loại rau, củ quả giàu vitamin và khoáng chất để bé mau chóng hồi phục.
Xem thêm: Thực Đơn Cho Trẻ 1-2 Tuổi Lười Ăn
Cho bé ăn những món bé thích
Vì bé bị ốm không chịu ăn nên cha mẹ nên cho bé ăn những món mà bé thích, như thế sẽ giúp bé có hứng thú hơn với bữa ăn, do đó sẽ ăn được nhiều hơn. Tuy nhiên, cho bé ăn theo sở thích nhưng cha mẹ cũng cần phải có chọn lọc, không phải món nào cũng có thể cho bé ăn “vô tội vạ” được, ví dụ như đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán khó tiêu, nước ngọt nhiều đường, có gas. Hãy lựa chọn những thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe nhưng vẫn phù hợp với sở thích của bé nhé.
Chế độ sinh hoạt
Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ
Nghỉ ngơi đầy đủ là điều kiện để giúp bé mau chóng hồi phục sau bệnh. Sau khi hồi phục hoàn toàn bé sẽ dễ dàng ăn uống ngon miệng trở lại hơn. Vì thế, hãy hạn chế cho bé nô đùa, nghịch ngợm quá nhiều trong khi ốm nhé.
Đảm bảo bé ngủ đủ giấc
Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe của trẻ sau ốm. Vì thế, hãy đảm bảo bé ngủ đúng giờ và đủ giấc để hồi phục nhanh hơn.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ hay ốm vặt biếng ăn
Tuyệt đối không ép trẻ ăn và ép buộc trẻ ăn theo đúng ý bố mẹ. Vì điều đó không chỉ khiến trẻ càng không muốn ăn mà còn khiến bé mệt mỏi hơn.
Bé ốm không có nghĩa là cho ăn vào bất kỳ lúc nào cũng được. Hãy cho bé ăn đúng bữa, đúng cữ mà cha mẹ đã đặt ra để hạn chế thói quen xấu cho trẻ cũng như ảnh hưởng đến những bữa ăn khác.
Xem thêm: Bé Lười Ăn Suy Dinh Dưỡng Phải Làm Sao?
Lời kết
Trên đây là các giải pháp cho trẻ biếng ăn sau ốm mà cha mẹ có thể tham khảo. Chỉ cần áp dụng các biện pháp trên trẻ sẽ có cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên nếu trẻ vẫn biếng ăn, lười ăn sau ốm, rất có thể trẻ đang gặp các vấn đề về sức khỏe khác. Khi đó cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác nhất. Từ đó có cách điều trị cho phù hợp nhé.