Trẻ Biếng Ăn Thấp Còi: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Giải Pháp
Hiện nay, tình trạng trẻ biếng ăn thấp còi ngày càng diễn ra phổ biến, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi. Đây là độ tuổi mà trẻ đang phát triển mạnh mẽ đồng thời cũng là giai đoạn miễn dịch của trẻ trở nên suy yếu nhất. Do đó, trẻ biếng ăn thấp còi dễ mắc bệnh hơn những trẻ khỏe mạnh, thậm chí có thể dẫn tới những biến chứng nặng nề. Vậy phải làm gì khi trẻ biếng ăn thấp còi?
Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn thấp còi
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống là nguyên nhân chính khiến bé biếng ăn thấp còi. Mà phần lớn là do cha mẹ thiếu kiến thức và kinh nghiệm nuôi con:
- Cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn.
- Cho trẻ cai sữa quá sớm.
- Chế độ ăn không đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, không đảm bảo về cả chất lượng lẫn số lượng, không phù hợp với độ tuổi của bé.
- Bé biếng ăn do cách chăm sóc sai lầm của cha mẹ: thường xuyên quát mắng trẻ, ép trẻ ăn, cho trẻ ăn rong, xem ti vi trong khi ăn…
Thiếu vi chất
Thiếu vi chất cũng là một trong những nguyên nhân gây biếng ăn thấp còi ở trẻ em Việt. Một số vi chất như kẽm, sắt, canxi, I ốt…thiếu hụt trầm trọng trong bữa ăn hàng ngày của trẻ sẽ dẫn tới biếng ăn, chậm lớn, còi xương, suy giảm chức năng miễn dịch… Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do bé ăn dặm quá muộn, bé kén ăn, chỉ ăn một vài loại thức ăn nhất định…
Bé mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn
Nếu bé mắc các bệnh nhiễm khuẩn kéo dài trong độ tuổi này cũng dễ khiến trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng thấp còi. Một số bệnh lý nhiễm khuẩn thường gặp ở trẻ nhỏ như:
- Tiêu chảy
- Viêm đường hô hấp trên như: viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi…
Hậu quả trẻ biếng ăn thấp còi
Trẻ biếng ăn thấp còi không chỉ khiến bé thấp bé hơn những trẻ đồng trang lứa mà còn gây những hậu quả nghiêm trọng hơn:
Chậm phát triển về thể chất và trí não
Điều dễ nhận thấy nhất khi trẻ biếng ăn thấp còi là bé có tầm vóc thấp bé hơn những bé khác. Bé bị thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn tới thiếu năng lượng, ảnh hưởng tới sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể.
Không chỉ giảm sút về cân nặng, thấp bé về chiều cao, trẻ biếng ăn thấp còi còn ảnh hưởng đến cả sự phát triển trí não của trẻ do thiếu những dưỡng chất cần thiết như omega 3, DHA, taurine, I ốt… dẫn tới bé kém phát triển trí tuệ, chậm giao tiếp, giảm trí nhớ…ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của trẻ.
Hệ miễn dịch suy giảm
Trẻ biếng ăn thấp còi dễ dẫn tới hệ miễn dịch suy giảm do thiếu hụt chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm… dẫn tới trẻ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… các bệnh lý về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy… Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn bệnh lý => biếng ăn, thấp còi => bệnh lý.
Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn thấp còi
Để nhận biết sớm trẻ biếng ăn thấp còi mẹ có thể quan sát một số dấu hiệu dưới đây:
- Trẻ biếng ăn, kén ăn hoặc không chịu ăn.
- Trẻ hay quấy khóc, chậm chạp, kém hoạt bát.
- Trẻ biếng ăn chậm tăng cân hoặc thậm chí không tăng cân trong 2 đến 3 tháng.
- Trẻ chậm phát triển chiều cao hoặc thậm chí không tăng chiều cao trong 2 đến 3 tháng.
- Trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình.
- Trẻ mọc răng chậm, chậm biết đi.
- Tóc dễ rụng, rụng tóc vành khăn.
- Da nhợt nhạt, cơ nhão.
- Thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa.
- Thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp.
Do đó, mẹ cần cân đo chiều cao, cân nặng cho bé thường xuyên để biết được bé nhà mình có đang tăng trưởng theo đúng đường cong tăng trưởng của bé hay không. Ngoài ra cần quan sát thật kỹ những dấu hiệu bất thường để có thể nhận biết sớm tình trạng bé biếng ăn thấp còi, từ đó có cách điều trị cho kịp thời.
Làm gì khi trẻ biếng ăn thấp còi
Chăm sóc trẻ biếng ăn thấp còi
Khi trẻ biếng ăn thấp còi, mẹ cần chăm sóc bé kĩ lưỡng hơn và chú ý một số điểm sau:
- Vệ sinh cá nhân cho bé: tưởng chừng như không liên quan nhưng vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ có thể giúp bé hạn chế mắc phải những bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp. Thường xuyên vệ sinh thân thể, tạo cho bé thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi cầu. Đánh răng thường xuyên, hạn chế ăn đồ ngọt, không cho trẻ mút tay, đưa đồ chơi lên miệng… Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để môi trường sống xung quanh bé luôn thoáng mát, thoải mái.
- Vệ sinh ăn uống: thực hiện ăn chín, uống sôi, hạn chế cho trẻ ăn ở vỉa hè, lề đường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoa quả, rau củ cần rửa sạch sẽ, gọt vỏ trước khi cho bé ăn để tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa…
- Động viên, khích lệ trẻ ăn uống: Điều quan trọng nhất khi trẻ biếng ăn thấp còi là giúp cho trẻ ăn nhiều hơn. Vì thế hãy thường xuyên động viên, khích lệ trẻ trong bữa ăn, tạo không khí vui vẻ để trẻ có hứng thú hơn với bữa ăn. Hạn chế quát mắng, ép trẻ vì điều đó sẽ tạo áp lực tâm lý lên trẻ, khiến trẻ cảm thấy sợ ăn, sợ đến bữa ăn, từ đó khiến tình trạng biếng ăn thấp còi ở trẻ ngày càng nặng hơn.
- Khi trẻ mắc các bệnh lý như tiêu chảy hay viêm đường hô hấp cần xử lý bệnh triệt để để bé mau chóng hồi phụ sau bệnh. Không tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Chế độ ăn cho trẻ biếng ăn thấp còi
Nguyên tắc
- Cung cấp đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất cho trẻ: carbohydrat, lipid, protein, vitamin và khoáng chất.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa cho trẻ.
- Cung cấp thức ăn có năng lượng cao hơn so với trẻ khỏe mạnh bình thường.
Chế độ ăn cho trẻ biếng ăn thấp còi
Với trẻ biếng ăn thấp còi, mẹ nên cho bé ăn nhiều bữa trong ngày với số lượng ít hơn để bé có thể tiêu thụ và hấp thu hết lượng thức ăn này. Chế độ ăn cho trẻ thấp còi cần cân đối giữa 4 nhóm chất, đặc biệt cần:
- Tăng cường bổ sung protein: khi trẻ biếng ăn thấp còi, mẹ cần tăng cường bổ sung protein để bù đắp lại tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của trẻ. Nguyên tắc cơ bản là mẹ cần tăng dần lượng calo từ 90 đến 150 kcalo/kg/ngày. Lượng protein sẽ tâng dần lên 5 đến 7g/kg/ngày. Những nguồn thực phẩm giúp cung cấp protein bổ sung cho bé như: thịt, trứng, cá, sữa, các loại hải sản, thịt gia cầm…, đậu phụ, các loại đậu, vừng, lạc…
- Tăng cường bổ sung chất béo: Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng cho trẻ, hòa tan một số loại vitamin tan trong chất béo như vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K. Những loại chất béo này có trong mỡ động vật như mỡ heo, mỡ gà và các loại dầu thực vật khác như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu oliu…
- Ngoài ra mẹ cũng cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cho bé để cải thiện cảm giác thèm ăn, giúp trẻ phát triển tốt cả về thể chất lẫn trí não như: sắt (có nhiều trong thịt bò, gan động vật, trứng gà…), canxi (có nhiều trong sữa và các sản phẩm từ sữa, hải sản cá, tôm, cua…, các loại rau có màu xanh thẫm), kẽm (có nhiều trong hàu, sò, tôm, lươn, thịt bò, cá, lòng đỏ trứng, các loại hạt có dầu), vitamin A (có nhiều trong các loại quả có màu đỏ, vàng như cà rốt, gấc, cà chua, trứng, sữa…), vitamin C (có nhiều trong các loại quả họ cam, ổi, các loại quả mọng), vitamin D (có nhiều trong ánh nắng mặt trời, các loại cá béo…).
Lời kết
Trẻ biếng ăn thấp còi không chỉ ảnh hưởng đến tầm vóc mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ. Vì thế, cha mẹ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp với trẻ theo mỗi giai đoạn và mỗi lứa tuổi vì một chế độ dinh dưỡng cân bằng là cách tốt nhất để phòng tránh suy dinh dưỡng thấp còi ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.