Gan Nhiễm Mỡ: Nguyên Nhân - Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị Bệnh
Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa một số chức năng trong cơ thể. Nhưng trong thời đại ngày nay, gan người dần dần suy yếu vì các loại bệnh mà con người tích trữ thông qua quá trình ăn uống hằng ngày và gan nhiễm mỡ là một trong số đó.
Vậy Gan nhiễm mỡ là gì? Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng Gan nhiễm mỡ cũng như dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh. Ở bài này, cùng SKV tìm hiểu kỹ hơn về bệnh lý gan nhiễm mỡ nhé!
Gan Nhiễm Mỡ Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không?
Giữa cuộc sống bộn bề đầy hối hả ngoài kia, ngày ngày chúng ta đều ăn uống một cách vô tội vạ, kèm theo đó là dịch vụ ship đang nổi lên như một đế chế mạnh mẽ khiến cho con người ngày càng trở lên thụ động và ăn uống một cách thiếu khoa học.
Hiện nay, gan nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến thường gặp ngày nay và không loại trừ bất kỳ đối tượng nào. Bệnh có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn về gan. Theo thống kê thì hiện nay có khoảng 30% dân số mắc căn bệnh gan nhiễm mỡ này và tỉ lệ ngày càng được tăng. Đặc biệt hơn là căn bệnh này có xu hướng ngày càng trẻ hóa về độ tuổi mắc bệnh khiến gan nhiễm mỡ là căn bệnh đáng báo động.
Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là bệnh lý với trạng thái tích mỡ trong gan. Thông thường một người khỏe mạnh có lượng mỡ ít hơn 5% tỷ trọng của lá gan, khi vượt quá 5% thì đó là trạng thái của gan nhiễm mỡ.
Tùy theo lượng mỡ tích trữ trong gan mà người ta chia làm 3 cấp độ khác nhau:
- Gan nhiễm mỡ cấp độ nhẹ (cấp 1): Lượng mỡ trong gan chiếm từ 5% đến 15%
- Gan nhiễm mỡ cấp độ vừa phải (cấp 2): Lượng mỡ trong gan chiếm từ 15% đến 30%
- Gan nhiễm mỡ cấp độ nặng (cấp 3): Lượng mỡ trong gan chiếm từ 30% trở lên
Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Hiện nay còn rất nhiều người chủ quan cho rằng gan nhiễm mỡ là căn bệnh rất bình thường không có gì đáng ngại đến sức khỏe, nhưng có thật sự vậy không? Có thể nói rằng, căn bệnh này cũng giống như một sát thủ âm thầm lặng lẽ giết chết đi lá gan người bệnh, thậm chí còn nguy hiểm đến cả tính mạng.
Tác hại lớn nhất của căn bệnh này là làm suy giảm chức năng hoạt động của gan. Các mô mỡ hình thành gây cản trở rất lớn đến quá trình hoạt động của các mô tế bào trong gan, cản trở sự hấp thụ các dưỡng chất vào tế bào. Việc này đồng nghĩa với các tế bào gan bị giết chết đi, khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng từ đó làm suy giảm các chức năng của gan.
Nếu gan nhiễm mỡ ở cấp độ nhẹ thì tình trạng suy giảm chức năng gan có thể không đáng ngại. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời cũng như tình trạng gan nhiễm mỡ kéo dài sẽ khiến bệnh càng trở năng hơn, chuyển sang cấp độ nguy hiểm hơn.
Khi các tế bào gan dần dần bị hủy hoại sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm ở gan. Các tế bào bị hủy hoại bắt buộc cơ thể phải tái tạo để đáp ứng nhu cầu điều tiết khiến nguy cơ sinh ra tế bào gan ác tính hay còn gọi là ung thư gan nguyên phát tăng cao. Thời gian dài, tình trạng viêm nhiễm ở gan không được chữa trị sẽ dẫn đến tình trạng hình thành các mô xơ làm thay đổi cấu trúc gan cho đến lúc gan mất hoàn toàn chức năng gan và không thể hồi phục lại được. Khi này bệnh nhân sẽ tử vong do nhiều biến chứng để lại khi gan không hoạt động nữa như: Viêm phúc mạc, vỡ tĩnh mạch, xuất huyết tiêu hóa, …
Xem thêm: Chỉ Số Gan Nhiễm Mỡ Như Nào Là Bình Thường?
Siêu âm gan nhiễm mỡ
Siêu âm gan nhiễm mỡ là phương pháp thực hiện chẩn đoán bệnh sử dụng những làn sóng âm có tần số cao tiếp xúc với các vùng cơ thể xung quanh gan để truy xuất hình ảnh về cơ quan bên trong cơ thể.
Trong quá trình siêu âm gan, bác sĩ sẽ dùng máy siêu âm với dụng cụ phát sóng áp vào bên phải phía trên vùng bụng người bệnh để quan sát hình ảnh gan. Những hình ảnh của an được hiển thị qua màn hình máy tính giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc gan cùng các tổn thương xảy đến ở gan.
Nhờ phương pháp siêu âm gan, những tổn thương gan sẽ sớm được phát hiện dựa trên mối liên quan giữa các động mạch và tĩnh mạch của gan.
Xem thêm: Thức Uống Bổ Gan Tốt Cho Người Bị Gan Nhiễm Mỡ
Mô tả bệnh gan nhiễm mỡ trên hình ảnh siêu âm gan
Bệnh nhân gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu dường như không có triệu chứng đặc biệt nào nên các trường hợp thường chỉ được phát hiện thông qua siêu âm. Khi phát hiện gan nhiễm mỡ nhờ siêu âm, hình thái của gan sẽ xuất hiện những đốm sáng rải rác hoặc tập trung thành từng khu. Tùy theo các mức độ của bệnh gan nhiễm mỡ ở từng người mà tình trạng này sẽ có những sự khác nhau.
Tuy nhiên, qua siêu âm gan, bác sĩ sẽ không nhìn thấy được hoặc không nhìn thấy rõ hệ thống mạch bên ngoài trên gan. Đồng thời, siêu âm cũng không giúp phân biệt được là gan nhiễm mỡ đơn thuần hay viêm gan do thoái hóa mỡ, cũng như gặp khó khăn trong việc phân biệt vùng gan bình thường và vùng gan nhiễm mỡ tạo thành hình ảnh giả khối u.
Nói chung, mô tả gan nhiễm mỡ trên hình ảnh siêu âm có đặc trưng là độ hồi âm của nhu mô tế bào gan gia tăng tạo nên hình ảnh gan sáng đặc trưng giúp bác sĩ có thể nhận ra được những dấu hiệu bất thường xuất hiện ở gan.
Gan Nhiễm Mỡ Có Mấy Cấp Độ?
Như đã nói ở trên, bệnh gan nhiễm mỡ có 3 cấp độ. Giờ chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về 3 cấp độ này nhé!
Gan nhiễm mỡ cấp độ 1
Gan nhiễm mỡ cấp độ 1 là trạng thái lượng mỡ tích tụ trong gan chiếm khoảng từ 5% đến 15% tỷ trọng lá gan. Giai đoạn này là giai đoạn nhẹ nhất nên hầu như chưa gây nguy hiểm gì cho đến sức khỏe của bệnh nhân. Chức năng gan ở giai đoạn này vẫn hoạt động khá ổn và đủ khả năng bù trừ lại các hư tổn do bệnh gây ra.
Vậy do đâu mà hình thành trạng thái gan nhiễm mỡ cấp độ 1?
Bệnh lý gan nhiễm mỡ có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau và việc xác định bệnh nhân bị bệnh do nguyên nhân nào là rất cần thiết trong việc tìm phương pháp điều trị.
Một số nguyên nhân có thể nhắc đến như:
- Do béo phì: Người béo phì có tỉ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ này rất cao, người có lượng mỡ trong người càng lớn thì bệnh càng nặng. Một số liệu thống kê cho thấy có khoảng 80 – 90% người béo phì có nguy cơ mắc phải căn bệnh gan nhiễm mỡ này.
- Do bia rượu: Có đến 60% những người thường xuyên uống rượu bia bị mắc phải căn bệnh này. Vì trong bia rượu có chứa cồn, một chất độc tác động trực tiếp đến gan. Uống nhiều bia rượu sẽ khiến khả năng oxi hóa trong gan giảm đi gây tình trạng mỡ trong gan không được xử lý dẫn đến gan nhiễm mỡ. Bia rượu cũng là tác nhân làm tình trạng bệnh lý trở nên nặng hơn, bệnh nhân sẽ dễ gặp phải các biến chứng khác như xơ gan, ung thư gan, …
- Do đã bị bệnh gan: Những người có tiền án, bệnh án về gan như viêm gan B, viêm gan C thường sẽ có biến chứng gan nhiễm mỡ, nhất là viêm gan C.
- Do lười vận động: Những người ít vận động thì quá trình trao đổi chất trong cơ thể kém hơn bình thường, điều này sẽ làm tăng khả năng béo tăng cân của người. Dễ hiểu hơn thì nếu chỉ nạp năng lượng vào mà không đốt cháy năng lượng thì phần năng lượng dư thừa ra sẽ tích tụ thành mỡ, dễ gây tăng cân. Nhóm đối tượng này thường là các dân văn phòng ngồi cả ngày, hay những người thụ động ngồi nhiều, …
- Mắc bệnh tiểu đường: Có một thống kê cho thấy có khoảng 50% những người mắc bệnh tiểu đường type II mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Vì sự kháng các insulin ở người mắc bệnh tiểu đường chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ.
- Do bệnh suy dinh dưỡng: Không chỉ những người béo phì hay tiểu đường mà những người gầy gò ốm yếu, suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ rất cao dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ cấp độ 2
Gan nhiễm mỡ cấp độ 2 là trường hợp bắt đầu trở nặng của bệnh. Ở giai đoạn này bệnh tình không còn nhẹ nữa nhưng cũng chưa đến mức quá nặng. Mức tỷ trọng mỡ trong gan đặt ngưỡng 15-30% trọng lượng gan là được xếp vào cấp độ 2.
Để biết chính xác là mình có đang bị gan nhiễm mỡ cấp độ 2 không thì nên đến các trung tâm y tế để siêu âm gan. Vì chỉ thông qua các trạng thái, các dấu hiệu thông thường thì khó có thể nhận biết được cấp độ này. Các bác sĩ cho biết rằng ở cấp độ 2 này thường chưa xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng nào cả. Thỉnh thoảng bệnh nhân sẽ thấy chán ăn, ngán những món dầu mỡ, thấy trong người uể ỏi, … nhưng vì những biểu hiện bệnh gan nhiễm mỡ này khá đời thường nên các bệnh nhân hay bỏ qua nó.
Nếu như ở cấp độ 1, bệnh nhân có thể điều chỉnh lại chế độ ăn uống cũng như tập luyện sẽ khỏi. Nhưng ở cấp độ 2 này mà không chữa trị kịp thời thì sẽ chuyển sang cấp độ 3 rất nhanh.
Gan nhiễm mỡ cấp độ 3
Gan nhiễm mỡ cấp độ 3 là giai đoạn phát triển cuối cùng của bệnh. Ở cấp độ này thì bệnh tình sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời.
Vậy khi nào là gan nhiễm mỡ cấp độ 3?
Theo các bác sĩ đã nghiên cứu thì khi tỉ trọng mỡ trong gan đạt ngưỡng trên 30% trọng lượng của gan thì được liệt vào cấp độ 3. Tỉ lệ càng cao thì mức độ nguy hiểm càng lớn.
Để tình trạng bệnh tình đạt ngưỡng báo động này thì không đáng. Nhưng vẫn có rất nhiều người vẫn bị thì nguyên nhân là do đâu?
Theo những thống kê của các bệnh viện thì có một số nguyên nhân sau:
- Do bệnh nhân chủ quan: Đây là lý do chính và cũng là lý do không đáng. Thường thì bệnh tình chuyển biến rất âm thầm, không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng trong sinh hoạt hằng ngày nên khiến các bệnh nhân chủ quan, lơ là trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe của mình. Xem thường bệnh tình của mình cũng đồng nghĩa với việc đang đánh cược mạng sống mình với thần chết, thế cho nên dù có là bệnh nhẹ cũng không nên chủ quan.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Nhiệm vụ chính của gan là thải độc và hỗ trợ tiêu hóa. Nếu trong quá trình điều trị bệnh nhân vẫn dùng các thực phẩm nhiều chất béo hay nạp vào cơ thể các chất có cồn như bia rượu sẽ khiến cho gan quá tải. Không nên nạp quá nhiều chất độc vào cơ thể vì mỗi người chỉ có 1 lá gan thôi, không có cái gì xài hoài mà không hư cả.
Vậy nếu không may bệnh tình chuyển biến xấu từ cấp độ 2 sang cấp độ 3 thì phải làm thế nào?
Vì ở cấp độ 3 này gan đã bị tổn thương nghiêm trọng nên nhất thiết phải cần sự can thiệp của bác sĩ để được điều trị một cách an toàn nhất. Việc tự dùng thuốc ở nhà có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn nên nếu thật sự cần thiết thì các bác sĩ sẽ đề nghị nhập viện để tiện việc theo dõi và điều trị.
Điều bệnh nhân có thể làm ngay lúc này chỉ có thể tin tưởng vào các y bác sĩ mà thôi. Hãy làm theo những gì các bác sĩ khuyên để tránh hậu quả tồi tệ nhất xảy ra.
Hậu Quả - Biến Chứng Của Bệnh Gan Nhiễm Mỡ
Gan là một trong những bộ phận trọng yếu của cơ thể người. Ngoài chức năng thanh lọc cơ thể và đào thải độc tố, gan còn có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa đường và các axit béo thành năng lượng, vận chuyển chất dinh dưỡng đi nuôi các cơ quan khác trong cơ thể. Khi lượng mỡ tích tụ trong gan vượt mức cho phép, gan sẽ bị tổn thương, chức năng gan không bình thường nên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh cũng như dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Viêm gan, xơ gan hay ung thư gan và thậm chí tử vong đều là những biến chứng có thể mắc phải nếu không kịp thời phát hiện và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.
Viêm gan
Là tình trạng lá gan bị ăn mòn. Khi tế bào kupffer bị kích hoạt quá mức bởi một số nguyên nhân sẽ phóng ra chất interleukin làm tổn thương tế bào gan và kích ứng các tế bào gây nên viêm gan.
Viêm gan làm tăng gánh nặng lên gan, khiến bạn bị suy kiệt trong một thời gian ngắn. Vì vậy, khám sức khỏe gan là cần thiết để giúp bạn tránh được những biến chứng liên quan đến gan nhiễm mỡ.
Xơ gan
Khi lượng mỡ trong gan ở mức >30% cùng với một lối sống không lành mạnh sẽ phá hủy lá gan mỗi ngày, việc mắc bệnh xơ gan là điều tất yếu xảy đến một sớm một chiều.
Tỷ lệ tử vong của người bị xơ gan có thể lên đến 85% trong vòng 5 năm. Con số này nói lên tình trạng lá gan đang bị hủy hoại nghiêm trọng ở mức đáng cảnh báo.
Ung thư gan
Từ biến chứng viêm gan, nếu người bệnh không có phương pháp điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến các tế bào gan bị chết hàng loạt, dẫn đến nguy cơ đột biến tự phát và tiến triển thành ung thư gan.
Tuổi thọ của người bị ung thư gan kéo dài khoảng 5 năm. Nếu không, nguy cơ tử vong có thể đến bất cứ lúc nào.
Nguyên Nhân Gan Nhiễm Mỡ
Tổng quan về căn nguyên hình thành bệnh gan nhiễm mỡ là khi cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ hoặc chuyển hóa mỡ không kịp, lượng mỡ thừa sẽ tích trữ trong các tế bào gan và gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ.
Cụ thể về nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ người ta chia thành 2 nguyên nhân chính:
- Gan nhiễm mỡ do rượu do rượu bia có chứa chất cồn tác động gây hại đến gan.
- Gan nhiễm mỡ không do rượu: có thể do nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý béo phì, mỡ máu cao, tiểu đường hay việc sử dụng nhiều các loại thuốc điều trị...
Dấu Hiệu Và Triệu Chứng Gan Nhiễm Mỡ
Đối với cấp độ 1 thì tình trạng nhiễm mỡ ở gan còn rất nhẹ, chưa ảnh hưởng gì đến thói quen sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân nên việc nhân biết rất khó. Dấu hiệu bệnh gan nhiễm mỡ hầu như không xuất hiện gì cả.
Chỉ khi bắt đầu qua cấp độ 2 mới dần xuất hiện các triệu chứng và rõ rệt nhất ở cấp độ 3 do việc suy giảm chức năng gan đang xảy ra. Hầu hết các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ đều rất dễ nhận biết là gan trong cơ thể đang bị tổn thương, ví dụ như:
- Da bắt đầu vàng, vàng lòng bàn tay, vàng mắt, nước tiểu có màu sẫm.
- Ngứa ngáy, nổi mụn nhọt trên cơ thể, sốt nhẹ dai dẳng về lúc chiều tối.
- Cơ mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống.
- Cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng, hệ tiêu hóa bị rối loạn, chướng bụng, buồn nôn.
- Tiêu chảy kéo dài, đi cầu thấy phân xám, bạc màu.
- Hay đau ở vùng gan (phía trên bên phải bụng hoặc ở vùng hạ sườn bên phải).
Điều Trị Gan Nhiễm Mỡ Như Thế Nào?
Muốn điều trị gan nhiễm mỡ người bệnh cần phải xác định rõ nguyên nhân gây nên bệnh để có quy trình điều trị phù hợp. Người bệnh chỉ có thể và cải thiện dần dần tình trạng bệnh bằng cách thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt để ngăn ngừa biến chứng kèm theo.
Chế độ ăn uống chung cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ
Thực đơn ăn uống khoa học sẽ giúp người bệnh gan nhiễm mỡ điều trị bệnh tốt hơn. Bữa ăn khoa học cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Hạn chế ăn quá nhiều tinh bột như gạo, mì, cơm.. để giảm lượng chất béo nạp vào cơ thể. Chỉ nên ăn 1 bát cơm lưng trong 1 bữa.
- Bổ sung chất đạm cần thiết mỗi ngày khoảng 300-400gr.
- Hạn chế đồ ăn ngọt, mỗi ngày chỉ nên ăn từ 10-20gr đồ ăn có đường.
- Tránh xa các thực phẩm béo, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ.
- Mỗi ngày nạp đủ 300-400gr rau xanh và 200gr trái cây tươi.
Xem thêm: Chế Độ Ăn Uống Tốt Nhất Cho Người Bệnh Gan Nhiễm Mỡ
Những thói quen trong sinh hoạt giúp hạn chế diễn biến của bệnh gan nhiễm mỡ
Người bệnh có thể kiểm soát tình trạng gan nhiễm mỡ của mình nếu lưu ý vài điều sau:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của cơ thể.
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
- Tập thể dục thường xuyên và đều đặn.
- Kiểm soát bệnh tiểu đường. Thực hiện giảm cân nếu bạn bị béo phì.
- Hỏi bác sĩ thông tin các loại thuốc có thể làm tổn thương gan để tránh không biết và sử dụng.
Điều trị cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ ở mỗi cấp độ sẽ khác nhau. Cùng tìm hiểu chi tiết ngay:
Điều trị cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ 1
Bệnh nhân gan nhiễm mỡ ở cấp độ này sẽ không hề nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm thì bệnh nhân chỉ cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn, tùy theo nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân những phương pháp chữa trị thích hợp nhất.
Ngoài ra bệnh nhân cũng cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống và tập luyện thể thao hợp lý, lối sống lành mạnh thì bệnh sẽ nhanh chóng được loại trừ mà không tốn quá nhiều thời gian hay chi phí. Ngược lại nếu bệnh nhân chủ quan không điều trị sớm hoặc tự ý điều trị không đúng phương pháp thì bệnh sẽ chuyển biến nặng hơn gây nguy hiểm cho chính người bệnh.
Điều trị cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ 2
Ở cấp độ này, gan sẽ gánh chịu một số tổn thương nhất định nên nhất thiết phải điều trị một cách hợp lý nhất có thể để ngăn chặn tình trạng chuyển biến xấu.
Sau đây là một số phương pháp điều trị ở cấp độ 2 này:
- Sử dụng thuốc điều trị gan nhiễm mỡ độ 2: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra loại thuốc phù hợp nhất cho bệnh nhân. Một số loại thuốc được dùng cho bệnh nhân như choline, các loại acid amin, các loại vitamin nhóm B, C, E…những loại thuốc trên có tác dụng giảm mỡ trong gan, hồi phục chức năng gan, bảo vệ gan. Lưu ý, bệnh nhân tuyệt đối không được sử dụng thuốc khi chưa có sự cho phép của các bác sĩ nếu không sẽ khiến cho tình trạng bệnh trở nên xấu hơn. Phải nhớ kỹ một điều rằng dù là thuốc bổ đến mấy nếu sử dụng quá liều cũng sẽ thành thuốc độc.
- Thường xuyên khám định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra lượng đường, lượng mỡ trong máu cũng như kiểm tra chức năng gan để tiện theo dõi tình trạng bệnh lý và có những biện pháp điều trị kịp thời nhất.
- Hạn chế sử dụng các đồ uống có cồn như bia rượu và các loại thức uống có ga, chất kích thích.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, những thực phẩm cay nóng, hay các loại bánh, thức ăn nhanh.
- Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà.
- Nên ăn nhiều rau củ quả, các loại đậu sẽ rất tốt trong việc điều trị gan nhiễm mỡ cấp độ 2.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên, nên tập các bài nhẹ nhàng như chạy bộ, yoga, khiêu vũ, …
Điều trị cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ 3
Ở cấp độ 3 này, bệnh nhân nên thận trọng hơn trong việc điều trị.
Khi có những triệu chứng của bệnh, hãy làm theo khuyến cáo bởi bác sĩ như sau:
- Đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Lúc này bệnh đã nặng nên không thể tự điều trị tại nhà được nữa. Bệnh nhân nên đến bệnh viện để có các trang thiết bị giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Nếu bác sĩ yêu cầu hãy nhập viện để tiện điều trị và theo dõi hơn.
- Duy trì chế độ ăn uống phù hợp với những thực phẩm xanh như rau củ quả và trái cây các loại để bổ sung chất xơ và các vitamin cần thiết cho cơ thể. Tuyệt đối không được ăn những thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ… có thể gây ra những tổn thương cho gan.
- Tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, và hãy giữ một tinh thần thoải mái. Vận động thể thao sẽ giúp cơ thể đốt cháy được lượng mỡ thừa trong người cũng như trong gan.
Tuy hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc điều trị gan nhiễm mỡ cấp độ 3, nói chính xác là chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm căn bệnh này nhưng các bệnh nhân cũng đừng quá lo lắng. Rất rất nhiều bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường nhờ tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.
Cách Phòng Ngừa Bệnh Gan Nhiễm Mỡ
Và để được có một cơ thể khỏe mạnh thì tốt nhất vẫn nên phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ ngay từ đầu. Sau đây, hãy cùng bỏ túi cho mình những cách đơn giản dưới đây để ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ nhé:
Tập thể dục hằng ngày và kiểm soát cân nặng
Thói quen lười vận động không chỉ dẫn đến béo phì mà còn làm cho lượng chất béo không được đào thải mà tích tụ lại quá nhiều hình thành nên gan nhiễm mỡ.
Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng để có thể khống chế sự thay đổi chất béo trong gan.
Trong quá trình luyện tập, vận động không nên vội vàng, không bắt đầu tập nặng ngay mà cần duy trì chế độ tập luyện thường xuyên. Thời gian đều đặn mỗi ngày khoảng từ 30-60 phút.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn uống thiếu khoa học và không lành mạnh là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh gan nhiễm mỡ. Vậy nên, xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh là biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa mỡ tích tụ trong gan.
Hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, đồ ăn cay nóng, các loại nội tạng động vật.
Bổ sung hàm lượng rau, hoa quả tươi vào thực đơn hằng ngày. Rau và hoa quả tươi giàu chất chống oxy hóa, có khả năng thanh lọc cơ thể, thành phần enzyme tự nhiên và các chất tăng cường hệ miễn dịch giúp củng cố thêm cho sức khỏe gan.
Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích
Bia rượu là nguyên nhân gây nên bệnh gan nhiễm mỡ phổ biến nhất. Uống rượu bia làm suy giảm chức năng gan, hạn chế quá trình tổng hợp lipoprotein và ức chế sự đào thải mỡ ở gan. Hậu quả là làm tăng lượng mỡ ở gan.
Tránh xa các thực phẩm không lành mạnh
Chất béo, thức ăn chế biến sẵn là những thứ mà các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên mọi người không nên ăn. Nguyên nhân bởi vì chúng chứa lượng carbohydrate có thể dẫn đến sự lắng đọng chất béo trong gan.
Hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể
Nếu mắc bệnh đái tháo đường, tiểu đường thì nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ rất lớn. Vì vậy, việc kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc là điều cần thiết để ngăn ngừa sự tiến triển của gan nhiễm mỡ thành tình trạng nghiêm trọng hơn như: xơ gan hoặc suy gan.
Lối sống lạc quan, tinh thần thoải mái
Nếu cơ thể thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, tức giận, stress sẽ rất dễ bị gan nhiễm mỡ. Vậy nên, hãy giữ cho tâm trạng luôn vui vẻ, tinh thần thoải mái, lạc quan, kết hợp làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý để phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ.
Tham khảo thêm: #30 Cách Điều Trị Gan Nhiễm Mỡ Ngay Tại Nhà
Những Câu Hỏi Thường Gặp Về Bệnh Gan Nhiễm Mỡ
Gan nhiễm mỡ là một nỗi lo sợ của nhiều người bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó để lại. Đối với những người mắc bệnh hay người bình thường đều có những vấn đề thắc mắc liên quan đến bệnh cần giải đáp. Hiểu được vấn đề đó, nội dung tiếp theo sẽ là những chia sẻ giải đáp về bệnh gan nhiễm mỡ.
Đối tượng nào dễ mắc phải bệnh gan nhiễm mỡ?
Một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm chính là đối tượng dễ bị mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Trên thực tế, bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Một số người mắc bệnh gan nhiễm mỡ do sử dụng quá nhiều rượu bia, một số khác vì những nguyên nhân khác không do rượu. Nhóm mắc bệnh gan nhiễm mỡ không phải do rượu thường xuất hiện ở trẻ vị thành niên.
Tuy nhiên, bệnh gan nhiễm mỡ không lây truyền từ người này sang người khác và cũng không có khả năng di truyền giữa các thế hệ với nhau. Vì vậy các gia đình có người bị bệnh gan nhiễm không cần phải quá lo lắng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn cảm thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu như mệt mỏi, đau hay khó chịu ở vùng bụng kéo dài dai dẳng. Hay trong trường hợp bạn bị sụt cân đột ngột cũng có thể là dấu hiệu bạn đang gặp phải các vấn đề về gan, hãy đến khám và gặp bác sĩ ngay.
Gan nhiễm mỡ có chữa được không? Phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ như thế nào?
Nếu bạn đang thắc mắc rằng gan nhiễm mỡ có chữa được không thì câu trả lời là có. Gan nhiễm mỡ hoàn toàn có thể chữa được nếu người bệnh điều trị đúng cách. Dưới đây là những lưu ý khi điều trị bệnh gan nhiễm mỡ:
- Tuyệt đối tuân theo lời dặn và phác đồ điều trị của bác sĩ trong thời gian chữa bệnh.
- Không tự ý sử dụng các thuốc trị gan nhiễm mỡ nằm ngoài đơn kê của bác sĩ.
- Kiêng ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ cay nóng.
- Kiêng rượu, bia, các chất kích thích: thuốc lá, cà phê.
Gan nhiễm mỡ có hết không?
Một trong những vấn đề của người bệnh gan nhiễm mỡ chính là bệnh có khả năng chữa hết không hay phải chung sống với bệnh suốt đời?
Giải đáp: Thông thường, gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu thường nhẹ và không có dấu hiệu, chức năng gan bị ảnh hưởng không nhiều. Chính vì vậy mà điều trị bệnh gan nhiễm mỡ nếu phát hiện ở giai đoạn đầu sẽ không gặp quá nhiều khó khăn. Nếu tình trạng diễn biến phức tạp hơn và chuyển sang các giai đoạn khác nặng hơn thì vẫn có thể điều trị nhưng sẽ khó hơn và thời gian kéo dài hơn. Do đó, nếu bạn thắc mắc “gan nhiễm mỡ có hết không?” thì câu trả lời là có với điều kiện phải phát hiện bệnh càng sớm càng tốt và tích cực phối hợp chỉ dẫn của bác sĩ để việc điều trị được hiệu quả cao.
Phương pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ như thế nào?
Như đã nói ở trên, việc phát hiện bệnh gan nhiễm mỡ sớm sẽ giúp bạn điều trị kịp thời và hiệu quả hơn, cũng như thời gian điều trị bệnh sẽ được rút ngắn. Nếu phát hiện bệnh quá muộn sẽ gây nhiều khó khăn trong điều trị, đồng thời có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn như: xơ gan, viêm gan hoặc thậm chí là ung thư gan.
Sau đây là những phương pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ giúp phát hiện bệnh sớm và chính xác:
- Xét nghiệm mỡ máu để xác định nồng độ lipid trong máu. Xét nghiệm này có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, có thể được chỉ định xét nghiệm ure máu, đường máu, đo huyết áp,… để có thể phát hiện những rối loạn liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ.
- Sinh thiết gan.
- Siêu âm gan.
- Chụp CT, MRI.
Gan nhiễm mỡ nên kiêng ăn gì?
Thực đơn ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh cũng như điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Vậy nên, chắc chắn có những thực phẩm người bệnh nên tránh hoặc hạn chế trong quá trình điều trị gan nhiễm mỡ. Nhưng thực phẩm này thường là nguyên nhân gây tăng cân và tăng lượng đường trong máu.
- Rượu: đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh gan nhiễm mỡ cũng như các bệnh lý khác về gan.
- Thực phẩm chứa nhiều đường như kẹo, bánh quy, soda... vì lượng đường trong máu cao làm tăng lượng chất béo tích tụ trong gan.
- Thực phẩm chiên chứa nhiều dầu mỡ, chất béo và calo cao.
- Muối: nạp vào một lượng muối lớn khiến cơ thể phải giữ nước dư thào. Giới hạn hàm lượng natri dưới 1.500 miligam mỗi ngày.
- Hạn chế tinh bột: bánh mì trắng, gạo và mì ống... vì chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn nhiều hơn so với ngũ cốc nguyên hạt do thiếu chất xơ.
- Thịt đỏ như thịt bò và thịt nguội vì chúng có nhiều chất béo bão hòa.
Xem thêm: Gan Nhiễm Mỡ Nên Ăn Gì Và Kiêng Ăn Gì?
Gan nhiễm mỡ có nên dùng thuốc để điều trị bệnh không?
Vì phần lớn thuốc đều phải được chuyển hóa qua gan, vậy nên việc sử dụng thuốc điều trị hay không cần được sự cho phép của bác sĩ để tránh lạm dụng thuốc tăng thêm tổn thương cho gan. Thuốc sử dụng để bảo vệ gan thường chỉ sử dụng trong trường hợp chức năng gan có những dấu hiệu suy giảm rõ ràng, việc điều trị gan nhiễm mỡ chủ yếu là điều trị từ chính các nguyên nhân gây nên bệnh. Nhìn chung, điều cơ bản nhất trong phương pháp chữa trị bệnh gan nhiễm mỡ là thay đổi phương thức sinh hoạt cũng như điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sống hằng ngày.
Lời Kết
Trên đây là phần cung cấp thông tin tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ và lời giải đáp cho những vấn đề thắc mắc liên quan. Hy vọng những nội dung chia sẻ này sẽ cung cấp thông tin hữu ích dành cho bạn. Mặc dù gan nhiễm mỡ không quá nguy hiểm ở những cấp độ đầu nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Một căn bệnh mà toàn xã hội không thể làm ngơ.
Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không nên chủ quan và phải theo dõi thường xuyên, điều trị bệnh tích cực để không phải trải qua những diễn biến phức tạp của bệnh. Đặc biệt, để có thể phát hiện và điều trị kịp thời, chúng ta phải biết gan nhiễm mỡ xuất hiện bởi nguyên nhân gì và có triệu chứng triệu chứng ra sao. Đồng thời, nếu muốn phòng tránh nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, hãy bỏ túi cho mình những kinh nghiệm cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe của chính mình một cách tốt nhất.
Đừng để vì những căn bệnh không đáng có này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân cũng như ảnh hưởng đến những người thân xung quanh mình. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì một tương lai không bệnh tật, vì một cuộc sống bình an, hãy cập nhật cho mình những kiến thức hữu ích nhất để phòng tránh căn bệnh này bạn nhé!