Làm Gì Khi Trẻ 3 Tuổi Không Chịu Ăn Cơm Chỉ Uống Sữa?
Hôm vừa rồi Mẹ Mun nhận được lời “cầu cứu” từ một bà mẹ có con 3 tuổi không chịu ăn cơm mà chỉ thích uống sữa. Bà mẹ kể rằng mỗi lần ăn cơm, trẻ đều nhè ra hoặc phun nhổ khắp bàn ăn. Đứa bé hầu như chỉ uống sữa cho dù đi mẫu giáo hay ở nhà. Nếu bạn cũng đang đau đầu với tình huống như vậy, đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Vì sao trẻ 3 tuổi không chịu ăn cơm mà chỉ thích uống sữa?
3 tuổi là thời điểm trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo. Đáng lẽ ở độ tuổi này, trẻ đã phải ăn cơm thành thạo. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ 3 tuổi vẫn uống sữa như nguồn dinh dưỡng chủ đạo hàng ngày. Nguyên nhân của tình trạng này là do bố mẹ cho trẻ tập ăn cơm quá muộn.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, 20 tháng là thời điểm thích hợp để trẻ làm quen với cơm nát. Trên 2 tuổi, trẻ có thể nhai cơm và thức ăn thuần thục như người lớn. Đây là lúc bộ răng sữa và các cơ nhai của trẻ phát triển hoàn thiện, trẻ có khả năng cắn, nghiền thức ăn hiệu quả.
Mặc dù vậy, rất nhiều bố mẹ bỏ qua thời điểm vàng này. Có thể ban đầu trẻ không hợp tác ăn cơm khiến bố mẹ lo lắng nên quyết định quay lại cho trẻ uống sữa và ăn cháo. Cũng có thể do công việc bận rộn, bố mẹ không có đủ thời gian nên xay cháo vừa nhanh vừa tiện lại đủ chất. Chính những quan điểm sai lầm này đã cản trở trẻ làm quen với thức ăn khô cứng. Các cơ nhai của trẻ cũng không có cơ hội phát triển. Từ đó, trẻ sẽ không thích và không chịu ăn cơm.
Hậu quả khi trẻ không chịu ăn cơm mà chỉ uống sữa
Thấp bé, nhẹ cân
Cơm và thức ăn là nguồn dinh dưỡng chính đối với trẻ 3 tuổi. Cho dù bố mẹ cho trẻ sử dụng sữa cao năng lượng thì cũng không thể có đủ chất dinh dưỡng bằng ăn cơm. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể trẻ sẽ bị đói năng lượng và vi chất, trẻ sẽ nhẹ cân, còi cọc. Tốc độ tăng trưởng chiều cao cũng bị hạn chế, dẫn đến thấp bé hơn bạn bè đồng trang lứa.
Suy giảm hệ miễn dịch
Protein, vitamin A, C, kẽm, selen là những chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nếu trẻ 3 tuổi chỉ uống sữa mà không ăn cơm, chắc chắn cơ thể không có đủ những chất này. Khi đó, sức đề kháng của trẻ suy yếu, trẻ thường xuyên bị ốm và ốm nặng hơn.
Chậm chạp hơn bạn bè
Trẻ biếng ăn thường chậm chạp hơn bạn bè. Một phần vì sức khỏe thể chất của trẻ yếu ớt, một phần vì trẻ không có đủ iot và các acid béo cần thiết để phát triển trí não.
Khó hòa nhập cộng đồng
Khi bắt đầu đi học mẫu giáo, trẻ cần tuân theo chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của trường lớp. Sẽ rất khó để một trẻ chậm chạp, yếu ớt hòa đồng với bạn bè. Hoặc tệ hơn, trẻ có thể bị trêu đùa khi cả lớp ăn cơm còn một mình trẻ uống sữa.
Bố mẹ lo lắng và vất vả
Câu chuyện ăn uống của trẻ luôn là vấn đề khiến nhiều bố mẹ mệt mỏi và căng thẳng. Khi trẻ không chịu ăn cơm mà chỉ uống sữa, bố mẹ sẽ phải chuẩn bị bữa ăn riêng cho trẻ. Trong khi đó, một trẻ 3 tuổi bình thường có thể ăn cơm cùng gia đình. Điều này sẽ càng bất tiện hơn nếu gia đình bạn đang đi chơi hoặc đi du lịch.
Giải pháp cho bố mẹ
Sau khi được các chuyên gia của SKV tư vấn, em bé 3 tuổi trong câu chuyện phía trên đã bắt đầu hợp tác ăn cơm. Trẻ không còn la hét, phản đối khi ngồi ăn cơm cùng gia đình. Trẻ cũng hứng thú với các món ăn mẹ nấu hơn. Làm thế nào để có được những thay đổi tích cực như vậy? Bạn chỉ cần áp dụng những biện pháp đơn giản sau đây.
Cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình
Rất nhiều bố mẹ có thói quen cho trẻ ăn trước, sau đó người lớn mới ăn. Nhưng bây giờ bạn hãy cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình, cho dù trẻ không chịu ăn. Bạn chỉ cần để trẻ ngồi trên ghế và quan sát mọi người ăn. Thi thoảng, bạn có thể hỏi chuyện trẻ nhưng tuyệt đối đừng bật tivi, cho trẻ nghịch điện thoại hoặc đồ chơi. Bạn cũng không nên ép trẻ ăn khiến trẻ sợ hãi và phản kháng.
Biện pháp này nghe tưởng vô lý nhưng thực chất rất hiệu quả để trẻ nhận ra sự quan trọng và cần thiết của bữa ăn. Sau nhiều lần quan sát, trẻ sẽ hiểu rằng đã là người lớn thì phải ăn cơm chứ không thể uống sữa mãi. Mặt khác, trẻ cũng cảm thấy thoải mái, không bị ép buộc, từ đó vui vẻ đón nhận bữa ăn hơn.
Tập cho trẻ ăn thức ăn thô dần
Tùy theo tình hình hiện tại, bạn hãy thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu trẻ không chịu ăn một chút cơm nào, bạn có thể cho trẻ bắt đầu với cháo. Nhưng thay vì xay nhuyễn, bạn hãy băm thịt vừa phải và thái hạt lựu rau củ. Cách này giúp trẻ làm quen với thức ăn lợn cợn, kích thích các cơ nhai của trẻ hoạt động. Khi đã thuần thục, bạn hãy chuyển sang cho trẻ ăn cơm nát với các loại thức ăn mềm rồi nấu cơm khô dần.
Nếu trẻ ăn được cơm nhưng ăn rất ít, bạn nên kích thích sự thèm ăn của trẻ bằng cách hạn chế tối đa các bữa ăn vặt không lành mạnh. Liên tục thay đổi các món ăn khác nhau để trẻ ăn ngon miệng hơn. Ở lứa tuổi lên 3, bạn cũng có thể cho trẻ đi chợ và vào bếp cùng nấu nướng cùng. Cách này sẽ giúp trẻ hứng thú và yêu thích cơm cũng như các món ăn.
Ưu tiên những món ăn trẻ thích
Trẻ không chịu ăn cơm không có nghĩa là trẻ không nhai được. Thông thường, trẻ vẫn sẽ vui vẻ ăn những món trẻ thích cho dù món đó hơi cứng một chút. Vì vậy, bạn hãy ưu tiên cho trẻ ăn những thực phẩm trẻ thích. Các loại hoa quả giòn như táo, ổi, lê, xoài, dưa chuột … là lựa chọn phù hợp vì vừa nhiều vitamin vừa có vị ngọt tự nhiên. Bạn cũng có thể cho trẻ ăn ngũ cốc hoặc các loại bánh quy ít đường. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nên lựa chọn lựa bim bim, bánh kẹo hay đồ ăn nhanh thuận theo sở thích của trẻ. Những thực phẩm này khiến trẻ biếng ăn nhiều hơn.
Trẻ 3 tuổi không chịu ăn cơm chỉ uống sữa là vấn đề dinh dưỡng nghiêm trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ tới sức khỏe của trẻ cũng như khiến các bậc phụ huynh vô cùng bất an và lo lắng. Để xử lý tình trạng này, bố mẹ cần kiên nhẫn tập cho trẻ ăn thô dần. Song song với đó nên cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình cũng như tạo không khí ăn uống vui vẻ, giúp trẻ hứng thú với đồ ăn hơn.