Trẻ Bị Đau Họng Không Chịu Ăn Mẹ Phải Làm Sao?
Viêm họng là bệnh lý phổ biến quanh năm ở trẻ em. Mùa đông trẻ thường bị viêm họng do thời tiết lạnh. Mùa hè mặc dù nhiệt độ ấm áp nhưng trẻ vẫn có thể mắc bệnh lý này do uống nhiều nước đá hoặc nằm điều hòa không đúng cách. Điều khiến các bậc phụ huynh lo ngại là trẻ đau họng không chịu ăn. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? SKV sẽ tư vấn cho bố mẹ ngay trong bài viết hôm nay.
Nguyên nhân trẻ bị đau họng
Trẻ bị đau họng có thể viêm amidan, viêm họng hạt, viêm thanh quản hoặc loét miệng. Căn nguyên gây đau họng ở trẻ em thường do vi khuẩn hoặc virus, trong đó virus chiếm 90%. Trẻ bị viêm họng do virus thường tự khỏi trong vòng khoảng 1 tuần.
Vì sao bé không chịu ăn khi bị viêm họng?
Khi viêm họng, các tuyến nước bọt của trẻ giảm bài tiết, dẫn đến khô miệng và trẻ không muốn ăn. Họng viêm sưng đỏ và đau khiến trẻ có cảm giác nuốt khó, nuốt vướng, nuốt nghẹn và đau khi nuốt. Những cảm giác khó chịu này làm trẻ sợ hãi nên từ chối tiếp nhận đồ ăn. Bên cạnh đó, các triệu chứng sốt, ho, buồn nôn, đau đầu kèm theo càng khiến trẻ mệt mỏi, miệng đắng và chán ăn.
Nên cho trẻ đau họng ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị đau họng rất quan trọng, không chỉ giúp trẻ duy trì hoạt động bình thường của tế bào trong cơ thể mà còn tăng cường sức đề kháng, chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, vấn đề là trẻ biếng ăn hoặc rất kén ăn khi bị đau họng. Bố mẹ đừng lo, SKV sẽ chỉ cách cho bố mẹ ngay đây.
Cho trẻ ăn thức ăn mềm
Khi trẻ đau họng không chịu ăn, bố mẹ hãy ưu tiên lựa chọn những món ăn mềm, dễ nhai và nuốt. Cách này sẽ giảm bớt cảm giác nuốt đau, nuốt vướng, nuốt nghẹn cho trẻ. Một vài món ăn đầy đủ dinh dưỡng và nhanh gọn mà bố mẹ có thể tham khảo là:
- Các món bún, miến, mì, phở: những món ăn có nước giúp trẻ dễ nhai và nuốt. Bạn có thể nấu nước dùng từ thịt gà, thịt bò hoặc xương ống để tăng cường dinh dưỡng. Lưu ý không nên lựa chọn mì tôm vì không tốt cho sức khỏe của trẻ.
- Cháo yến mạch. Sở dĩ lựa chọn yến mạch để nấu cháo chứ không phải gạo nếp, gạo tẻ là vì yến mạch chứa nguồn chất xơ dồi dào. Bên cạnh đó, yến mạch còn có nhiều omega-3, acid folic và kali giúp đẩy nhanh quá trình tự chữa lành của cơ thể.
- Súp cà rốt bí đỏ có nhiều vitamin A, C và kali là món ăn bổ dưỡng cho trẻ. Cách nấu món ăn này rất đơn giản. Trước tiên, bạn thái nhỏ cà rốt và bí đỏ, sau đó cho nước vào hầm tới chín mềm. Bạn có thể sử dụng nước ninh xương hoặc nước luộc gà để tăng thêm nguồn dinh dưỡng. Tiếp theo, bạn xay nhuyễn và thêm thịt băm hoặc ruốc là hoàn thành món ăn.
- Súp gà là món ăn quen thuộc và dễ nấu. Món ăn với thịt gà, cà rốt, gừng, nấm đông cô vừa đầy đủ protein và vitamin A vừa có vị ngọt tự nhiên chắc chắn trẻ không thể chối từ.
Uống nhiều nước
Trẻ bị đau họng thường xuyên có cảm giác khô miệng. Nếu bị sốt, trẻ càng háo nước nhiều hơn. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ uống nước thường xuyên chứ đừng đợi đến lúc trẻ khát. Nên uống từng ngụm nhỏ, không nên tu ừng ực. Bố mẹ nên lựa chọn nước lọc hoặc nước hoa quả, đồng thời tránh nước ngọt và nước có ga. Bên cạnh đó, bố mẹ hãy cho trẻ uống nước ấm để làm dịu cảm giác ngứa rát họng.
Bố mẹ cũng có thể pha nước gừng chanh sả mật ong cho trẻ uống ít một trong ngày. Thức uống này vừa cung cấp vitamin C từ chanh vừa có vị ngọt dịu từ mật ong, lại thêm gừng, sả giúp sát khuẩn họng nhẹ nhàng. Cách pha như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 5 quả chanh: rửa sạch, gọt lấy vỏ.
- 15 củ sả: rửa sạch, đập dập.
- 1 củ gừng tươi: rửa sạch, không cần cạo vỏ, thái lát mỏng.
- 2 thìa canh mật ong.
Các bước thực hiện:
- Đun sôi 1 lít nước rồi cho sả, gừng và vỏ chanh vào.
- Chỉnh nhỏ lửa, đun liu riu trong 2 – 3 phút rồi tắt bếp.
- Đợi nước nguội bớt rồi cho mật ong vào là xong.
Tăng cường hoa quả
Hoa quả là món ăn tuyệt vời cho trẻ khi bị đau họng. Hoa quả mềm, có vị ngọt dịu lại dồi dào vitamin và khoáng chất. Khi bị ốm, trẻ cần được bổ sung đầy đủ vitamin A, B, C, kẽm, sắt để tăng cường hệ miễn dịch. Các loại hoa quả bố mẹ nên cho trẻ ăn là: đu đủ, lựu, chuối, dưa hấu, dâu tây, bơ… Nếu trẻ không chịu ăn hoa quả nguyên miếng, bố mẹ có thể ép lấy nước hoặc xay nhuyễn thành sinh tố. Cách này vừa bổ sung được nhiều loại hoa quả vừa giúp trẻ dễ uống hơn.
Xem thêm:
- Thực Đơn Cho Bé 2 Tuổi Biếng Ăn, Tăng Cân "Vù Vù”
- Trẻ Biếng Ăn Có Nên Cho Uống Thuốc Bổ Hay Không?
- Bé Bị Tiêu Chảy Không Chịu Ăn Phải Làm Sao?
Trẻ đau họng cần tránh ăn gì?
Khi trẻ viêm họng không chịu ăn, bố mẹ nên tránh cho trẻ ăn những thực phẩm sau:
- Các món ăn giòn, cứng như bánh quy, bánh mì nướng hoặc rau sống. Những loại thực phẩm này khiến họng trẻ đau rát và khó chịu.
- Thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ cũng không phải lựa chọn thông minh khi trẻ bị đau họng. Những món ăn này thường khó tiêu hóa, tạo cho trẻ cảm giác đầy bụng và ậm ạch.
- Các món ăn có nhiều vị chua như dưa muối, kim chi, cam, quýt, bưởi quá chua. Mặc dù những loại hoa quả này rất giàu vitamin C nhưng hàm lượng acid quá cao sẽ gây kích ứng họng, khiến trẻ càng ngứa rát.
- Các món ăn cay, nóng có thể làm tình trạng họng viêm nặng nề hơn. Do đó, bố mẹ nên để thức ăn nguội bớt trước khi cho trẻ ăn. Bên cạnh đó, hãy loại bỏ những món ăn nhiều ớt hoặc nước sốt cay ra khỏi thực đơn khi trẻ bị ốm.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Mặc dù viêm họng rất phổ biến và không nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ, tuy nhiên bố mẹ cũng cần cảnh giác và nên đưa trẻ đi khám khi:
- Trẻ viêm họng kéo dài hơn 1 tuần, không chịu ăn uống.
- Trẻ sốt cao, liên tục.
- Trẻ bị khó thở hoặc thở khò khè, thở rít.
- Trẻ viêm họng thường xuyên, tái diễn nhiều lần trong thái.
Biếng ăn khi đau họng là vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ em. Thông thường cơ thể trẻ sẽ tự chống chọi và dần dần phục hồi sức khỏe cùng khả năng ăn uống sau khoảng 1 tuần. Trong thời gian này, bố mẹ nên cho trẻ ăn các món ăn mềm, bổ sung đủ nước và tăng cường nhiều loại hoa quả. Đây chính là những biện pháp đơn giản và hữu hiệu giúp giải quyết vấn đề trẻ đau họng không chịu ăn.