Vì Sao Trẻ Không Chịu Ăn Bột? Giải Pháp Ra Sao?
Cho trẻ ăn dặm là hành trình gian nan và căng thẳng của nhiều bà mẹ. Vì sao trẻ chỉ thích uống sữa? Làm thế nào để trẻ chịu ăn bột mà không nôn ọe, đùn đẩy hay khóc thét? Hôm nay, SKV sẽ giúp bạn xử lý nhanh gọn tình huống trẻ không chịu ăn bột này.
Tại sao trẻ nên ăn bột?
Từ tháng thứ 6 trở đi, dinh dưỡng có trong sữa mẹ không còn đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của bé. Vì vậy, việc bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng khác là điều cần thiết để trẻ phát triển bình thường. Đồng thời hoàn thiện kỹ năng nhai và nuốt. Vậy, mẹ nên lựa chọn thức ăn dặm đầu tiên cho bé là gì?
Nhiều mẹ thường ưu tiên cho bé ăn cháo. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn thích hợp nhất. Lý do bởi, lúc này hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, chưa đủ khả năng để có thể nghiền nát dạng thức ăn này.
Thay vào đó, bé yêu và bột mới xứng đáng là “đôi bạn thân”. Với bột ăn dặm, mẹ có thể đa dạng nguồn thực phẩm chế biến. Từ rau xanh, củ quả, đến các loại thịt. Không chỉ cân bằng dưỡng chất thiết yếu mà còn mang đến hương vị thơm ngon cho bé yêu thưởng thức.
Lộ trình lý tưởng cho bé “tập tành” ăn dặm đó là ăn bột có trái cây, rau củ, hay còn gọi là bột ngọt trước. Tiếp đến mới làm quen với bột ăn dặm mặn, được chế biến từ các loại thịt, cá và hải sản mẹ nha!
Khi nào trẻ có thể ăn bột?
Đâu là thời điểm lý tưởng để mẹ lên kế hoạch cho bé yêu ăn bột? Các nhà khoa học cho biết, cơ thể bé đã có thể bắt đầu tiết ra enzym tiêu hóa trong thời gian từ tháng 4 - 6. Do đó, bé yêu hoàn toàn có thể làm quen với nguồn thức ăn mới - là bột từ giai đoạn này.
Tuy nhiên, lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng dành cho mẹ là nên cho bé yêu tập ăn bột khi bước sang tháng thứ 6. Lúc này cơ thể bé mới thực sự ổn định và đủ khả năng để hấp thu các chất dinh dưỡng có trong bột như rau, thịt, cá, trứng,...
Thêm nữa, bé cần đạt mức trọng lượng gấp 2 lần so với thời điểm khi sinh. Đồng thời, có thể ngồi được và giữ thẳng đầu vào tháng thứ 6 thì mới nên cho bé ăn bột.
Nhiều mẹ vì thấy con còi cọc nên đã quyết định cho bé ăn dặm sớm để bổ sung dưỡng chất. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, thời điểm cho bé ăn dặm cần phải phù hợp với sự phát triển của bé. Nếu cho bé làm quen quá sớm với thức ăn dặm, cơ thể sẽ không thể đáp ứng sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu liên quan đến sức khỏe.
Do đâu bé không chịu ăn bột?
Ăn dặm sai thời điểm
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới, trẻ nên bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tức là bạn chỉ nên cho trẻ bắt đầu ăn dặm từ lúc 6 tháng tuổi. Vì sao lại là thời điểm này chứ không được sớm hơn hay muộn hơn? 6 tháng tuổi là lúc sữa mẹ không cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho trẻ nữa. Trẻ cần thêm nguồn năng lượng dồi dào từ chế độ ăn bổ sung. Nếu ăn dặm muộn hơn, trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ và thiếu hụt nhiều vi chất quan trọng. Ăn dặm quá muộn cũng khiến trẻ chậm làm quen với thức ăn, dẫn tới hiện tượng lười nhai, lười nuốt. bé sẽ không chịu ăn bột, cháo, cơm vì đã quá phụ thuộc vào sữa.
Tuy nhiên, cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi cũng không phải là tốt. Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Các enzym trong nước bọt và từ dạ dày, tụy, gan mật chưa hoạt động nên chưa thể tiêu hóa thức ăn ngoài sữa. Cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng có thể gây rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, tiêu chảy kéo dài và ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, phản xạ nuốt và cử động của lưỡi ở trẻ nhỏ cũng chưa hoàn thiện nên trẻ sẽ từ chối ăn bột ở thời điểm này.
Phản ứng bình thường khi bắt đầu ăn dặm
Sự thật là cho dù con bạn ăn dặm đúng thời điểm thì trẻ vẫn có thể không chịu ăn bột. Lý do là vì đây là phản ứng bình thường của trẻ khi bắt đầu ăn dặm. Sau 6 tháng tuổi, các cơ lưỡi của trẻ đã hoạt động tốt. Trẻ có phản xạ đẩy lưỡi để nhè, phun thức ăn. Phản xạ này có ý nghĩa bảo vệ cơ thể, giúp trẻ phòng tránh nghẹn, sặc đặc biệt khi trẻ đang trong giai đoạn chuyển giao từ uống sữa sang ăn bột.
Giải pháp cho bố mẹ khi trẻ không chịu ăn bột
Cho trẻ thời gian thích nghi
Như SKV đã phân tích ở trên, không chịu ăn bột là phản ứng bình thường của trẻ khi bắt đầu làm quen với thực ăn dạng đặc. Thay vì lo lắng, cáu giận, bạn hãy chấp nhận điều đó và cho trẻ thời gian thích nghi. Đừng nóng vội thay đổi liên tục các phương pháp ăn dặm khác nhau vì trẻ sẽ không kịp thích ứng. Bạn cũng đừng quá áp lực và ép trẻ phải ăn bằng được khi con kém ăn và không chịu hợp tác. Những ngày đầu, bột là thức ăn xa lạ khiến con lo lắng và phải tự vệ. Bạn đừng ép buộc mà khiến con thêm hoảng sợ.
Cho phép trẻ đùa nghịch với bột
Nhiều bậc phụ huynh bắt trẻ ngồi yên trên ghế ăn và đút từng thìa bột cho trẻ. Cách này chưa hẳn đã hiệu quả. Thay vào đó, bạn hãy cho phép trẻ được quậy phá với bát bột của mình. Trẻ được tự nếm thức ăn bằng ngón tay, chủ động cảm nhận nhiệt độ và kết cấu của bát bột. Từ đó, giảm bớt sợ hãi, tăng cường vui thích và thúc đẩy các giác quan, não bộ của trẻ phát triển.
Một chút bừa bãi và lộn xộn nhưng đổi lại rất nhiều lợi ích cho trẻ đúng không? Đừng lo ngại cách này khiến trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Bạn chỉ cần rửa tay cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn và lau dọn thật sạch thìa bát, bàn ăn dặm sau khi sử dụng là được.
Bổ sung thêm sữa
Trong giai đoạn ăn dặm, sữa vẫn là nguồn thực phẩm chủ đạo với trẻ. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Hiểu được điều này giúp bạn cảm thấy an tâm hơn, rằng dù chưa hợp tác ăn dặm, trẻ vẫn không bị đói. Khi tâm lý thoải mái, bạn sẽ không cảm thấy áp lực và căng thẳng khi cho trẻ ăn dặm nữa.
Khi mới bắt đầu ăn dặm, bạn hãy cứ cho trẻ bú mẹ như trước đây. Song song với đó là cho trẻ tập ăn bột từng ít một và tăng dần. Ban đầu có thể ăn dặm 1 bữa/ ngày với 5 – 10 ml bột, sau đó tăng lên thành 15 – 20ml/ bữa và tiếp tục tăng thêm số bữa trong ngày. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng không được thấy trẻ lười ăn bột mà ngừng cho trẻ ăn, chỉ để trẻ uống sữa. Trẻ cần học cách làm quen với bột, sau đó mới có thể ăn cháo và cơm. Đừng nản chí, giai đoạn khó khăn này sẽ sớm qua đi thôi.
Xem thêm:
10 Cách trị biếng ăn cho trẻ
Vì sao trẻ lười ăn dặm?
Thường xuyên thay đổi công thức chế biến
Để trẻ hứng thú hơn với việc ăn bột, mẹ hãy thường xuyên thay đổi công thức chế biến cho trẻ. Những bát bột với màu sắc và hương vị khác nhau chắc chắn sẽ khiến trẻ tò mò và ăn ngon miệng hơn. Không nhất thiết phải ăn thịt bò, cá, hải sản mới dinh dưỡng, bạn hãy liên tục thay đổi các loại thịt và rau củ. Các loại cháo nấu bằng nước hầm xương hoặc nước ép hoa quả có vị ngọt cũng rất phù hợp với trẻ.
Không chịu ăn bột là vấn đề dinh dưỡng phổ biến ở rất nhiều trẻ khi mới bắt đầu ăn dặm. Trẻ biếng ăn bột có thể do thời điểm ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn và cũng là phản ứng bình thường của trẻ. Thay vì lo lắng và hoảng sợ, bố mẹ hãy kiên nhẫn cho trẻ thời gian thích nghi với chế độ dinh dưỡng mới. Tạo cơ hội trẻ làm quen với thức ăn bằng cách chạm tay, liếm mút cũng là biện pháp cần thiết. Bên cạnh đó, bạn tiếp tục cho trẻ bú mẹ để đảm bảo dinh dưỡng và thường xuyên thay đổi thực đơn giúp trẻ ăn ngon miệng hơn nhé!