Trẻ Biếng Ăn Hay Ngậm - Làm Sao Để Trẻ Ăn Không Ngậm?
Tất cả các bậc cha mẹ có con nhỏ chắc chắn đã từng một lần gặp phải vấn đề này: đó là trẻ ăn ngậm hay bé ngậm miệng không chịu ăn. Thật kỳ lạ đúng không? Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Để tìm hiểu lý do và biết được trẻ biếng ăn hay ngậm phải làm sao, hãy cùng SKV tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Trẻ lười ăn hay ngậm có sao không?
Trong mỗi bữa ăn, đôi khi em bé thường giữ thức ăn ở một bên miệng như một con sóc, dù cho cha mẹ làm đủ mọi cách nhưng bé vẫn không chịu nuốt.
Khi trẻ lười ăn hay ngậm mà không chịu nuốt, toàn bộ việc tập ăn và giờ ăn có thể khiến cha mẹ rất bực bội và trẻ cảm thấy căng thẳng. Khi đó, giờ ăn có thể kéo dài hàng giờ, cha mẹ có thể mất bình tĩnh và trẻ có thể khóc lóc hoặc không chịu ăn.
Tuy nhiên khi cha mẹ muốn dọn đĩa ăn của bé sau một khoảng thời gian nhất định thì bé lại tỏ ra không muốn và khóc lóc, thậm chí là gào thét?
Bé ăn ngậm chỉ vài bữa không phải là vấn đề quá đáng lo ngại, tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài có thể là trẻ đã tạo thành thói quen hoặc trẻ đang gặp một số vấn đề với việc ăn uống, tâm lý hoặc sức khỏe của chính mình.
Nếu không xử lý kịp thời thì lâu dần bé sẽ biếng ăn, còi cọc, chậm lớn, chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ vì không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Vậy vì sao bé lười ăn hay ngậm và phải làm sao để giải quyết tình trạng này?
Vì sao bé lười ăn hay ngậm?
Bé biếng ăn hay ngậm do rất nhiều nguyên nhân, đôi khi nếu cha mẹ không cẩn thận quan sát sẽ rất khó để biết được vì sao bé lại rơi vào tình trạng này. Dưới đây là một số điều cần lưu ý, có thể giải thích vì sao trẻ ăn ngậm và kéo dài quá trình ăn uống của mình:
Trước giờ ăn
Mỗi bé hầu hết đều được cung cấp 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ một ngày. Sẽ không có gì đáng nói nếu cha mẹ không kiểm soát được lượng thức ăn trong bữa ăn nhẹ của bé nhà mình. Nếu bé ăn quá nhiều dẫn đến quá no, điều đó sẽ khiến cho bé không còn thể ăn thêm bất kỳ thức ăn nào trong bữa ăn chính nữa.
Và điều hiển nhiên khi bé đã no mà mẹ vẫn ép bé ăn thì bé sẽ chống đối và thoái thác bữa ăn bằng cách ngậm chặt thức ăn trong miệng mà không chịu nhai hoặc nuốt. Bé biết rằng, nếu làm vậy mình sẽ không phải ăn nữa dù cho cha mẹ có khó chịu và bực bội
Trong giờ ăn
Nhiều cha mẹ sử dụng tivi, điện thoại, máy tính bảng như một vật “cứu cánh” mỗi khi đến giờ ăn của bé. Mẹ có thể nhân lúc bé đang mải xem, mải chơi mà “lừa” đút được một thìa thức ăn vào trong miệng trẻ. Nhưng hầu hết, điều đó lại không có tác dụng. Những thiết bị đó chỉ khiến bé xao nhãng và không tập trung vào bữa ăn. Bé thường mải mê xem tivi, chơi trò chơi mà quên mất phải nhai và nuốt dù mẹ đã đưa được thức ăn vào trong miệng trẻ.
Khi cha mẹ đang cố gắng để bé ăn, liệu bé có được chú ý nhiều do cha mẹ cố gắng bắt trẻ phải ăn hết không? Cũng giống như tivi hoặc các thiết bị di động, liên tục nói chuyện với con cũng có thể khiến bé xao nhãng khỏi công việc “nhai, nuốt” mà bé đang làm. Bé cũng có thể thích thú với tất cả sự chú ý mà bé nhận được, và do đó, bé có động lực để tiếp tục tình trạng ngậm không chịu ăn của mình.
Sau giờ ăn
Khi bé biếng ăn hay ngậm, cha mẹ thử nghĩ xem có phải có điều gì đó thường xảy ra sau bữa ăn mà bé không thích làm không? Đó có thể là giờ ngủ trưa, giờ đi tắm hoặc thậm chí bé không thích khoảng thời gian “chỉ có một mình” khi mẹ dọn dẹp bữa ăn và rửa bát.
Không chỉ bé ngậm không chịu ăn, bé thậm chí có thể quấy khóc rất nhiều trong khoảng thời gian này, bé ăn ngậm là một cách để kéo dài thời gian ăn, không muốn kết thúc bữa ăn.
Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân liên quan đến giờ ăn, còn một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng trẻ ăn ngậm như:
- Trẻ bị ốm: đôi khi, trẻ không chịu ăn hay lười ăn hay ngậm là do bé bị ốm. Cha mẹ cần kiểm tra xem có phải bé đang gặp tình trạng bất thường gì không? Có thể là bé vừa tiêm phòng xong, bé đang mọc răng, hoặc bé đang mắc bệnh lý nào đó về đường hô hấp? Những điều này đều có thể khiến bé cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, dẫn đến không muốn ăn, lười ăn hay ngậm.
- Thực đơn không phù hợp với bé: Nếu chế độ ăn của bé có những món ăn được chế biến không phù hợp với lứa tuổi của bé, hoặc thậm chí không phù hợp với sở thích thì bé sẽ từ chối bữa ăn, lười ăn và hay ngậm.
Tham khảo thêm:
Trẻ biếng ăn hay ngậm phải làm sao?
Với từng nguyên nhân, cha mẹ sẽ có những cách trị bé ăn ngậm để giúp trẻ ăn ngon, không còn biếng ăn hay ngậm nữa:
Trước giờ ăn
Để hạn chế tình trạng trẻ ăn ngậm, lười ăn do ăn bữa phụ quá no, cha mẹ hãy hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều trước khi đến bữa ăn chính, mỗi bữa ăn nên cách nhau từ 2 đến 3 giờ để đảm bảo bé được ĐÓI trước bữa ăn. Một điểm tốt để bắt đầu là cha mẹ có thể giảm một nửa lượng đồ ăn nhẹ mà mẹ thường cho bé ăn để thói quen của bé không bị gián đoạn hoàn toàn. Sau đó, hãy theo dõi xem điều đó có tạo ra sự khác biệt khi đến giờ ăn không nhé!
Trong giờ ăn
Hãy loại bỏ tất cả những thứ có thể gây xao nhãng giờ ăn của trẻ như tivi, ipad hay các thiết bị điện tử khác. Ngoài ra, hãy xem việc nói chuyện với con trong giờ ăn và bắt con ăn có phải là lý do cho hành vi hay ngậm của bé hay không. Nếu đúng, hãy thử ngồi cùng con trong bữa ăn nhưng chỉ nói với con khi con nuốt thức ăn và khen ngợi con khi con làm được điều đó.
Điều này cũng sẽ dạy cho bé một điều là việc nói chuyện chỉ diễn ra khi bé đã nhai và nuốt hết, trong miệng bé không còn thức ăn.
Hãy để trẻ tự ăn nếu có thể, dù điều đó có thật lộn xộn và vương vãi khắp nơi, và để trẻ ngồi cùng với mâm cơm của cả nhà. Trẻ nhỏ học rất nhanh từ người lớn, vì thế để trẻ ăn cơm cùng cả nhà có thể giúp trẻ quan sát, học hỏi và bắt chước được những thói quen tốt trên bàn ăn của cha mẹ. Có thể ban đầu bé chưa quen và tốc độ ăn không theo kịp cha mẹ, nhưng cha mẹ hãy kiên nhẫn đợi trẻ và khích lệ, động viên để bé tập trung ăn, nhai và nuốt nhé.
Sau giờ ăn
Nếu thật sự bé biếng ăn hay ngậm là do bé không thích các hoạt động ngay sau giờ ăn, thì cha mẹ hãy thử lập kế hoạch cho một việc gì đó thú vị hơn và ít gây khó chịu cho bé sau bữa ăn, và cho bé biết rằng ngay sau khi ăn xong, bé có thể tham gia vào hoạt động đó.
Cha mẹ cũng có thể cung cấp các hoạt động ưa thích cho bé trong một khoảng thời gian ngắn để có thể sử dụng hoạt động này để khuyến khích trẻ tuân thủ các công việc khác mà trẻ không muốn làm, chẳng hạn như tắm hoặc ngủ trưa…
Ngoài ra còn một số mẹo khác giúp khắc phục tình trạng biếng ăn hay ngậm ở trẻ:
- Xem lại cách chế biến thức ăn cho trẻ, lựa chọn thức ăn và kết cấu của đồ ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ, Ví dụ trẻ 6 tháng mới ăn dặm chỉ nên ăn cháo, bột ở dạng loãng, mịn (tỉ lệ gạo: nước = 1:10), khi trẻ được 7-8 tháng tuổi, cháo hay thức ăn không cần rây mịn nữa mà chỉ cần nghiền bằng muỗng là được, khi bé được 9-11 tháng tuổi, thức ăn cho bé chỉ cần mềm như chuối, xắt nhỏ như hạt đậu, giai đoạn bé 12 đến 18 tháng bé đã có thể ăn được thức ăn tương đối cứng hơn và đa hình dạng hơn, sau giai đoạn này, bé đã có thể ăn thức ăn như người lớn.
- Không nên ép trẻ ăn quá nhiều, nhiều trẻ sau khi ăn đủ no sẽ bắt đầu lười nhai, khi đó hãy dừng không cho trẻ ăn nữa chứ không nên ép trẻ phải ăn hết phần ăn của mình. Hãy yên tâm vì bé sẽ ăn khi bé đói.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý mà bé mắc phải, nếu bé lười ăn hay ngậm do bị ốm, thì tình trạng này sẽ cải thiện rõ ràng sau khi bé hết bệnh.
Nếu cha mẹ nhận thấy bé không rơi vào trong bất kỳ các nguyên nhân trên hoặc đã thử tất cả các phương pháp trên mà vẫn không thể lý giải vì sao bé ăn hay ngậm hoặc không thể khắc phục dứt điểm tình trạng này, thì cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tham khảo ý kiến và cách giải quyết.
Lời kết
Hy vọng bài viết trên đây đã mang đến cho cha mẹ những lời khuyên bổ ích khi trẻ ăn ngậm biếng ăn. Bé nhà mình có hay lười ăn hay ngậm không? Hãy thử những biện pháp trên đây và cho SKV biết kết quả nhé!