Trang chủ

Mẹ & Bé

Cách Xử Lý Khi Trẻ 11-12 Tháng Tuổi Biếng Ăn

Tham vấn y khoa:
Nguyễn Tiến Dũng
23/12/2022
Mẹ & Bé
trẻ 11-12 tháng biếng ăn

Sự thèm ăn của trẻ có thể thay đổi theo từng ngày, từng tháng và phụ thuộc vào tốc độ phát triển của trẻ. Đôi lúc cha mẹ sẽ thấy bé nhà mình đột nhiên biếng ăn, có thể do bé bị ốm hoặc cũng có thể do những lý do khác. Vậy bé biếng ăn có đáng lo không và phải xử lý khi trẻ 11-12 tháng biếng ăn như thế nào?

Đặc điểm sinh lý của trẻ 11-12 tháng tuổi

Khi trẻ được 11-12 tháng tuổi, cha mẹ sẽ bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu cho thấy bé đã không còn là một “em bé” nữa. Em bé đã có thể tự biết đi và biết nói, bé cũng dần có cá tính hơn, thích khám phá, giao tiếp với mọi thứ. 

Bé có thể vỗ tay và vẫy chào tạm biệt, biết dùng tay để nhặt đồ, cầm cốc nước… Lúc này, bé có thể đứng lên, đi bộ bằng cách bám vào bàn, ghế, và có thể đứng một mình trong một hoặc hai phút. Bé cũng có thể nói một vài từ như ba ba hoặc mama hoặc nhiều từ khác có nghĩa. 

Về giấc ngủ: ở độ tuổi này, bé thường ngủ khoảng 11 giờ vào ban đêm (với nhiều giấc liên tục) và có 2 giấc ngủ ngắn hàng ngày, có thể lên tới 3-4 giờ.

Về ăn uống: em bé nên ăn đến ½ cốc ngũ cốc, trái cây và rau, ¼ đến ½ cốc thức ăn đến từ sữa và ¼ đến ½ cốc thức ăn chứa protein mỗi ngày. Thời điểm này bé vẫn có thể bú sữa mẹ hoặc sữa công thức từ 500 đến 700ml mỗi ngày. 

Khi bé được 11-12 tháng tuổi, các bé trai sẽ có cân nặng từ 7,6 đến 12kg và chiều cao từ 70 đến 80cm. Nếu là bé gái, bé sẽ phát triển trong khoáng cân nặng từ 6,9 đến 11,5kg và chiều cao từ 67,7 đến 79,2cm. 

Giai đoạn này, bé sẽ bắt đầu bước đầu tiên để cai sữa bình và hướng tới việc cai sữa hoàn toàn. Còn với sữa mẹ, các chuyên gia khuyến cáo nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ, trong ít nhất năm đầu tiên và tiếp tục miễn là cả mẹ và con đều muốn duy trì. 

Cha mẹ cũng lưu ý rằng trẻ từ 11-12 tháng tuổi bước vào giai đoạn tập đi nên cần rất nhiều protein, vitamin và các chất dinh dưỡng khác ngoài sữa mẹ, nên hãy đảm bảo cung cấp cho bé tất cả các thực phẩm cần thiết để đảm bảo bé nhận được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng.

Nguyên nhân do đâu khiến trẻ 11-12 tháng tuổi biếng ăn

Sự tăng trưởng của bé chậm lại 

Có thể mẹ không biết, trẻ em phát triển với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng đầu tiên và tốc độ tăng trưởng của bé bắt đầu chậm lại trong khoảng thời gian từ tháng thứ 6 đến tháng thứ mười hai. Do đó, nếu bé 11-12 tháng ăn ít hơn nhiều so với các bé ở tháng thứ 10 thì rất có thể là do cơ thể bé không cần quá nhiều calo. 

Bé hào hứng với mọi thứ xung quanh

Giai đoạn này, nhiều bé đã có thể biết đứng và thậm chí là biết đi, bé cũng rất thích thú khám phá với thế giới xung quanh mà quên mất việc phải ăn hoặc bú sữa. Đây được xem là giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ 11-12 tháng tuổi. Chỉ cần vượt qua giai đoạn này bé sẽ ăn uống bình thường trở lại. 

Bé đang mọc răng

Giai đoạn bé 11-12 tháng tuổi, bé đã có thể mọc được 4 răng cửa giữa và 4 răng cửa bên. Tuy nhiên, chính việc mọc răng này có thể khiến cho bé chán ăn do cảm giác khó chịu và đau đớn khi răng xé rách nướu của bé. Sự khó chịu này sẽ tăng lên khi bé ăn dặm hoặc bú bình.

Bé uống quá nhiều sữa hoặc nước

Một lý do khác khiến bé 11-12 tháng lười ăn có thể do bé uống quá nhiều nước lọc hoặc nước trái cây ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức, điều đó khiến bé cảm thấy no quá sớm và giảm cảm giác thèm ăn, từ đó lười ăn thức ăn đặc. 

Bé không dung nạp với thực phẩm 

Dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp với một số loại thực phẩm như sữa, trứng, đậu phộng và đậu nành… có thể khiến bé gặp các triệu chứng như đầy bụng, ngứa, nôn mửa, tiêu chảy và chán ăn. 

Bé bị ốm

Nếu bé bị ốm như sốt, cảm lạnh, ho, đau bụng… cơ thể sẽ mỏi mệt dẫn đến không muốn ăn. Bé sẽ ăn uống trở lại bình thường sau khi khỏi bệnh.

Các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus cũng có thể khiến bé lười ăn. Các bệnh lý như viêm tai giữa, cúm, viêm phế quản… gây ra nhịp tim nhanh và nhiều đau đớn, khiến bé từ chối không muốn ăn bất kỳ loại thức ăn nào. 

Bé bị giun sán

Một nguyên nhân phổ biến khác khiến trẻ 11 tháng lười ăn là do nhiễm giun. Trẻ trong độ tuổi này có thể có nhiều nguy cơ nhiễm ký sinh trùng đường ruột và giun. Sự xâm nhập của giun có thể gây ra tình trạng nôn mửa, tiêu chảy và chán ăn ở trẻ.

Bé bị táo bón

Việc khẩu phần ăn dặm của bé nhiều hơn trong độ tuổi này có thể khiến bé dễ dàng táo bón. Nếu bé bị táo bón, việc đi tiêu sẽ trở nên khó khăn và bé thường xuyên cảm thấy đầy bụng, khó tiêu nên không cảm thấy đói. 

Bé bị thiếu máu

Nếu chế độ ăn của bé nghèo vi chất sắt có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Trẻ bị thiếu máu có xu hướng mệt mỏi và uể oải trong hầu hết mọi thời gian, khi đó ngoài các biểu hiện như da xanh, nhợt nhạt, mệt mỏi… trẻ sẽ chán ăn, lười ăn.

Xem theêm:

Cách trị bé 11-12 tháng biếng ăn như thế nào?

Cho bé một bữa sáng ngon miệng và đầy đủ

Sau một giấc ngủ dài, bé sẽ có nhu cầu về năng lượng cao nhất vào đầy ngày. Vì thế mẹ hãy chuẩn bị cho bé một bữa sáng bổ dưỡng và nhiều chất giúp cơ thể đi vào trạng thái trao đổi chất cao nhất và khởi động ngày mới. 

Bổ sung cho bé các thực phẩm giàu kẽm

Các thực phẩm như bí ngô và thịt gà cung cấp rất nhiều kẽm cho bé. Do khi cơ thể thiếu kẽm, sự thèm ăn ở trẻ sẽ giảm đi do acid clohydric cần thiết cho quá trình tiêu hóa không được sản xuất đầy đủ. Vì thế, bổ sung các thực phẩm giàu kẽm sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn, tăng cường cảm giác thèm ăn ở trẻ.

Cho bé ăn các thức ăn giúp cải thiện sự thèm ăn

Húng quế, gừng, quế và bạc hà… là những thực phẩm giúp cải thiện sự thèm ăn ở trẻ. Những thực phẩm này giúp cải thiện quá trình tiêu hóa ở bé, từ đó làm cho bé cảm thấy đói. 

Không cho trẻ ăn quá thường xuyên

Mất khoảng 3 giờ đồng hồ để em bé tiêu hóa hoàn toàn thức ăn. Nếu mẹ cho bé ăn quá thường xuyên và liên tục sẽ khiến bé không chịu ăn vào các bữa kế tiếp vì bé sẽ không đói. Nếu cha mẹ muốn tăng tần suất các bữa ăn, hãy chia nhỏ bữa ăn của bé với khẩu phần ít hơn, có thể từ 3 bữa ăn chính thành 5 bữa ăn nhỏ. Ưu điểm của phương pháp này là mỗi bữa ăn sẽ diễn ra nhanh hơn và ít ồn ào hơn. 

Cung cấp cho bé những bữa ăn thú vị

Khi bé đã ăn dặm nhiều hơn, hãy tăng cường các loại thức ăn khác nhau cho bé. Cha mẹ cần đảm bảo rằng bé nhận được những thực phẩm phong phú từ 4 nhóm thực phẩm chính: ngũ cốc, thực phẩm giàu protein, sữa, trái cây và rau. Hãy giới thiệu cho bé một món ăn mới sau khoảng 3 ngày mỗi lần vì khoảng thời gian này cha mẹ có thể nhận biết được bé có bị dị ứng với loại thức ăn mới đó không. 

Không bao giờ được ép trẻ ăn

Nếu đôi khi bé 11-12 tháng không chịu ăn, hãy để kệ trẻ và thử lại sau. Việc ép buộc, thậm chí là la mắng hay quát trẻ cũng có thể khiến cho giờ ăn của trẻ trở nên căng thẳng và không còn hứng thú nữa.

Biến giờ ăn thành một hoạt động vui vẻ

Thay vì tập trung sức lực vào những món mà trẻ không chịu ăn, hãy cố gắng đưa những món mà trẻ thích vào bữa ăn của mình. Đồng thời hãy sáng tạo và trình bày món ăn thật đẹp mắt, vì ở độ tuổi này, trẻ đã có phản ứng với màu sắc và hình dạng khá tốt. Do đó, cha mẹ có thể chế biến các loại thực phẩm có nhiều màu sắc khác nhau và khiến chúng trở nên thú vị hơn về mặt thị giác đối với trẻ. 

Không có bất cứ yếu tố gây xao nhãng nào trong giờ ăn

Không để bất cứ thứ gì gây xao nhãng như đồ chơi hay tivi, ipad xung quanh khi bé đang ăn. Hãy để bé tập trung vào bữa ăn. Cha mẹ có thể nói chuyện với trẻ, khuyến khích khi trẻ ăn ngon miệng và chỉ cần chuẩn bị bữa ăn để bé có thể thưởng thức bữa ăn. 

Một số lưu ý cần nhớ cho mẹ

Nếu bé đang khỏe mạnh nhưng có biểu hiện chán ăn đột ngột thì cũng không cần quá lo lắng. Dưới đây là hai mẹo thích hợp giúp điều trị chứng biếng ăn ở trẻ:

  • Tìm kiếm loại thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có được danh sách các loại thực phẩm phù hợp với trẻ theo độ tuổi. 
  • Tạo cho trẻ thói quen ăn uống cố định: một khi đồng hồ sinh hoạt hoạt động, trẻ sẽ ăn uống ngon miệng hơn. Hãy nhớ rằng trẻ sẽ ăn khi đói, và việc ép hoặc cho bé ăn quá nhiều hoặc quá nhiều lần cũng không có quá nhiều tác dụng.

Thực đơn cho bé 11-12 tháng tuổi biếng ăn

Bữa ăn chính

Với trẻ từ 11-12 tháng tuổi, bé có thể ăn từ 3 đến 4 bữa ăn chính. Ở độ tuổi này, bé đã có thể ăn cháo đặc hoặc cơm nát, nhưng dù là thực phẩm gì thì bữa ăn của bé vẫn phải đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng như tinh bột (gạo, khoai, ngô…), chất đạm (thịt, cá, trứng…), chất béo (dầu ăn, mỡ), vitamin và các khoáng chất (các loại rau, củ, trái cây…).

Mẹ có thể cho bé ăn các món ăn như cháo thịt bò, cháo tôm, cháo cá, cháo cua…kết hợp với các loại rau xanh hoặc củ. 

Bữa ăn phụ

Ngoài bữa ăn chính, bé cũng nên được bổ sung thêm các bữa ăn phụ. Mỗi ngày bé nên có từ 2-3 bữa ăn như sữa hoặc các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomai, váng sữa… Hoặc bé cũng có thể ăn thêm trái cây hoặc các loại salad rau củ cũng rất bổ dưỡng. 

Ngoài ra, bé cũng nên được bổ sung thêm nước trái cây pha loãng hoặc nước lọc, đặc biệt là nước cam hoặc nước mận vì nó đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa của bé.

Lời kết

Trẻ 11-12 tháng biếng ăn tạm thời không cần quá lo ngại, miễn là em bé luôn khỏe mạnh, vui vẻ và phát triển tốt. Nếu không, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để phát hiện được bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào ảnh hưởng đến sự thèm ăn của bé. Khi đó các bác sĩ sẽ có cách điều trị và tư vấn cho em bé của cha mẹ.

Chủ đề:
Mẹ MunMẹ Mun
Mẹ Mun tốt nghiệp Cử nhân Văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã đang làm việc tại một nơi có rất rất nhiều sách kết hợp bán online một số dòng mỹ phẩm cũng như thực phẩm chức năng. Mẹ Mun mong muốn được chia sẻ với mọi người những trải nghiệm của bản thân.

Bài viết mới nhất

Giới thiệu

Nhận thông tin sức khỏe mới nhất

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form