Thực Đơn Ngon Miệng Cho Trẻ 18 Tháng Tuổi Hết Biếng Ăn
Mẹ Mun rất hiểu cảm giác căng thẳng, bế tắc của các bậc phụ huynh khi có con biếng ăn. Đặc biệt là trẻ 18 tháng tuổi liên tục thay đổi sở thích và khẩu vị ăn uống. Thật không hiểu nỗi trẻ muốn ăn gì. Nhưng bạn chớ lo, những thực đơn ngon miệng dưới đây chắc chắn sẽ chinh phục được trẻ.
Những thay đổi về chế độ ăn uống ở trẻ 18 tháng tuổi
Trẻ ăn ít và tăng cân chậm
Trong giai đoạn 18 - 24 tháng, trẻ thường ăn ít hơn, cảm giác ngon miệng cũng giảm đi ít nhiều. Bên cạnh đó, tốc độ tăng cân cũng chậm lại. Trung bình trẻ chỉ tăng 100 – 200g mỗi tháng. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên của mọi đứa trẻ. Ngoài ra, nguyên nhân mọc răng, chán ăn cháo cũng góp phần dẫn đến hiện tượng này.
Bạn không cần quá lo lắng nếu đứa bé 18 tháng của bạn bỗng nhiên không chịu ăn và tăng cân ít hơn trước đây. Dẫu vậy, nếu trẻ lười ăn kéo dài hoặc bị sút cân thì lại là vấn đề bất thường cần phải xem xét.
Thay đổi khẩu vị ăn uống
Trẻ 18 tháng thường thay đổi nhanh chóng sở thích ăn uống. Có thể hôm trước trẻ hứng thú với món bánh táo nhưng chỉ sau 1 đêm, trẻ đã không thèm để ý đến món ăn thơm ngon đó nữa. Vì vậy, bạn đừng quá bất ngờ nếu hôm nay trẻ đòi ăn món này, ngày mai trẻ thích ăn món khác. Việc thay đổi khẩu vị ăn uống là cơ hội để những đứa trẻ 18 tháng khám phá nhiều hương vị, kết cấu món ăn khác nhau. Trẻ cũng được thu nhận đa dạng nhiều nhóm chất dinh dưỡng hơn.
Nhu cầu về sắt và canxi tăng cao
Sắt và canxi là 2 vi chất cực kỳ quan trọng với sự phát triển của trẻ trong năm thứ hai cuộc đời. Trung bình 1 đứa trẻ 18 tháng cần 500mg canxi và 7mg sắt mỗi ngày, cao gấp 2 – 3 lần nhu cầu trước đó. Trong giai đoạn này, trẻ cần sắt và canxi để hoàn thiện bộ răng, tiếp tục phát triển chiều cao và ngăn ngừa thiếu máu. Bạn nên tăng cường rau xanh, yến mạch, ngũ cốc, cá hồi, bơ hạnh nhân, cam, quýt, bưởi vào chế độ ăn để bổ sung 2 vi chất cần thiết này cho trẻ.
Trẻ là người quyết định có ăn hay không
Nếu như trước đây bạn có thể ép buộc trẻ ăn bằng cách đút thìa, dỗ dành, dọa nạt thì giờ đây tất cả những biện pháp ấy đều trở nên vô ích. 18 tháng là độ tuổi trẻ phát triển ngôn ngữ và cá tính. Bạn sẽ thấy trẻ ương bướng hơn, có khả năng thể hiện sự từ chối qua lời nói rõ ràng hơn. Trẻ cũng muốn tự khám phá và học hỏi nhiều hơn bằng cách đòi tự xúc và tự gắp thức ăn.
Điều đó có nghĩa là khi trẻ tròn 18 tháng tuổi, bố mẹ sẽ chỉ đóng vai trò là người chuẩn bị bữa ăn. Còn trẻ mới là người làm chủ bữa ăn của mình. Nếu hiểu được điều này, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và dễ dàng hơn để khắc phục tình trạng biếng ăn của trẻ 18 tháng tuổi.
Xem thêm:
Thực đơn cho trẻ 18 tháng tuổi biếng ăn
Thông thường, mỗi ngày trẻ 18 tháng tuổi cần ăn 3 bữa chính (sáng, trưa, tối) và 2 - 3 bữa phụ (giữa buổi sáng, buổi chiều, trước khi đi ngủ). Tuy nhiên, mỗi trẻ có nhu cầu năng lượng khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và cường độ hoạt động thể chất của trẻ. Do đó, bạn hãy áp dụng khéo léo những thực đơn dưới đây sao cho phù hợp với đứa bé 18 tháng của bạn để con hết lười ăn nhé!
Bữa sáng
Một bữa sáng nhanh gọn, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng chính là ưu điểm của 5 thực đơn dưới đây.
- Bánh mì nguyên cám phết bơ lạc ăn cùng chuối hoặc trái bơ: Bánh mì nguyên cám là nguồn tinh bột và chất xơ dồi dào. Bơ lạc vừa thơm ngon, dễ ăn vừa giàu protein và chất béo. Chuối và bơ giúp thêm vị ngọt tự nhiên và độ mềm mại cho món ăn.
- Ngũ cốc và sữa: Bạn chỉ cần mua sẵn ngũ cốc ăn liền rồi đổ thêm sữa là hoàn thành bữa sáng ngon lành cho trẻ. Điều quan trọng bạn cần lưu ý là nên lựa chọn loại ngũ cốc ít đường, có hoa quả sấy tạo vị ngọt và mùi thơm tự nhiên. Bạn cũng có thể cho thêm các loại hạt giã nhỏ như hạt bí, hạnh nhân, óc chó, hạt điều để kích thích trẻ nhai cũng như bổ sung thêm protein và chất béo có lợi cho trẻ. Chắc chắn bé 18 tháng tuổi có biếng ăn đến nào cũng không thể từ chối món ăn.
- Trứng nướng bông cải xanh: Không thể cho trẻ ăn rau vào bữa sáng ư? Nhầm rồi, bạn hoàn toàn có thể với món ăn này. Trước tiên, bạn đánh 1 quả trứng với chút sữa tươi, sau đó trộn cùng súp lơ xanh thái nhỏ và phô mai bào sợi. Đổ hỗn hợp này vào khuôn bánh cupcake và nướng ở nhiệt độ 180 – 190°C trong 15 – 20 phút là xong.
- Cháo yến mạch: Thay vì dùng gạo thông thường, bạn hãy đổi sang yến mạch, vừa nấu nhanh vừa bổ sung nhiều chất xơ cho trẻ. Bạn chỉ cần đun yến mạch với chút nước sôi trong 5 phút rồi thêm thịt băm, thịt gà hoặc pate là đã hoàn thành món ăn nhanh gọn này rồi.
- Bún, miến, phở: Bạn có thể cho trẻ ăn một bát con bún, miến, phở giống bố mẹ trong bữa sáng. Không chỉ tiết kiệm thời gian nấu nướng mà còn dễ ăn và bổ dưỡng đúng không?
Bữa trưa và bữa tối
Bữa ăn trưa và tối của bé 18 tháng tuổi biếng ăn cần có đủ tinh bột, đạm và chất béo. Bạn có thể cho trẻ ăn cháo hạt, cơm nát hoặc các loại bún, miến, mì, phở. Lưu ý nên thay đổi thường xuyên thực đơn, chế biến những món ăn nhiều màu sắc để kích thích cảm giác ngon miệng cho con và giúp trẻ 18 tháng không còn biếng ăn.
- Thịt lợn viên và rau củ luộc: Bạn hãy băm nhỏ thịt lợn rồi vo tròn thành những viên nhỏ. Sau đó áp chảo và sốt cùng cà chua. Trẻ có thể chấm rau củ luộc như súp lơ, cà rốt cùng sốt.
- Cá hồi áp chảo: Cá hồi giàu omega-3 lại không có xương dăm nên rất phù hợp với trẻ 18 tháng. Bạn áp chảo 2 mặt cá hồi cho chín đều rồi gỡ nhỏ cho trẻ ăn. Có thể thêm nước sốt nấm hoặc sốt chanh leo để giảm bớt mùi tanh của cá.
- Mỳ Ý bò bằm: Băm nhỏ thịt bò rồi xào cùng hành tây, cà chua cho chín mềm. Sau đó bạn thêm chút nước táo, mỳ ống loại nhỏ và cuối cùng là phô mai bào. Nhất định trẻ không thể chối từ món ăn ngon miệng này.
- Súp 3 trong 1: Món súp có nước hầm xương ninh cùng cà rốt, khoai tây, su hào, đậu Hà Lan và thịt gà này đầy đủ cả 3 nhóm chất và rất dễ ăn. Bạn có thể trộn thêm một cơm nát hoặc bún, phở đều rất hấp dẫn trẻ.
- Trứng bác: Món ăn này quá đơn giản đúng không? Bạn chỉ cần đập trứng vào chảo rồi đảo trên lửa to. Tuy nhiên, bạn hãy thêm cả cà rốt thái nhỏ và hành để vừa bổ sung rau vừa có màu sắc đẹp mắt nhé!
Bữa phụ
Không nên cho bé 18 tháng tuổi ăn nhiều bánh kẹo, bim bim mua sẵn vì càng khiến trẻ lười ăn. Vậy thực đơn nào cho bữa phụ thì phù hợp?
- Pancake ngô ngọt: Cũng là bánh nhưng là một món bánh tự làm và không sử dụng đường. Bạn cần chuẩn bị ngô ngọt, hành lá và bột pancake trộn sẵn hoặc bột mì đa dụng. Trộn 3 loại nguyên liệu này cùng với 1 quả trứng và chút xíu muối. Sau đó cho lên chảo rán thành từng chiếc bánh tròn dẹt là xong.
- Bánh quy khoai lang và sữa: Thay vì mua bánh quy làm sẵn trong siêu thị, bạn có thể tự làm món bánh siêu đơn giản và thơm ngon này. Hấp chín khoai lang rồi nghiền nhuyễn, trộn cùng bột mì hoặc bột yến mạch, trứng, bơ, dừa vụ. Sau đó, bạn đem đi nướng ở nhiệt độ 180 – 190°C trong 10 – 15 phút.
- Sữa chua hoa quả: Dâu tây, xoài, bơ, nho, chuối trộn cùng sữa chua là món ăn vặt lành mạnh và phù hợp cho mọi lứa tuổi.
- Sinh tố trái cây: Nếu trẻ lười ăn hoa quả thì sao? Giải pháp chính là bạn hãy xay các loại trái cây thành sinh tố, vừa dễ uống vừa có màu sắc hấp dẫn trẻ.
- Kem trái cây: Mẹ Mun sẽ mách bạn thêm một cách để trẻ yêu thích trái cây hơn, chính là món kem hoa quả này. Bạn chỉ cần xay nhuyễn dưa hấu (bỏ hạt), xoài chín và chuối, rồi đổ vào khuôn làm kem que và làm lạnh 6 – 8 tiếng.
Lứa tuổi 18 tháng có nhiều thay đổi trong thói quen và sở thích ăn uống. Trẻ có thể biếng ăn, giảm cảm giác ngon miệng và tăng cân chậm hơn. Thay vì lo lắng, bố mẹ hãy tinh tế quan sát và thử nghiệm nhiều món ăn khác nhau để khám phá và bắt kịp sở thích của trẻ. Những thực đơn trên đây được xây dựng với nguyên liệu dễ tìm, dễ nấu, đầy đủ dinh dưỡng và có hương vị, màu sắc hấp dẫn chắc chắn sẽ là trợ thủ đắc lực của bạn.