Trẻ Không Chịu Ăn Gì Cả Có Bất Thường Không?
Bố mẹ thường rất hoảng sợ và lo lắng khi trẻ không chịu ăn gì cả. Liệu đây có phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng không? Nguyên nhân do đâu? Hãy cùng SKV tìm hiểu ngay thôi.
Trẻ không ăn do đang mọc răng
Trẻ mọc răng biếng ăn là hiện tượng sinh lý bình thường và là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ đột ngột bỏ ăn trong giai đoạn 6 – 20 tháng tuổi. Mọc răng khiến lợi của trẻ sưng đau, khó chịu nên trẻ thường không chịu ăn gì cả. Bên cạnh đó, trẻ có thể sốt, quấy khóc và chảy nhiều nước dãi.
Trẻ bỏ ăn do nguyên nhân tâm lý
Biếng ăn tâm lý
Khởi đầu, trẻ có thể ăn ít hơn một chút so với bạn bè hoặc tiêu chuẩn theo tuổi. Sau đó, bố mẹ lo lắng và tìm cách thúc ép trẻ ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi, thậm chí trẻ còn lười ăn hơn hẳn trước đây.
Nguyên nhân của tình trạng này chính là trẻ biếng ăn tâm lý. Khi bị bố mẹ quát mắng, ép buộc, trẻ sẽ sợ hãi đồ ăn thay vì yêu thích và cảm thấy ngon miệng. Nhiều trẻ có biểu hiện buồn nôn và nôn khi nhìn hoặc ngửi mùi thức ăn. Một số trẻ lại hình thành hành vi chống đối. Không chịu ăn gì cả chính là sự phản kháng của trẻ đối với bố mẹ.
Sang chấn tâm lý
Một số trẻ đột ngột bỏ ăn khi phải đối diện với các sang chấn tâm lý. Nguyên nhân này đặc biệt quan trọng khi cuộc sống của trẻ có sự thay đổi. Ví dụ, trẻ lạ lẫm thầy cô, bạn bè khi bắt đầu đi học mẫu giáo. Hoặc khi vào lớp 1, trẻ chưa thích nghi được với bài vở và kiến thức. Một số trẻ lại bị trêu chọc, bắt nạt tại trường lớp. Các sự kiện đặc biệt trong gia đình như cãi nhau với anh chị em, bố mẹ xích mích, mẹ mới sinh em bé… cũng có thể ảnh hưởng tới tinh thần của trẻ. Những vấn đề tâm lý này sẽ khiến trẻ lo lắng, buồn bã dẫn đến bỏ ăn.
Các bệnh lý khiến trẻ không chịu ăn
Bên cạnh nguyên nhân tâm lý, tình trạng bỏ ăn có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ 0 – 2 tháng tuổi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bỏ bú là một trong những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ 0 – 2 tháng tuổi. Sở dĩ như vậy vì ở trẻ nhỏ, triệu chứng bệnh lý thường mơ hồ, mang tính toàn thân và ít khu trú. Trẻ bỏ bú đồng nghĩa với việc bệnh rất nặng và có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp
Trẻ bị viêm tai giữa, viêm họng, viêm phổi thường có không chịu ăn hoặc ăn rất ít. Lý do là bởi họng trẻ đau rát, khô miệng, khó nuốt. Kèm theo đó, sốt cao và ho quá nhiều khiến trẻ mệt mỏi.
Xem thêm: Trẻ Bị Đau Họng Không Chịu Ăn Mẹ Phải Làm Sao?
Rối loạn tiêu hóa kéo dài
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường kém ăn, kèm theo thường xuyên nôn trớ và tiêu chảy. Lúc này, các enzym tiêu hóa giảm hoạt động, cộng thêm hệ vi sinh đường ruột cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, trẻ thường có cảm giác đầy bụng, khó tiêu và không muốn ăn.
Thiếu vi chất dinh dưỡng
Biếng ăn gây thiếu vi chất và ngược lại không được cung cấp đủ dinh dưỡng khiến trẻ càng không chịu ăn. Trong thời kỳ bào thai, nếu mẹ không bổ sung đầy đủ canxi, sắt, kẽm và các loại vitamin, thai nhi sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng. Sau khi ra đời, trẻ thường lười bú kém hoặc đột ngột bỏ bú. Trẻ lớn tiếp nhận chế độ ăn không hợp lý có thể bị thiếu hụt các vi chất quan trọng, dẫn đến biếng ăn ngày càng nặng nề.
Xem thêm: Trẻ Biếng Ăn Thiếu Chất Gì? Nên Bổ Sung Như Thế Nào?
Thiếu máu
Trẻ bỏ ăn có thể là biểu hiện của bệnh lý thiếu máu ở trẻ em. Nguyên nhân thường do thiếu sắt, nhiễm giun, các bệnh lý bẩm sinh hoặc ác tính. Trẻ thiếu máu thường có da xanh xao, môi và lòng bàn tay nhợt nhạt, thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ và kém tập trung.
Nhiễm giun
Nhiễm giun cũng là lý do thường gặp khiến trẻ không chịu ăn, đặc biệt với lứa tuổi mẫu giáo và học đường. Giai đoạn này trẻ bắt đầu tiếp nhận nguồn thức ăn ở trường lớp và hàng quán ăn vặt. Giun ký sinh trong đường ruột gây tổn thương hệ tiêu hóa đồng thời lấy mất chất dinh dưỡng khiến trẻ thiếu hụt nhiều vi chất quan trọng.
Mặt khác, một số loài giun như giun tóc, giun móc, giun mỏ còn bám dính và hút máu từ niêm mạc ruột khiến trẻ bị xuất huyết và thiếu máu kéo dài. Chính những lý do này khiến trẻ nhiễm giun thường có biểu hiện biếng ăn và bỏ ăn.
Xem thêm: Giải pháp cho bố mẹ khi trẻ quấy khóc không chịu ăn
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Như vậy bạn đã biết tình trạng bỏ ăn, không chịu ăn gì cả ở trẻ có thể do nguyên nhân sinh lý như mọc răng, các vấn đề về tâm lý như căng thẳng, lo lắng, đau buồn hoặc do nhiều bệnh lý nguy hiểm của đường hô hấp, tiêu hóa, toàn thân. Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào bạn cần đưa trẻ đi khám.
Đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức
Với trẻ 0 – 2 tháng tuổi bỏ bú kèm theo mệt lả hoặc co giật, bạn cần cho trẻ tới các cơ sở y tế ngay lập tức. Đây là dấu hiệu nguy hiểm báo hiệu trẻ đang bị bệnh rất nặng. Tuy nhiên, bạn cần xác định chắc chắn là trẻ không ăn được tí sữa nào. Bạn có thể kiểm tra bằng cách đổ một thìa sữa vào miệng trẻ. Trẻ không chịu nuốt và nhè ra được coi là bỏ bú.
Nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt
Với những trẻ bỏ ăn kèm theo thường xuyên mệt mỏi, nôn trớ, tiêu chảy, ho, sốt kéo dài, bạn nên cảnh giác và đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý bất thường.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên nhẹ nhàng trò chuyện nếu thấy trẻ có biểu hiện lo lắng, buồn bã kèm theo đột ngột không chịu ăn gì cả. Không nên thúc giục và bắt ép trẻ ăn khiến tình trạng bỏ ăn trở nên nặng nề hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ không chịu ăn gì cả. Trẻ có thể bỏ ăn đột ngột do đang mọc răng, phải đối diện với các vấn đề tâm lý và những thay đổi trong cuộc sống. Một số trẻ lại không chịu ăn do các các bệnh lý của đường hô hấp, tiêu hóa, thiếu máu và nhiễm trùng. Bạn cần cảnh giác cao độ với dấu hiệu bỏ ăn ở trẻ, đặc biệt là lứa tuổi 0 – 2 tháng.