Trẻ 5 Tuổi Biếng Ăn Chậm Lớn Có Cần Đi Khám Không?
Bạn có cảm thấy lo lắng khi con mình luôn thấp bé nhất lớp? Bạn mua rất nhiều đồ ăn bổ dưỡng nhưng cân nặng của con vẫn không cải thiện? Bạn băn khoăn không biết nguyên nhân vì sao và có cần đưa trẻ đi khám không? Không chỉ một mình bạn đâu, rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm tới tình trạng biếng ăn và chậm lớn ở trẻ 5 tuổi.
Thế nào là trẻ chậm lớn?
Trước tiên, bạn cần xác định chắc chắn xem có đúng là trẻ chậm lớn không. Đừng chỉ thấy trẻ thấp bé hơn bạn bè đồng trang lứa mà vội vàng kết luận. Hai chỉ số dễ dàng đo lường nhất để xác định sự phát triển thể chất của trẻ là chiều cao và cân nặng.
- Bước 1. Đo cân nặng (theo kilogram) và chiều cao (theo centimet)
- Bước 2. Tìm bảng cân nặng và chiều cao theo đúng giới tính: trẻ gái sử dụng bảng màu hồng, trẻ trai sử dụng bảng màu xanh
- Bước 3. Xác định chỉ số cân nặng và chiều cao của trẻ trên cột dọc của biểu đồ dưới đây
- Bước 4. Xác định chính xác tuổi của con trên cột ngang của biểu đồ dưới đây. Lưu ý: tuổi tính theo tháng và không tính tuổi mụ.
- Bước 5. Dóng chỉ số cân nặng và chiều cao với tuổi của trẻ. Nếu giao điểm nằm trong khoảng -2 đến 2 (giữa hai đường màu đỏ) thì trẻ đang phát triển tốt. Nếu giao điểm nằm dưới đường -2 tức là trẻ nhẹ cân và/ hoặc thấp lùn hơn mức bình thường.
Ví dụ trẻ gái sinh ngày 1/10/2015, nặng 20kg và cao 110cm. Tính đến ngày 21/6/2021, trẻ được 5 tuổi 6 tháng. đã đánh dấu tuổi, cân nặng và chiều cao của bé vào hai biểu đồ dưới đây. Em bé này có giao điểm (chấm màu xanh) nằm trong giữa hai đường màu đỏ (khoảng giữa 2 và -2). Điều đó có nghĩa là trẻ đang tăng trưởng cân nặng, chiều cao bình thường theo lứa tuổi.
Bạn hãy kiểm tra chiều cao và cân nặng cho trẻ mỗi tháng và ghi lại các số đo theo từng tháng vào một cuốn sổ để tiện theo dõi. Nếu đường tăng trưởng chiều cao hoặc cân nặng của trẻ đi xuống (trẻ bị sụt cân) hoặc đi ngang nhiều tháng (trẻ không tăng cân hoặc cao thêm) thì đó cũng là dấu hiệu bất thường.
Nguyên nhân khiến bé 5 tuổi biếng ăn chậm lớn
Không nạp đủ calo
90% trẻ em chậm lớn do cơ thể không được bổ sung đầy đủ năng lượng để tăng trưởng. Trẻ biếng ăn thường không nhận đủ calo để tăng cân và phát triển chiều cao. Bên cạnh đó, nguyên nhân có thể do một số bố mẹ chưa xác định đúng mức thức ăn cần cung cấp cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Trẻ ăn chay theo chế độ ăn của gia đình thường thiếu hụt sắt và vitamin B. Một số bố mẹ lại cho trẻ ăn nhiều thịt để có đủ protein mà bỏ qua rau xanh, hoa quả khiến trẻ không có đủ vitamin A, C, B. Trong khi đó, những vi chất này cực kỳ quan trọng để trẻ khỏe mạnh và bắt kịp tăng trưởng. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng các nhóm chất (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ) mới thực sự lý tưởng với trẻ.
Trẻ có vấn đề với hệ tiêu hóa
Trẻ 5 tuổi biếng ăn chậm lớn có thể do nguyên nhân từ đường tiêu hóa. Có những trẻ ăn tốt nhưng đường ruột kém hấp thu nên rất ít chất dinh dưỡng đi được vào cơ thể. Một số trẻ lại bị viêm dạ dày hoặc trào ngược dạ dày thực quản khiến trẻ thường xuyên buồn nôn, đau bụng và không muốn ăn.
Bạn đừng tưởng hai bệnh lý này chỉ xảy ra ở người lớn. Rất nhiều trẻ em bị viêm dạ dày và trào ngược dạ dày – thực quản, thậm chí nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Trẻ 5 tuổi ăn cơm cùng gia đình nên có thể nhiễm vi khuẩn này từ bố mẹ, anh chị hoặc ông bà.
Bên cạnh đó, những trẻ bị viêm ruột, tiêu chảy kéo dài hoặc mắc bệnh Crohn cũng thường xuyên biếng ăn và không thể hấp thu tốt chất dinh dưỡng. Do vậy, những trẻ này thường nhẹ cân và thấp bé hơn bạn bè.
Sức đề kháng kém
Hệ miễn dịch liên quan gì tới khả năng ăn uống và tốc độ phát triển thể chất của trẻ? Có chứ, thậm chí chúng có mối quan hệ rất khăng khít với nhau. Khi bị ốm, trẻ thường mệt mỏi và không muốn ăn. Trong khi đó, đây là thời điểm trẻ cần tích cực bổ sung năng lượng, chất dinh dưỡng để chiến đấu với vi khuẩn, virus và nhanh chóng phục hồi.
Nếu sức đề kháng kém, trẻ thường xuyên mắc các bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu. Dần dần cơ thể sẽ cạn kiệt năng lượng, trẻ không có nền tảng tốt để phát triển cân nặng và chiều cao.
Mắc các bệnh lý mạn tính
Trẻ bị suy tim, tim bẩm sinh thường chậm lớn vì thường xuyên mệt mỏi, biếng ăn cũng như không có sức khỏe để hoạt động thể lực. Rất nhiều trẻ trong độ tuổi mẫu giáo hoặc tiểu học phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh dựa vào triệu chứng thấp bé, gầy còm. Đây là những dị tật bẩm sinh mức độ nhẹ nên không bộc lộ rõ ràng khi còn nhỏ mà chỉ âm thầm ảnh hưởng tới thể lực và sự phát triển thể chất của trẻ.
Ngoài ra, các bệnh lý về tuyến giáp như cường giáp hoặc vấn đề về thận tiết niệu như suy thận, hội chứng thận hư… cũng tác động xấu tới sự hấp thu dinh dưỡng và tăng trưởng chiều cao, cân nặng ở trẻ.
Xem thêm:
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Vậy câu hỏi đặt ra là có cần đưa bé 5 tuổi biếng ăn chậm lớn đi khám không? Nếu có thì khi nào là phù hợp? Trước tiên, bạn hãy quan sát xem trẻ có dấu hiệu bất thường gì không, ví dụ như thường xuyên mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, né tránh vận động thể lực… Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý chế độ dinh dưỡng hiện tại của trẻ.
Trẻ có ăn đủ 3 bữa chính không hay thường xuyên bỏ bữa, ăn uống thất thường? Trẻ có ăn đầy đủ 5 nhóm chất dinh dưỡng không hay chỉ thích ăn vặt? Những quan sát này sẽ giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn phù hợp cho trẻ đồng thời có thêm thông tin để trả lời các câu hỏi của bác sĩ khi đi khám bệnh.
Sau vài tuần điều chỉnh chế độ ăn mà trẻ vẫn không cải thiện khả năng ăn uống, cân nặng hoặc bạn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thay đổi thói quen của trẻ cũng như phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường, hãy cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ tìm kiếm nguyên nhân của tình trạng biếng ăn, chậm lớn ở trẻ. Đồng thời, bạn cũng sẽ được tư vấn dinh dưỡng cụ thể, phù hợp để không còn bối rối và sai lầm nữa.
Bụ bẫm, to béo chưa chắc đã tốt nhưng chậm lớn, gầy còm chắc chắn là vấn đề sức khỏe cần được quan tâm ở trẻ em, đặc biệt ở giai đoạn mẫu giáo, tiền tiểu học. Đây là lứa tuổi cần năng lượng không chỉ để tăng trưởng chiều cao, cân nặng mà còn để học tập và phát triển trí óc. Vì vậy, bạn nên thường xuyên theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ 5 tuổi cũng như nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia dinh dưỡng, nhi khoa khi trẻ biếng ăn chậm lớn kéo dài nghiêm trọng.