3 sai lầm của bạn khiến bé không chịu há miệng khi ăn
Bé không chịu há miệng khi ăn là vấn đề khiến mọi ông bố, bà mẹ lo lắng và đau đầu. Tuy nhiên, liệu bạn có biết rằng nguyên nhân của hiện tượng này có thể bắt nguồn từ những sai lầm của bố mẹ? Hãy cùng SKV tìm hiểu 3 sai lầm phổ biến nhất của các bậc phụ huynh khiến bé không chịu há miệng khi ăn cũng như biện pháp khắc phục nhé!
3 sai lầm của bố mẹ khiến bé không chịu há miệng khi ăn
Ép con ăn bằng được
Bạn đã bao giờ đút cho con ăn liên tục mặc dù bé không thích món cháo bí đỏ thịt bò chưa? Hoặc có khi nào bạn ép con ăn hết bát cháo vì con ăn quá ít không? Có thể bạn nghĩ việc ép con ăn có lợi cho trẻ vì cơ thể con được tiếp nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, sự thật không hẳn như vậy. Hành động liên tục đẩy chiếc thìa chứa đầy thức ăn vào miệng trẻ cho dù con đã nói “không” mang đến cho trẻ nhiều cảm xúc tiêu cực. Trẻ sợ hãi, chán ghét đồ ăn và cáu giận bố mẹ vì ép buộc mình. Từ đó, trẻ càng gay gắt thể hiện thái độ phản đối của bản thân thông qua hành động không chịu há miệng khi ăn, quay đầu, mím môi và đẩy thìa thức ăn ra xa.
Dọa nạt, quát mắng con khi ăn
Thử tưởng tượng nếu bé không chịu ăn rau hoặc ăn rất ít đã ngừng lại, bạn sẽ làm gì? Dỗ dành trẻ, hứa hẹn sau khi ăn xong sẽ cho con đi chơi, thậm chí mở tivi cho con xem để đánh lạc hướng. Nhưng nếu tình hình vẫn không cải thiện thì sao? Lúc này, bạn sẽ chiều theo ý trẻ là kết thúc bữa ăn hay quát nạt, to tiếng với con?
Phần đông bố mẹ sẽ lựa chọn phương án thứ hai. Không khó để hiểu cảm giác lo lắng xen lẫn bực tức của bố mẹ trong tình huống này. Tuy nhiên, chính hành động dọa nạt, quát mắng con khi ăn lại là ấn tượng xấu trong tâm hồn trẻ thơ. Con sẽ cảm thấy sợ hãi, bực tức và có những cảm xúc tiêu cực với bữa ăn. Thay vì nghe theo lời bố mẹ tiếp tục ăn, trẻ sẽ chống đối bằng cách không chịu há miệng khi ăn hoặc phun thức ăn ra khắp bàn.
Cho trẻ ăn liên tục
Trẻ em chưa có khả năng giao tiếp bằng lời nói. Vì vậy, trẻ phải sử dụng biểu cảm khuôn mặt và hành động để thể hiện cảm xúc, ý kiến của mình. Hành động không chịu há miệng khi ăn có thể là thái độ chống đối của trẻ đối với bố mẹ, thể hiện trẻ không thích món ăn này hoặc đó là tín hiệu trẻ đã no bụng. Sẽ có bố mẹ thắc mắc rằng: con mới ăn một ít, sao đã no bụng được?
Nếu vậy, bạn hãy thử quan sát lại thực đơn hàng ngày của trẻ xem liệu bạn có đang cho con ăn quá dày hay không. Nếu 8h ăn bữa sáng với cháo, 9h ăn bữa phụ với sữa, 10h ăn cơm trưa thì chắc chắn chiếc dạ dày bé nhỏ của trẻ không thể chứa đựng nổi.
Giải pháp khắc phục cho bố mẹ
Vậy làm cách nào để khắc phục tình trạng bé không chịu há miệng khi ăn? Dưới đây là những biện pháp hữu ích dành cho bố mẹ.
Cho con ăn khi đói
Trước tiên, để trẻ hứng thú với bữa ăn, bạn nên quan sát và nhận biết thời điểm trẻ đói bụng. Bởi khi đói, trẻ sẽ hợp tác ăn hơn. Để làm được điều này, trước tiên, bạn phải sắp xếp thời gian ăn uống của trẻ hợp lý, các bữa nên cách nhau 2 – 3h. Ví dụ, ăn sáng lúc 7h, bữa phụ buổi sáng vào 9h và bữa trưa lúc 12h. Bạn cũng có thể nhận biết các tín hiệu đói bụng của trẻ như sau: trẻ mút ngón tay, thè lưỡi, há miệng, chảy nhiều nước dãi, quay đầu tìm kiếm bú mẹ, chai ti hoặc thức ăn… Sau vài ngày theo dõi, bạn sẽ linh hoạt điều chỉnh khẩu phần ăn mỗi bữa và thời gian các bữa ăn phù hợp với nhu cầu của trẻ.
Dừng lại khi con không thích
Là bố mẹ, tất cả chúng ta đều muốn con ăn nhiều và đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, bạn phải chấp nhận rằng chúng ta cần thời gian để uốn nắn sở thích và thói quen ăn uống của con. Ép buộc chắc chắn không phải biện pháp tốt để xử lý tình trạng kén ăn và biếng ăn của trẻ. Thay vào đó, bạn nên tôn trọng ý kiến của con.
Nếu trẻ quấy khóc không chịu ăn, bạn có thể dừng lại dỗ trẻ tới khi trẻ nín rồi mới cho trẻ ăn tiếp. Nếu trẻ từ chối ăn, bạn đừng cố gắng đút thêm thìa thức ăn nào vào miệng trẻ. Hãy cho trẻ quyền lựa chọn món ăn trẻ thích cũng như dừng lại khi trẻ đã no.
Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh biện pháp khen ngợi và khuyến khích trẻ có ích hơn là quát mắng hay trách phạt. Do đó, dù rất lo lắng và bực tức khi trẻ liên tục lắc đầu, không chịu há miệng khi ăn hoặc phun phè phè cháo bột khắp bàn, bạn vẫn nên nhẹ nhàng dỗ dành trẻ. Thay vì to tiếng, bạn hãy thử vỗ về, động viên con ăn tiếp. Xen lẫn với đó là những lời khen ngợi khi con cố gắng ăn thêm một miếng rau hay dũng cảm thử món ăn mới. Cách này không chỉ giúp trẻ ăn tốt hơn mà còn củng cố sự tự tin của trẻ và tăng thêm tình cảm gia đình. Đừng biến bàn ăn thành cuộc chiến giữa bố mẹ và con cái, bạn nhé!
Trên hành trình nuôi dạy con trẻ, chắc chắn sẽ có lúc bạn cảm thấy bối rối, cáu giận, thậm chí bất lực khi đút thức ăn cho con mà con quay mặt đi, che miệng, mím môi hoặc liên tục đẩy thìa cháo ra xa. Để đối phó với tình huống này, bạn cần ghi nhớ hai nguyên tắc:
- Thứ nhất, nhẹ nhàng dỗ dành, khuyến khích và khen ngợi con để tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn.
- Thứ hai, không ép buộc trẻ ăn và tôn trọng thái độ từ chối thức ăn của trẻ.
Với hai nguyên tắc này, chắc chắn bạn sẽ nhàn hạ mà vẫn có thể xử lý triệt để được vấn đề bé không chịu há miệng khi ăn.
Xem thêm về chủ đề trẻ biếng ăn TẠI ĐÂY